Ukraine tranh cãi với Canada về Nord Stream
Canada khẳng định các tuyến đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu chạy qua lãnh thổ Ukraine không thể thay thế tuyến Nord Stream được lắp đặt dưới đáy biển Baltic, song Kiev bác bỏ tuyên bố này.
Bloomberg hôm nay (5/8) dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên Canada Jonathan Wilkinson bảo vệ quyết định hồi 2 tuần trước của nước này về việc bỏ qua lệnh trừng phạt để trao trả một tuabin nén khí thuộc dự án dẫn khí đốt Nord Stream 1, được bảo dưỡng ở Canada, về Đức để Đức bàn giao cho Nga.
Theo ông Wilkinson, đường ống Nord Stream 1 có vai trò rất quan trọng. Nếu thiếu tuabin kể trên, tuyến đường ống sẽ không thể hoạt động, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt tại các quốc gia châu Âu, vốn là đồng minh thân cận của Canada.
"Điểm mấu chốt nữa là lưu lượng khí đốt được bơm từ Nga sang Đức qua (các đường ống) trên lãnh thổ Ukraine thấp hơn đáng kể so với những gì có thể bơm qua tuyến Nord Stream", ông Wilkinson nói thêm, khẳng định kết luận được đưa ra dựa trên các tính toán kĩ lưỡng.
Ngoài ra, vị Bộ trưởng Canada cũng nói rằng việc để châu Âu phụ thuộc vào tuyến đường ống chảy qua khu vực chiến sự là rất rủi ro. "Chẳng có gì ngăn cản được Nga giảm dòng chảy qua Ukraine", ông nói.
Đại sứ Ukraine tại Canada Yulia Kovaliv ngay sau đó một lần nữa chỉ trích việc Canada trả tuabin khí đốt Nord Stream 1, đồng thời bác bỏ kết luận của ông Wilkinson và khẳng định, lượng khí đốt được chuyển từ Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine ngay lúc này lớn hơn qua Nord Stream.
"Đây là đường ống duy nhất mà Gazprom không có cổ phần và nó đang cung cấp khí đốt cho châu Âu ngay cả khi xung đột đang diễn ra", bà Kovaliv nói.
Được biết, dù chiếc tuabin đã tới Đức cách đây hai tuần, nhưng nó vẫn chưa được đưa sang Nga. Gazprom viện dẫn lí do họ không nhận tuabin vì rào cản của các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Nord Stream 1 hiện chỉ hoạt động với 20% công suất.
Trước chiến sự Ukraine, châu Âu từng nhận khí đốt từ Nga qua nhiều tuyến đường ống, bao gồm Nord Stream 1 chạy dưới đáy biển Baltic, có công suất bơm tối đa 55 tỷ mét khối mỗi năm; tuyến Yamal-Europe qua lãnh thổ Ba Lan có công suất 33 tỷ mét khối và tuyến chạy qua Ukraine có công suất khoảng hơn 50 tỷ mét khối.