Tiềm năng cho thị trường xe điện
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) vừa công bố kết quả dự án "Nghiên cứu người tiêu dùng về phương tiện giao thông điện" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng Hội DNHVNCLC thực hiện.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và 3 tỉnh là Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh và Phú Yên. Kết quả khảo sát cho thấy, mức giá các loại phương tiện giao thông điện (PTGTĐ) trên thị trường hiện nay tương đối phù hợp và được số đông NTD chấp nhận. Cụ thể, về mức giá xe đạp điện có đến 56% NTD chấp nhận trong khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, 88% NTD chấp nhận mức giá xe máy điện từ 10 - 40 triệu đồng và 48% NTD chấp nhận giá xe hơi điện giá 550 triệu đến 850 triệu đồng. Có đến 78% NTD được khảo sát cho biết là họ mong muốn sử dụng PTGTĐ trong tương lai gần.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát có đến 78% NTD mong muốn sử dụng PTGTĐ trong tương lai gần là tín hiệu đáng mừng vì NTD đã nắm bắt và mong muốn được chuyển đổi PTGTĐ trong thời gian tới. Trong khi đó, thế giới có ngành giao thông xanh, giao thông điện tăng trưởng rất tốt. Điều này đã tạo cơ hội tốt cho Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải carbon. Báo cáo cũng thể hiện, với niềm tin của NTD đối với PTGTĐ, cũng như các chính sách của Nhà nước về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí như Quyết định số 876/QĐ-TTg mới được Chính phủ ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển PTGTĐ một cách toàn diện từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, cung ứng, đến đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó thì để phát triển PTGTĐ cũng gặp không ít rào cản. Rào cản lớn nhất đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho PTGTĐ (trạm sạc, trạm đổi pin, bảo dưỡng,…) và hạ tầng giao thông còn hạn chế, nên chưa tạo được sự thuận lợi và động lực để NTD sử dụng PTGTĐ.
Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước còn mang tầm vĩ mô, chưa có nhiều chính sách vi mô như: trợ giá trực tiếp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, phí mua sắm phương tiện và vận hành,… có tác động trực tiếp để kích cầu NTD gia tăng lựa chọn sử dụng PTGTĐ thay thế động cơ đốt trong. Những rào cản này chỉ có thể được tháo gỡ khi Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, cũng như ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Cũng theo ông Đào Xuân Lai, năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên của UNDP tại Việt Nam. UNDP nhận thấy việc phát triển giao thông là vấn đề quan trọng trong việc sử dụng năng lượng, bởi hiện nay giao thông chiếm đến 1/4 lượng phát thải tại Việt Nam.