Xoay quanh thời gian tái khởi động V.League:

VPF chơi “bàn tay sắt” với Quảng Nam, SHB Đà Nẵng

07:32 01/09/2020
Để có thể đưa V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung hoàn thành tiến độ của mùa 2020, VPF cương quyết với phương án mà họ chọn lựa. Đơn vị tổ chức giải cũng sẵn sàng chơi rắn với những CLB đi ngược lại quan điểm như Quảng Nam hay SHB Đà Nẵng.


Quyết đoán của VPF

Sự trở lại của dịch COVID-19 mà tâm điểm ở Quảng Nam từ cuối tháng 7 khiến cho V.League, Cúp Quốc gia, hạng Nhất Quốc gia phải đồng loạt tạm hoãn. Suốt 1 tháng vừa rồi, không ít ý kiến cho rằng các giải chuyên nghiệp của Việt Nam sẽ không thể về đích đúng lộ trình như kỳ vọng.

Tuy nhiên, việc AFF Cup 2020 lẫn 3 trận đấu còn lại của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 được chuyển hẳn sang 2021 đã giúp cho 3 mặt trận kể trên có một khoảng thở lên tới 3-4 tháng, đủ để VPF có thể định hình một phương án với thời gian phù hợp, trước tiên là giúp cho các CLB không bị áp lực về mật độ trận đấu và sau đó cũng đảm bảo về một giai đoạn khoảng 60-70 ngày để các CLB tham gia chuyển nhượng, sẵn sàng cho V.League 2021 diễn ra dự kiến vào ngày 30-1 năm sau. 

Phương án mà VPF đưa ra cụ thể là Cúp Quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 20/9 với 3 vòng tứ kết, bán kết, chung kết. V.League trở lại với vòng 12 từ ngày 26/9 và kết thúc muộn nhất vào ngày 15/11. Giải hạng Nhất Quốc gia cũng sẽ trở lại từ ngày 26/9 đến khi hạ màn vào 15/11.

Bên cạnh đó, VPF đặc biệt quan tâm đến khả năng tổ chức trận đấu của các CLB. VPF yêu cầu các đội bóng từ hạng Nhất đến V.League phải xin phép cơ quan chức năng tổ chức trận đấu và có báo cáo trước ngày 15/9. Với riêng hai đội Quảng Nam FC và SHB Đà Nẵng, do nằm trong vùng còn chịu ảnh hưởng phức tạp của dịch COVID-19  nên VPF lùi ngày báo cáo đối với 2 CLB này sang 21/9.

V.League đã sẵn sàng cho phương án trở lại.

Không chỉ vậy, VPF cũng gửi thông điệp cứng rắn đối với các đội bóng nhằm đảm bảo phương án đưa V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở lại được thực thi. Một lãnh đạo của VPF khẳng định trên báo giới rằng: “Không chỉ riêng SHB Đà Nẵng hay Quảng Nam FC mà bất kỳ đội nào có hồi đáp về việc ban tổ chức trận đấu của đội đó không đảm bảo các yêu cầu về công tác tổ chức hay không được sự đồng ý của chính quyền thì VPF sẽ quyết định một sân thi đấu khác phù hợp hơn. Chúng tôi cũng đã tính đến việc có thể lùi lịch thi đấu thêm một lần nữa, miễn sao cố gắng mùa giải khép lại trong tháng 11”.

Làm thế nào để SHB Đà Nẵng, Quảng Nam thôi “nhõng nhẽo”?

Rõ ràng, thông điệp mà VPF đưa ra ám chỉ vào 2 đội bóng đang có sự cản trở nhất định đối với phương án đưa V.League 2020 trở lại. Đó là SHB Đà Nẵng và Quảng Nam FC. Có nghĩa, VPF sẽ bằng mọi giá đưa V.League về đích ngay trong tháng 11, nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà tài trợ cũng như uy tín tổ chức giải của mình.

Nhưng để làm được điều đó, VPF sẽ phải cương quyết hơn nữa trước sự nhõng nhẽo từ phía SHB Đà Nẵng và Quảng Nam FC - hai đội bóng nhất quyết dừng giải đấu hoặc không có đội xuống hạng mùa này. SHB Đà Nẵng và Quảng Nam có lý do để làm như vậy. Bởi cả hai đội bóng vẫn nằm trong diện nguy hiểm có thể xuống hạng bất cứ lúc nào.

Chủ tịch Bùi Xuân Hoà của SHB Đà Nẵng liên tiếp thể hiện quan điểm muốn dừng giải trước giới truyền thông. Ông nói: “Nếu thời gian tới tình hình vẫn phức tạp, bóng đá không thể được tổ chức ở Đà Nẵng thì có lùi lịch cũng khó giải quyết được việc gì. Thật sự là ngay lúc này SHB Đà Nẵng cũng chưa thể nghĩ được sẽ đá ở sân Hòa Xuân hay chuyển đi đâu. Đội chúng tôi ở vùng được xem là phức tạp nhất về dịch bệnh. Giờ đi địa phương nào được, bản thân chúng tôi cũng khó nghĩ lắm chứ. Có lẽ chúng tôi cũng phải tính đến chuyện báo cáo với lãnh đạo quan điểm của mình là nên chăng dừng giải sớm”.

Không gay gắt như SHB Đà Nẵng nhưng Chủ tịch Nguyễn Húp của Quảng Nam cũng khéo léo.. gợi ý cho VPF về việc không nên có đội xuống hạng mùa này. Đáng nói hơn, với chỉ 8 điểm sau 11 vòng đấu, Quảng Nam đang là ứng viên số 1 cho việc phải xuống hạng mùa này.

Ông nói: “Tôi cũng có trao đổi với Chủ tịch SHB Đà Nẵng thì được biết đội này cũng không muốn đá ở sân khác. Quảng Nam đang xếp cuối bảng V-League với chỉ 8 điểm. Đội đương nhiên muốn nỗ lực để trụ hạng V.League. Và để có thể làm như vậy, Quảng Nam hy vọng có thể giành điểm khi được đá trên sân nhà.

Còn trường hợp đưa Quảng Nam hay SHB Đà Nẵng thi đấu trên sân trung lập, tôi cũng đề đạt là đội cần phải có sự đồng ý của UBND tỉnh và nhà tài trợ. Và việc lên xuống hạng của giải đấu khi ấy sẽ như thế nào? Nếu không có đội xuống hạng mà chỉ là để hoàn thành giải đấu này, đội Quảng Nam hoàn toàn vô tư. Nhưng nếu vẫn có suất xuống hạng mà Quảng Nam đang gặp bất lợi về thứ hạng thì thật khó để chúng tôi đồng ý”.

Rõ ràng, SHB Đà Nẵng và Quảng Nam đang mặc cả với VPF. Nhưng thực tế, lợi thế sân nhà của họ cũng không thật sự rõ ràng khi mà V.League trở lại trong tình trạng không khán giả. Khi ấy, ranh giới giữa sân nhà và sân khách vốn được quyết định lớn bởi khán giả sẽ bị xoá nhoà. Giống như việc các giải đấu lớn trên thế giới như Bundesliga, Ngoại hạng Anh hay Champions League đã diễn ra.

Rõ ràng, nhìn lại suốt 5 tháng đã qua, với việc V.League tạm dừng đến 2 lần vì dịch COVID-19 thì SHB Đà Nẵng lẫn Quảng Nam luôn tìm mọi lý do để có thể huỷ hoặc không có đội xuống hạng V.League. Nhưng cần nhớ rằng, V.League là cuộc chơi của 14 CLB, chứ không phải nơi chiều chuộng những dỗi hờn của 2 đội bóng xứ Quảng Đà. Giải VĐQG Việt Nam trong lịch sử, không tính riêng gì V.League từng chứng kiến sự cương quyết với việc cho 4 CLB cùng xuống hạng do có thái độ bất hợp tác. Và chẳng ai dám chắc, SHB Đà Nẵng và Quảng Nam không rơi vào tình cảnh tương tự nếu cứ dỗi hờn với VPF như vậy.

4 đội bóng từng xuống hạng đồng loạt vì thích “thái  độ”

Năm 1995, khi giải VĐQG Việt Nam chưa có tên gọi là V.League, một cú sốc chưa từng có đã xảy ra. Cụ thể, Quảng Nam - Đà Nẵng, Sông Bé, Long An, Bình Định cùng Quân đội đã phản đối việc đá “chung kết ngược” tranh suất trụ hạng khi tân binh Thừa Thiên - Huế đã bội hứa với họ. Cụ thể, thay vì thua 2 trận cuối cùng trước Lâm Đồng và Long An, Thừa Thiên - Huế lại thắng cả hai dẫn đến việc 5 đội bóng kể trên bị đẩy vào tình thế phải loại lẫn nhau để tranh suất trụ hạng. Nhưng sau cùng, trước sự can thiệp từ phía lãnh đạo, cụ thể là ở đây là Bộ Tổng tham mưu, Quân đội đã phải tham gia đá chung kết ngược.

4 đội còn lại không tham gia tưởng chừng chơi “cứng” sẽ thành công bất ngờ bị BTC và VFF kỷ luật xuống hạng theo đúng điều lệ giải. Vậy là điều chưa từng có trong tiền lệ đã xảy ra. 4 đội bóng tại giải đấu hàng đầu Việt Nam đồng loạt xuống hạng, thay vì chỉ có 2 suất như điều lệ trước đó. Chơi dao lắm có ngày đứt tay. Nhìn bài học của “vết xe đổ” từ chính đội Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Húp và Bùi Xuân Hoà cũng nên coi chừng!
Anh Vũ

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文