Ukraine triển khai binh sĩ và vũ khí tới biên giới Donbass
Quân đội Ukraine đã tập trung ở phía Bắc và phía Tây Bắc của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, cũng như ở khu vực xung quanh thị trấn Krasny Liman ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, nơi quân đội Nga đã rút lui một tuần trước.
Hãng tin RT ngày 9/10 dẫn lời ông Rodion Miroshnik, quan chức đại diện khu vực Lugansk tại Nga cho biết, Ukraine đang triển khai khoảng 40.000 binh sĩ áp sát biên giới LPR - khu vực Nga sáp nhập trong thời gian gần đây. Ông nêu rõ: "Tại những khu vực mà các lực lượng Ukraine đang nỗ lực đột phá, họ đã tập trung một số lượng lớn binh sĩ và khí tài quân sự". Theo ước tính của LPR, số binh sĩ vào khoảng 40.000 người.
"Quân đội Ukraine đã tập trung ở phía Bắc và phía Tây Bắc của LPR, cũng như ở khu vực xung quanh thị trấn Krasny Liman ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, nơi quân đội Nga đã rút lui một tuần trước", ông Rodion Miroshnik cho biết thêm.
Liên quan đến vụ nổ trên cầu Kerch (hay còn gọi là cầu Crimea), nhiều nhà phân tích cho rằng, thời điểm xảy ra vụ việc là rất đáng lưu ý - chỉ một ngày sau sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông và trong bối cảnh Ukraine đang đẩy mạnh chiến dịch phản công tại các mặt trận phía Đông, phía Nam còn Nga tạm rút lui tại một số khu vực. Vụ việc cũng diễn ra một tuần sau khi người đứng đầu Điện Kremlin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye).
Theo giới phân tích, vụ nổ mà giới chức Nga cho là vụ đánh bom xe tải có nguy cơ khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang đáng kể. Thiệt hại đối với cầu Kerch không chỉ gây khó khăn cho nỗ lực cung cấp nhân lực và vũ khí của Nga cho các đơn vị ở miền Nam Ukraine, mà còn gây ảnh hưởng đến tính biểu tượng của cây cầu này.
Sau vụ nổ nói trên, phe cứng rắn tại Nga đã hối thúc Tổng thống Vladimir Putin tăng cường thực hiện các hoạt động quân sự bằng cách nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine. Điều đáng nói, Kiev không ít lần đề cập đến việc tấn công cầu Crimea và tuyên bố sẽ thực hiện hành động này khi thời điểm phù hợp. Còn Nga cũng nhiều lần cảnh báo, nếu Ukraine "mạo hiểm tấn công" Crimea, thì họ ngay lập tức sẽ đối mặt với "ngày phán xét".
Chỉ vài giờ sau vụ nổ, Nga tuyên bố bổ nhiệm tướng Sergey Surovikin - viên tướng kỳ cựu tại mặt trận Syria đảm nhận trách nhiệm chỉ huy toàn bộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn: "Tại quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga, Tướng Sergey Surovikin đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng liên hợp trong khu vực thuộc chiến dịch quân sự đặc biệt".
Ông được biết đến với biệt danh "tướng Armageddon" để thể hiện cách tiếp cận cứng rắn và phi chính thống của ông đối với các hoạt động quân sự. Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng của tướng Sergey Surovikin đã xóa sổ một lực lượng lớn của Ukraine ở khu vực Gorskoye thuộc LPR. Việc bổ nhiệm diễn ra vào thời điểm quân Nga gần đây đã rút khỏi thị trấn trọng yếu Lyman.
Đáp lại lời kêu gọi phương Tây thực hiện "tấn công phủ đầu" nhằm vào Nga của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Washington không có ý định tham gia trực tiếp vào xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Ông nhắc lại lời của Tổng thống Mỹ Joe Biden thường xuyên nói rằng Mỹ không có ý định tham gia vào cuộc chiến tại Nga. Ông khẳng định: "Chừng nào Mỹ và các đồng minh của chúng tôi chưa bị tấn công, chúng tôi sẽ không bị tấn công, chúng tôi sẽ không trực tiếp tham gia xung đột này bằng việc đưa quân Mỹ tới chiến đấu ở Ukraine hoặc tấn công lực lượng Nga". Phó Phát ngôn viên nhấn mạnh, thông điệp của Washington về vấn đề này là rất rõ ràng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 8/10 (giờ địa phương) khẳng định Moscow vẫn cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh tuyên bố chung của lãnh đạo 5 nước cường quốc hạt nhân (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) vào ngày 3/1/2022, trong đó nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông nhấn mạnh, cần phải ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Nga khẳng định thêm rằng "việc sử dụng vũ khí hạt nhân được giới hạn rõ ràng trong các trường hợp khẩn cấp trong các tình huống được xác định trong Học thuyết quân sự của Liên bang Nga và Nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân".
Tuyên bố cam kết tuân thủ nguyên tắc không chấp nhận chiến tranh hạt nhân của Nga, diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng, Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại lực lượng vũ trang Ukraine, nếu các cuộc tấn công của Ukraine không thể bị ngăn chặn bằng các loại vũ khí thông thường. Dư luận luôn mong muốn và hy vọng rằng, các bên liên quan quay trở lại bàn đàm phán, giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình, đồng thời hết sức kiềm chế, không có những tính toán sai lầm, để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân.