Những dấu ấn trong chặng đường 5 năm thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN

09:43 06/11/2020
Sau 5 năm triển khai, Chương trình 2075 đã nâng cao năng lực chuyển giao, hỗ trợ thúc đẩy cung cầu KH&CN thông qua các hoạt động xúc tiến thị trường công nghệ trong nước và quốc tế.


“Sau 5 năm triển khai, Chương trình 2075 đã nâng cao năng lực chuyển giao, hỗ trợ thúc đẩy cung cầu KH&CN thông qua các hoạt động xúc tiến thị trường công nghệ trong nước và quốc tế. Các tổ chức trung gian thúc đẩy dịch vụ (chợ công nghệ) được hình thành và phát triển. Ngoài ra, mạng lưới sàn giao dịch công nghệ cơ bản được thiết lập, nhiều sản phẩm dịch vụ KH&CN đã tăng giá trị trên thị trường”.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng tại hội thảo “Tổng kết Chương trình phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2015-2020” do Bộ KH&CN tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2020 vừa diễn ra.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết Chương trình 2075 còn xây dựng hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường KH&CN. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu khoa học về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng của thị trường KH&CN đã được thể chế hóa, giúp đẩy mạnh việc gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, nâng cao hiệu quả thương mại hóa công nghệ, thu hút các thành phần tham gia thị trường KH&CN.

Đại diện Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN - đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình 2075, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng - cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình 2075 đã góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển với diện mạo mới; mang lại tác động tích cực về mặt KH&CN, góp phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình đã thu hút đầu tư góp vốn khá lớn từ các đơn vị tham gia và phối hợp để phát triển công nghệ, góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN, đặc biệt là nhóm dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Điều này phần nào thấy được hiệu quả đầu tư trong việc thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết tổ chức khoa học với doanh nghiệp, để phát triển thị trường KH&CN. Các dự án nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN đã có nhiều kết quả nổi bật.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN.

Ông Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh: Việc đưa ra giải pháp nâng cao năng lực đổi mới, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ trong trường đại học đã giúp hình thành phương pháp đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ của các doanh nghiệp, phục vụ quá trình thương mại hóa và phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam. Đặc biệt, từ nhiệm vụ “Hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp” bước đầu hình thành mô hình tổ chức trung gian trong trường đại học, qua đó, có thể làm hình mẫu nhân rộng thúc đẩy giao dịch công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.

Thông qua các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, đã có hơn 3.000 hợp đồng và biên bản được ký kết. Bên cạnh đó, các sự kiện như ICTcomm và GrowTech được tổ chức với các nguồn xã hội hóa lên tới hơn 90%. Các sự kiện vẫn đạt 100% mục tiêu hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chính sách, kết nối các nguồn cung, cầu trong và noài nước, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ định hướng và phát triển thị trường KH&CN.

Ông Tạ Bá Hưng - Trưởng ban Chủ nhiệm Chương trình 2075.

Với những kết quả đạt được, Chương trình 2075 đã tác động tích cực tới phát triển thị trường KH&CN, với việc hình thành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ để xúc tiến hoạt động tìm kiếm, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về dịch vụ công nghệ và thị trường KH&CN.

Trong báo cáo “Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030: Định hướng và giải pháp”, ông Tạ Bá Hưng - Chủ nhiệm Chương trình 2075 – nhấn mạnh: Thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo ông Tạ Bá Hưng, để tăng cường giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy các chủ thể liên quan tham gia các hoạt động của thị trường và liên thông thị trường KH&CN, cần phải đẩy mạnh việc thúc đẩy nhu cầu và nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp; củng cố và phát triển hệ thống hạ tầng và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; tăng cường các hoạt động xúc tiến thị KH&CN; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thị trường KH&CN.

Tọa đàm “Định hướng và giải pháp phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030”.

Ông Tạ Bá Hưng chia sẻ: Trong thời gian tới, Chương trình 2075 sẽ tập trung phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.  Chương trình sẽ chú trọng phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN, thúc đẩy phát triển nhu cầu về hàng hóa KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường KH&CN; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN.

“Mục tiêu của Chương trình là tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở nâng cao vai trò của nhà nước và các chủ thể của thị trường KH&CN” - ông Tạ Bá Hưng thông tin.

Tại hội thảo đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Định hướng và giải pháp phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020” với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia Tạ Doãn Trịnh, ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Trần Phương Thảo - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Các diễn giả đã đánh giá thực trạng hoạt động của các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH&CN hiện nay, vai trò của Nhà nước trong việc phát triển thị trường KH&CN, đồng thời, trao đổi kinh nghiệm thương mại hóa công nghệ tại các Viện, Trường, hướng đến phát triển thị trường KH&CN cho giai đoạn 2021-2030.

Phan Sơn

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文