Bóng đá Việt Nam 2020 vượt qua đại dịch COVID-19
- Cổ vũ bóng đá Việt Nam
- Ai giỏi kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam?
- Hoãn AFF Cup 2020: Lợi – hại nào cho bóng đá Việt Nam?
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả nền bóng đá đã bị ảnh hưởng với nhiều biến động. Thế nhưng, từ đó chúng ta cũng nhìn ra được nhiều vấn đề tồn tại đang là thực trạng của bóng đá Việt Nam. Việc các giải đấu quốc tế bị huỷ bỏ hoặc dời lịch sang năm 2021 khiến chúng ta chủ yếu tập trung vào sân chơi trong nước với những giải quốc gia.
Để tổ chức được các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2020 (bao gồm: hạng Nhất, Cúp Quốc gia và V.League), giải ngoài chuyên nghiệp và giải trẻ VFF và VPF cũng đã phải tính toán nhiều phương án. Từ chỗ tạm hoãn, dời lịch tổ chức đến đá trên sân không khán giả cũng như việc căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức ở địa phương đã giúp những nhà quản lý tìm ra được con đường về đích an toàn.
V.League 2020 đã về đích an toàn. Ảnh: VPF. |
Một thể thức mới được xây dựng với việc chia nhóm A (tranh vô địch), B (tranh trụ hạng) đã khiến cho mùa giải hấp dẫn hơn rất nhiều. Cũng vì thế mà V.League đã tìm ra được một nhà vô địch mới mà chính họ thừa nhận phần nào may mắn nhờ thể thức mới. Quan trọng hơn và việc VPF vẫn đàm phán để các đối tác tài trợ đảm bảo không cắt kinh phí khi số trận thi đấu đã ít đi.
Sau tất cả, bài học được chỉ ra là cần xây dựng nhiều phương án sớm khi đứng trước một vấn đề khó khăn thay vì ngồi một chỗ chờ hết dịch như nhiều quan điểm đưa ra trước đó. Nhìn sang giải Ngoại hạng Anh và các giải đấu quốc tế khác có thể thấy họ chấp nhận sống chung với dịch. Tất nhiên, không phải chúng ta áp dụng trọn vẹn mô hình, thế nhưng việc xây dựng phương án và tổ chức căn cứ vào tình hình thực tế xã hội được xem là giải pháp tối ưu.
Cũng từ khó khăn của dịch bệnh mà chúng ta thấy rằng, nhiều đội bóng đá rơi vào cảnh khó khăn về tài chính. Thực trạng chung cho thấy, mô hình các đội bóng chuyên nghiệp vẫn “ăn bám” ngân sách của địa phương tồn tại nhiều. Ngay cả một “đại gia” như Than Quảng Ninh cũng “sống dở chết dở” vì dựa vào ngân sách tỉnh.
Hay như CLB Hải Phòng, đội được địa phương hỗ trợ tiền nhiều nhất V.League với 40 tỉ đồng (mùa giải 2021 là 50 tỉ đồng)/năm vẫn lẹt đẹt trụ hạng và luôn kêu khó khăn. Hay có những đội bóng như Nam Định, Thanh Hoá, Sông Lam Nghệ An, Quảng Nam còn thiếu chuyên nghiệp đến mức cùng làm công văn theo mẫu đòi huỷ giải đấu chỉ vì không đủ kinh tế duy trì đội bóng.
Đó là những lỗ hổng về mô hình bóng đá chưa căn cơ, bài bản. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã chia sẻ rằng: “Tính bao cấp ở Việt Nam khá nhiều trong khi tính thị trường còn thấp. Vì vậy các CLB rất khó bán “tài sản” của mình để có nguồn thu. Tôi lấy thí dụ, việc bán trang phục của CLB ở nước ngoài là một nguồn thu khá tốt, nhưng ở Việt Nam gần như không đáng kể. Khi vào sân, chúng ta lại thấy cổ động viên mặc áo không phải do chính câu lạc bộ bán ra. Hay việc bán vé cũng vậy, trước đây một số sân mở cửa cho khán giả vào tự do hoặc giá vé quá thấp. Điều đó làm thấp giá trị của đội bóng và phần nào ảnh hưởng của tính bao cấp.
Liên quan đến tài trợ cho câu lạc bộ, nhiều câu lạc bộ không bán được tài trợ theo đúng nghĩa của thị trường. Một số đội bóng nhận được tài trợ một phần dựa vào nghĩa vụ với địa phương. Điều này khác với những nhà tài trợ cho đội tuyển quốc gia.
Ngoài ra chúng ta thấy có những câu lạc bộ có hình ảnh tốt về mặt khán giả nhưng vẫn không thu hút được nhà tài trợ còn do việc marketing cho thị trường bóng đá còn hạn chế rất nhiều, việc tài trợ cho bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung ở Việt Nam chưa phổ biến như ở nhiều nước khác”.
Những giải đấu trong nước thành công không chỉ mang ý nghĩa về mặt thể thao mà còn có sức ảnh hưởng đến xã hội. “Cộng đồng an toàn, bóng đá trở lại”, đấy chính là thông điệp mà VPF đưa ra khi bóng đá trở lại lần đầu tiên sau COVID-19 tại sân chơi Cúp Quốc gia. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt năm 2020 và có thể sẽ là năm 2021.
Năm 2020, các đội tuyển quốc gia không thi đấu các giải quốc tế. Huấn luyện viên Park Hang-seo kết thúc năm 2020 với hai trận giao hữu của Đội tuyển Việt Nam và U22 tại Quảng Ninh và Phú Thọ. Đó là hai trận đấu không có nhiều ý nghĩa về mặt kết quả nhưng mang đến một cách nhìn tổng quan cho ban huấn luyện để chuẩn bị cho năm 2021 bận rộn. Việc ông Park có cách đánh giá về từng đầu thủ, từng vị trí là cơ sở để đội tuyển Việt Nam hướng đến một lối chơi mới, mục tiêu mới.
Đó cũng là hoạt động cần có của đội tuyển Việt Nam và U22 trong một năm bóng đá đóng băng. Và đây cũng được xem là cách để ông Park vượt qua đại dịch cùng các đội tuyển quốc gia. Trong lời nhắn nhủ với truyền thông trước khi về nước đón năm mới, huấn luyện viên Park Hang-seo đã gửi lời cảm ơn đến báo chí và khán giả đã luôn ủng hộ đội tuyển trong năm 2020. Đó là một năm không có giải đấu nhưng đội tuyển vẫn nhận được nhiều sự quan tâm. Đó chính là động lực để ông và các học trò chuẩn bị cho các kế hoạch lớn năm 2021.
Bóng đá Việt Nam đã khép lại năm 2020 một cách thành công trong bối cảnh “vừa thi đấu vừa chống địch”. Đó sẽ là cơ sở để chúng ta chủ động ứng phó với nhiều tình huống năm 2021.
Như Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Chúng ta có lợi thế từ những bài học kinh nghiệm của năm 2020, khi nhờ có sự chủ động trong các giải pháp của cơ quan quản lý, điều hành bóng đá, sự chung tay, đồng thuận từ phía các câu lạc bộ và thuận lợi đến từ công tác phòng chống dịch rất thành công của nhà nước, chúng ta đã lần lượt tổ chức một cách trọn vẹn tất cả các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, điều này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chuyên môn. Tôi cho rằng, sự chủ động trong các giải pháp sẽ tiếp tục là chìa khóa để mở ra thành công cho bóng đá Việt Nam trong năm hoạt động 2021 sắp tới”.
VFF hoàn thành kế hoạch năm 2020 Trong nội dung báo cáo tổng kết năm 2020 của VFF có nêu, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch nhưng cho đến thời điểm này có thể khẳng định các giải đấu trong nước đã được tổ chức thành công trong hoàn cảnh rất đặc biệt của năm 2020. Cụ thể: Trong năm 2020, mặc dù các hoạt động thi đấu quốc tế bị trì hoãn nhưng các đội tuyển vẫn được tạo điều kiện tập trung tập luyện để chuẩn bị cho năm 2021. Cho đến nay, đội tuyển U22 quốc gia đã có tổng cộng 4 đợt tập trung, đội tuyển U19 quốc gia có 3 đợt tập trung, đội tuyển futsal quốc gia có 2 đợt tập trung, trong đó có 1 chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha. Đội tuyển bóng đá nam quốc gia cũng đã có 1 đợt tập trung rất hiệu quả sau khi kết thúc V.League và thi đấu giao hữu 2 trận với đội tuyển U22 quốc gia tại Quảng Ninh và Phú Thọ, vừa phục vụ công tác chuyên môn, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức bóng đá và cổ vũ cho đội tuyển của khán giả hâm mộ cả nước. Các đội tuyển khác như Đội tuyển U17 nữ quốc gia và U15 nữ quốc gia, đội dự tuyển U13, U15 nữ quốc gia tiếp tục tập trung dài hạn tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam. Vào ngày 3/1 sắp tới, đội tuyển nữ quốc gia cũng tập trung để chuẩn bị cho các mục tiêu của năm 2021. Đặc biệt, năm 2020 cũng là năm đầu tiên VFF tổ chức giải U15 và U17 Cúp quốc gia, qua đó tạo thêm sân chơi cho các cầu thủ trẻ thi đấu, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. H.H |