Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO?
Sau khi Phần Lan có được cái gật đầu cuối cùng từ Thổ Nhĩ Kỳ để chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/4, câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra nhiều nhất có lẽ là việc bao giờ đến lượt Thụy Điển. Liệu Ankara sẽ vẫn "chơi rắn" hay sẽ sớm bật đèn xanh cho Stockholm?
Reuters mới đây dẫn phân tích của một số học giả nhận định, thảm họa động đất hồi tháng 2 xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng làm thay đổi tính toán của Ankara. Theo chuyên gia Alper Coskun - Thành viên cấp cao tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Washington, môi trường quốc tế hiện tại khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể trì hoãn lâu hơn việc phê chuẩn Thụy Điển vào NATO.
Kể từ sau thảm họa đó, Ankara dành sự ưu tiên nhiều nhất cho việc đảm bảo nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ quốc tế. Thực tế, ước tính con số thiệt hại mà Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu đã vượt mức 100 tỉ USD. Rõ ràng, Ankara cần tới sự hỗ trợ tài chính của phương Tây để tái thiết và duy trì nền kinh tế phát triển. Trước đó, Liên minh châu ÂU (EU) cũng cam kết tài trợ Thổ Nhĩ Kỳ 7,5 tỉ USD.
Chuyên gia Alper Coskun đánh giá: “Hậu quả thảm khốc gây ra bởi các trận động đất hồi tháng 2 đang thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới một lập trường hợp lý hơn đối với phương Tây”.
Do vậy, nhiều học giả khác cho rằng, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ bật đèn xanh cho việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự NATO sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Và sự kiện có thể diễn ra trước thời điểm NATO tổ chức thượng đỉnh vào ngày 11-12/7 tại Vilnius, Lithuania.
Giới chuyên gia lý giải, cuộc bầu cử quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào ngày 14/5 tới được coi là thách thức chính trị lớn nhất của Tổng thống Ergodan trong hai thập kỉ cầm quyền. Vấn đề NATO - trong đó có việc trì hoãn việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập liên minh, có thể giúp ông Erdogan phân tán sự chú ý của cử tri khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước này.
Ông Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm chia sẻ: "Thổ Nhĩ Kỳ từng có những bất đồng với các đồng minh NATO. Nhưng những vấn đề đó đã được giải quyết do áp lực từ các đồng minh, đàm phán và một số nhượng bộ từ đồng minh. Tôi tin vấn đề hiện tại có thể được giải quyết theo cách tương tự".
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các phần tử khủng bố người Kurd và yêu cầu nước này dẫn độ những nghi phạm theo yêu cầu của Ankara. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây phản đối quyết liệt các cuộc biểu tình ở Stockholm, trong đó cuốn kinh Koran của người Hồi giáo bị đốt cháy và hình nộm của Tổng thống Erdogan bị treo ngược. Ankara nói rằng đây là những tội ác thù hận.
Về phía Thụy Điển, Stockholm cho biết đã thực hiện thỏa thuận Madrid năm 2022 với Thổ Nhĩ Kỳ, gồm luật chống khủng bố cứng rắn hơn. Ngày 1/6 tới, luật này sẽ chính thức có hiệu lực.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển cũng chưa có được phê duyệt từ Hungary. Nước này nói rằng Thụy Điển có thái độ thù địch với Budapest trong nhiều năm. Những lời chỉ trích của Thụy Điển đối với Thủ tướng Viktor Orban về sự xói mòn của luật pháp đã khiến Hungary giận dữ.
Dù Hungary không đưa ra danh sách các vấn đề mà Thụy Điển phải thực hiện để phê chuẩn Stockholm vào NATO, nhưng chính quyền Thủ tướng Viktor Orban khẳng định, rằng những bất đồng cần phải được giải quyết trước khi đi tới các bước tiếp theo.