Hãng xe Hàn Quốc SsangYong nộp đơn xin phá sản
Thông tin từ Reuters cho hay, SsangYong Motor đã đệ đơn xin phá sản sau khi không trả được khoản vay khoảng 60 tỷ won (tương đương khoảng 54,4 triệu USD). Nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc thông báo rằng động thái này dự kiến gây ra sự gián đoạn lớn trong hoạt động của họ.
Hãng đã đệ đơn lên tòa án sau khi không thể đạt được thỏa thuận gia hạn thời gian trả nợ với các ngân hàng nước ngoài. SsangYong nợ Ngân hàng Mỹ (Bank of America) khoảng 30 tỷ won (27,2 triệu USD), nợ JP Morgan Chase 20 tỷ won (18,1 triệu USD) và BNP Paribas 10 tỷ won (9 triệu USD).
Không có khả năng trả nợ, nhà sản xuất xe ô tô lớn thứ 4 Hàn Quốc đã nộp đơn xin phá sản. |
Ngày 14/12, Mahindra & Mahindra - công ty nắm giữ 74,65% cổ phần của SsangYong đã cho biết tổng số tiền phải trả. Nhà sản xuất ôtô Ấn Độ đã cứu SsangYong khỏi vỡ nợ bằng một thỏa thuận vào năm 2010, nhưng không thành công trong việc xoay chuyển tình thế. Trước đó, công ty cho biết sẽ đầu tư 423 triệu USD vào SsangYong để tạo ra lợi nhuận vào năm 2022, nhưng kế hoạch bị phá sản vì dịch COVID-19.
Hồi tháng 4, Mahindra cho biết họ sẽ không đầu tư vào SsangYong nữa và yêu cầu hãng xe Hàn Quốc tìm kiếm nhà đầu tư mới. Đến tháng 6, công ty Ấn Độ cho biết họ sẵn sàng từ bỏ cổ phần sở hữu và đang tìm kiếm đơn vị mua lại SsangYong.
Doanh số bán hàng của SsangYong đang giảm dần. Hãng xe này chỉ bán được 96.825 xe trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11, ít hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong hồ sơ của mình, SsangYong cho biết họ đã đăng ký chương trình hỗ trợ tái cơ cấu tự chủ, trong đó có 3 tháng để thương lượng với các bên liên quan, bao gồm cả chủ nợ để giải quyết vấn đề.
Vào đầu năm 2020, SsangYong đã lên kế hoạch kinh doanh phiên bản chạy điện hoàn toàn của chiếc SUV Korando tại châu Âu. Mẫu xe điện được dự kiến trưng bày tại Triển lãm ôtô Geneva, tuy nhiên sự kiện này bị buộc phải hủy bỏ vì dịch COVID-19.
Đây không phải lần đầu tiên hãng xe này tuyên bố phá sản. Cuối năm 2004, Tập đoàn Công nghiệp Ôtô Thượng Hải (SAIC) mua lại 49% cổ phần hãng xe này. Tuy nhiên chỉ 5 năm sau, vào ngày 9/1/2009, Ssangyong nộp đơn xin phá sản để bảo vệ tài sản khỏi các chủ nợ do làm ăn thua lỗ và hãng mẹ không bơm tiền cứu.
Cuối năm 2009, Ssangyong được giải cứu và SAIC bị cắt giảm cổ phần từ 51% xuống 11,2%. Tháng 8/2010, Tập đoàn Mahindra & Mahindra của Ấn Độ mua lại 51% cổ phần SsangYong.