Tác nghiệp World Cup 2018 ở Nga, chuyện bây giờ mới kể

20:14 17/08/2018
Được tác nghiệp tại một kỳ World Cup đã là một điều tuyệt vời, nhưng tác nghiệp ở giải đấu lớn nhất hành tinh trên nước Nga vạn dặm còn tuyệt vời hơn. Hơn 1 tháng ở xứ sở Bạch Dương đã cho tôi nhiều trải nghiệm vượt xa tưởng tượng từ trước đó.


An ninh hơn cả tưởng tượng

Sau chuyến bay kéo dài 10 tiếng đồng hồ từ Hà Nội sang Moskva, điều lo ngại lớn nhất với một phóng viên như tôi – người lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga là những lo ngại về an ninh. 

Rất nhiều thông tin về “nạn đầu trọc” hay định kiến của người Nga về người “đầu đen” cũng như những luồng tin trái chiều từ truyền thông phương Tây mang lại những hoài nghi nhất định. Nhưng chỉ sau hai ngày sống trên đất Nga, tôi cảm nhận được những điều hoàn toàn ngược lại. Tất cả an toàn, yên bình và cực kì sống động.

Người Nga rất thân thiện, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ điều gì trong khả năng có thể mà du khách nước ngoài cần. Rào cản duy nhất là ngôn ngữ khi họ không sử dụng được thành thạo tiếng Anh. 

Nhưng với sự trợ giúp của lực lượng tình nguyện viên hùng hậu (hơn 1.000 tình nguyện viên được huy động cho World Cup 2018), mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Điều đáng ghi nhận là tình hình an ninh trật tự tại Nga cực tốt. Theo điều luật mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành, người dân Nga hạn chế tối đa việc cạo trọc đầu. 

Bởi vậy, hình ảnh “đầu trọc” không còn tồn tại trên các tuyến phố nước Nga. Nếu có một ai đó “ít tóc”, đó chẳng qua là vì anh ta bị... hói. Tình trạng bất ổn, bạo lực hay say xỉn dẫn tới ẩu đả hoàn toàn không xuất hiện. Cảnh sát, quân đội được bố trí ở mọi tuyến phố, họ sẵn sàng đối phó với mọi biến cố dù là nhỏ nhất.

“An ninh ở Nga quá tốt, nó khác hẳn so với báo chí nước tôi đưa tin. Rất an toàn và yên bình”, anh James Pitel, một CĐV người Mỹ nói với tôi.

Theo James, trước khi đến Nga, anh được cảnh báo rất nhiều về tình trạng bất ổn tại Nga. Thực tế cũng chỉ ra, có nhiều thời điểm, truyền thông phương Tây đã cố tình bóp méo sự thật, chỉ coi Nga như một ốc đảo, quá xa lạ với tất cả mọi người.

Nhưng Tổng thống Putin, với kế hoạch giới thiệu một nước Nga hoàn toàn khác trong mắt người phương Tây, đã làm thay đổi những định kiến về đất nước của mình. World Cup 2018 không chỉ thành công về mặt chuyên môn mà nó còn chiến thắng về chính trị khi nước Nga đã để lại một hình ảnh hoàn toàn khác trong mắt người hâm mộ thế giới.

Đi săn hụt Messi

Vốn là một người thần tượng Messi nên trong quá trình tác nghiệp tại  mùa World Cup này, tham vọng của tôi là phải gặp được ngôi sao của Barcelona bằng xương bằng thịt. 

Theo lịch, đội tuyển Argentina tập vào lúc 13h00, giờ địa phương (tức 17h giờ Việt Nam). 2h đồng hồ trước đó, chúng tôi nhận được tin nhắn từ ban tổ chức thông qua điện thoại (vốn được đăng ký từ khi nhận thẻ báo chí từ đầu giải), có thể sẽ là buổi tập mở. 

Tôi và nhà báo Dương Trí (Trưởng đại diện cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Nga) quyết định lên đường tới Bronnitsy, vùng ngoại ô cách trung tâm Moskva chừng 50km.

Sau hơn 40 phút di chuyển bằng ôtô, chúng tôi cũng đã tới vùng ngoại ô Bronnisky và tìm được đường vào tổ hợp thể thao này. Khác với những gì hình dung, sân tập Bronnitsy nằm bên trong một khu rừng, với những bức tường dựng lên bằng tôn xanh cao khoảng 2m. 

Tất cả đều im ắng, ngoại trừ tiếng hô, hét và tiếng bóng vang ra từ bên trong sân. Với những bức tường rào kín bưng, chúng tôi không thể quan sát dù ngay bên trong những bức vách bằng tôn kia, Messi và các đồng đội của anh đang chơi bóng.

“Đội tuyển Argentina vừa đến. Nhưng họ không cho vào đâu”, một CĐV là người Nga đứng gần sân tập Bronnisky nói với chúng tôi. "Họ là ai?". Đó chính là lực lượng cảnh sát dựng chốt từ cách sân tập phải đến 100m. Cứ cách khoảng 20m lại có một cảnh sát đứng chốt. Xe chúng tôi từ từ tiến vào gần cổng sân. 

Ngay lập tức, một cảnh sát yêu cầu dừng xe và ra hỏi. Sau khi được trình bày là "chúng tôi là phóng viên và muốn được ghi hình đội tuyển Argentina tập" thì nhận được câu trả lời từ phía viên cảnh sát đầy nghiêm nghị: "Không. Hết giờ tập mở rồi. Chỉ có 15 phút thôi. Các anh đến muộn rồi".

Hóa ra là vậy. Vậy là tuyển Argentina đã tập sớm hơn so với giờ mà ban tổ chức thông báo là 30 phút (vì nếu theo lịch, chúng tôi vẫn sớm 15 phút). Không còn cơ hội để xem Messi và các đồng đội tập, chúng tôi đành xin phép viên cảnh sát được đỗ xe lại và chờ đến khi buổi tập kết thúc. 

"Không được đâu, các anh phải đỗ xe ra tận ngoài cổng kia. Để đảm bảo an toàn cho các cầu thủ, chúng tôi không được phép cho bất cứ ai vào khu vực sân cả".

Vậy là chúng tôi phải vòng ra cổng ngoài và đứng chờ. Cũng như chúng tôi, rất nhiều phóng viên khác và người hâm mộ cũng rơi vào cảnh tương tự. "Phải chờ thôi", anh bạn phóng viên người Nga nhíu mày nói với chúng tôi.

Một tiếng đồng hồ trôi qua, tất cả vẫn chờ. Nhưng chúng tôi thấy lạ khi lực lượng cảnh sát bắt đầu rời đi. Có điều gì khác lạ ở đây và khi hỏi một viên cảnh sát, chúng tôi nhận được câu trả lời tỉnh bơ. "Họ tập xong và về rồi. Các anh cũng nên về thôi".

Cả nhóm ngớ người. Sau khi tìm hiểu chúng tôi mới vỡ ra là tổ hợp thể thao Bronnitsy còn có cổng khác. Để tránh bị làm phiền ngay trước thềm trận đấu với Iceland, đội Argentina đã di chuyển bằng cổng sau để về khách sạn ngay gần đó. 

Kế hoạch “tẩu thoát” quá hoàn hảo mà không chỉ chúng tôi, mà các đoàn phóng viên các nước khác cũng không nghĩ đến.

Sống trong cảm xúc của bóng đá

Người Nga vốn không coi bóng đá là môn thể thao số một. Bởi vậy, trước khi World Cup 2018 diễn ra, họ tỏ ra khá thờ ơ dù giải đấu được tổ chức ngay trên quê hương mình. 

điều đó đã thay đổi hoàn toàn khi không khí bóng đá len lỏi vào từng tuyến phố xứ Bạch Dương, nhất là khi tuyển Nga ra quân với hai chiến thắng vang dội đầu tay.

Những tiếng hô vang “Russia, Russia, Russia” xuất hiện ở sân bóng, nhà hàng hay các tuyến phố, tạo nên một bầu không khí huyên náo, khác hẳn với vẻ yên bình, tĩnh lặng thường ngày của các thành phố nước Nga.

“Tôi như phát điên lên mất, đội tuyển Nga không được đánh giá cao. Chúng tôi đã vào tới tứ kết, đá những trận đấu thật hay và cống hiến. Đó là một điều tuyệt vời”, anh Sergy Rovstov chia sẻ. 

Trong khi đó, cô sinh viên trẻ Yiuna nói: "Thông qua World Cup, người Nga muốn chứng minh rằng mọi thứ rất khác trong mắt bạn bè thế giới. Chúng tôi yêu bóng đá, yêu hòa bình. Chúng tôi coi World Cup là cơ hội để cho thấy sự thân thiện của đất nước mình". 

Một CĐV Mexico, bà Milanoe, thậm chí còn khóc nức nở khi đội nhà chiến thắng đương kim vô địch Đức ở vòng đấu bảng: “Tôi ước chồng tôi còn sống và chứng kiến khoảnh khắc này. Ông ấy mê bóng đá lắm và giải đấu nào có Mexico tham dự cũng đưa tôi đi xem”.

Bà Milanoe cho biết khi chồng còn sống, hai vợ chồng đã cùng nhau tới Nhật, tới Đức, Nam Phi và Brazil để cùng xem những kỳ World Cup trước đó. Bây giờ, khi chồng đã qua đời, bà vẫn tự mình tới nước Nga vì coi đó là một thói quen không thể bỏ được. 

Khoảnh khắc được cho là ấn tượng nhất với tôi là khi quay những thước phim CĐV Argentina chìm trong nỗi buồn khi đội nhà thất bại. Nhiều người trong số họ đã khóc, kêu gào trong đau đớn và tuyệt vọng. 

Sự tuyệt vọng ấy thể hiện khi một thanh niên với nước mắt giàn giụa đã nhảy ra đập vào máy quay của tôi và hét lên: “Anh quay cái gì, chúng tôi đã thua và đang đau khổ. Như vậy còn chưa đủ sao?”. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chỉ biết nói “sorry” rồi tắt máy.

Đó là một trong rất nhiều những cung bậc cảm xúc của các CĐV mà tôi được trải nghiệm trong kỳ World Cup này. Chính họ, chứ không phải 32 đội tuyển dự giải, mới là những người mang đến bức tranh cảm xúc toàn mĩ của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. 

31 ngày ở nước Nga là 31 ngày lễ hội. Ở đó, người ta không chỉ nói riêng về bóng đá, mà còn về tình yêu, về sự gắn kết, giao lưu và sự chia sẻ của bạn bè trên thế giới. Đó mới là giá trị đích thực của World Cup.

Trần Giáp

Ngày 13/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đã lập biên bản xử phạt tài xế điều khiển ô tô Land Cruiser có hành vi dán băng dính che biển số đi trên cao tốc.

Các tỉnh thành tại miền Bắc nền nhiệt ban ngày được dự báo ở ngưỡng 29 - 32 độ C, trời nắng hanh khô tuy nhiên về đêm và sáng sớm lạnh trở lại. Bão số 8 trên biển Đông có xu hướng yếu đi.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng với Chính phủ, cùng các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị, quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sáng 12/11, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nghiệp vụ công tác Đảng trong CAND. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu khai mạc.

Sau gần 2 tháng thực hiện tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại, Cơ quan CSĐT 2 cấp Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khởi tố 6 vụ án/31 bị can để điều tra về các tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”, thu giữ hơn 9,7 tấn Xyanua, 315 kg axit Sulfuric, 105 kg axit Clohidric cùng nhiều tang vật có liên quan; khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ Xyanua tại nhiều tỉnh, thành, thu hồi 313,5 kg Xyanua được mua bán trái phép…

Ngày 12/11, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Thanh Việt (SN 1953, trú tại: ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nơi thường trú trước khi phạm tội: thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Đây vụ án gây xôn xao dư luận trên 40 năm qua, đối tượng đã cùng đồng bọn gây ra vụ án mạng khiến 6 người tử vong và trốn lệnh truy nã suốt 43 năm.

Chiều 12/11, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, đã làm việc với ông Trần Hữu Tân (SN 1991) và tiến hành đình chỉ hoạt động của bến thủy không phép cạnh cầu Cửa khẩu Giang Thành (tại ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).

Xuất phát từ chuyện mâu thuẫn cá nhân, sau giờ chào cờ đầu tuần, 2 nam  sinh cùng 2 nữ học sinh xông vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, hai nam  sinh đã dùng vật sắc nhọn (nghi là dao) đâm 2 nữ sinh trọng thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文