Bóng rổ nữ Hà Nội: Làm từ gốc để lấy lại vị thế
Động lực từ quá khứ
Mỗi lúc hàn huyên về một thời đã xa, cách đây trên 20 năm, của bóng rổ nữ Hà Nội, những người gắn bó với bóng rổ Thủ đô thường nhớ về những lần lên ngôi dễ như trở bàn tay. Lúc ấy, bóng rổ nữ Hà Nội không có đối thủ và tưởng như sẽ duy trì vị thế trong thời gian dài. Rồi họ cũng lại nhắc về khoảng thời gian bị đánh giá là “nốt trầm” của bóng rổ nữ Thủ đô.
Khoảng thời gian ấy cũng không xa, bắt đầu từ những năm 2000. Khi ấy, đội nữ và nam Hà Nội không còn được đầu tư, chỉ tập trung trong thời gian ngắn trước khi dự giải quốc gia. Đương nhiên, đầu tư hạn chế thì kết quả cũng tương xứng. Bóng rổ Thủ đô thường lép vế ở mọi sân chơi của hệ thống thi đấu quốc gia dù có nền tảng là phong trào phát triển mạnh mẽ, thuộc diện hàng đầu cả nước. Ngay năm 2014, khi được đăng cai môn bóng rổ trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc, các đội bóng rổ Thủ đô cũng thua “tan tác”.
Chỉ đến năm 2015, các nhà quản lý thể thao Hà Nội mới có những động thái gây dựng lại các đội bóng rổ Thủ đô để “mở mày, mở mặt” hơn ở sân chơi quốc gia. Tất cả đều biết rằng sẽ phải đi qua con đường dài, đầy gập ghềnh để thực hiện được điều đó. Cho nên, bên cạnh đội nữ thi đấu ở giải vô địch quốc gia được tập hợp từ nhiều cựu cầu thủ để có thành tích trước mắt thì những người có trách nhiệm của bóng rổ Hà Nội cũng âm thầm lên kế hoạch gây dựng lực lượng, bắt đầu từ những cầu thủ trẻ. Sau một thời gian dài tuyển chọn, tuyến trẻ của bóng rổ nữ Hà Nội bắt đầu được vận hành vào năm 2017.
Khi ấy, do cơ sở vật chất tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội còn hạn chế, nên đội phải tập huấn ở Nhà thi đấu Sóc Sơn. Dạo đó, những người thường có mặt tại Nhà thi đấu Sóc Sơn đã quá quen thuộc với những nữ cầu thủ trẻ sinh hoạt ở những căn phòng ở gầm Nhà thi đấu. Điều kiện tại các phòng ở cũng chỉ ở mức tàm tạm nhưng các cầu thủ trẻ không kêu ca. Trong khi ấy, những huấn luyện viên của đội cũng phải chấp nhận xa nhà để quản lý và huấn luyện các cầu thủ trẻ đang trong độ tuổi cần sự tư vấn kịp thời về tâm lý.
Đội nữ U17 Hà Nội vô địch giải U17 nữ quốc gia - 2019. |
Đường đến đỉnh cao còn xa
Ngay thời điểm ấy, ông Đào Văn Kiên – Phó Chủ nhiệm phụ trách bộ môn bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) kể rằng: “Đây sẽ là tương lai của bóng rổ nữ Hà Nội khi các em có tố chất và khát khao. Thể hình các em đều trên 1m70, thuộc diện lý tưởng trong làng bóng rổ nữ Việt Nam. Ngoài ra, việc được tạo điều kiện tập huấn quanh năm sẽ giúp các em tiến bộ nhanh hơn để dần đáp ứng nhiệm vụ”.
Cũng phải hơn 1 năm sau đó, lứa cầu thủ này được về sinh hoạt và tập luyện tại Nhà thi đấu Hoài Đức. Nhờ vậy, việc kiểm tra và đôn đốc, huấn luyện cũng gặp nhiều thuận lợi. Nhưng quan trọng hơn cả là lứa vận động viên này được huấn luyện bởi những người thầy đam mê với nghề, luôn có khát vọng đưa bóng rổ nữ Hà Nội tìm lại những ngày tháng vinh quang trước đây như Nguyễn Văn Toản, Trương Hoàng Trung, Nguyễn Ngọc Hà… Trong số này, cầu thủ kỳ cựu Nguyễn Ngọc Hà kiêm vai trò huấn luyện viên ở đội nữ trẻ Hà Nội luôn được xem là tấm gương với các cầu thủ trẻ về lòng yêu nghề, sự cầu thị.
Cho nên, việc đội nữ U17 Hà Nội lên ngôi vô địch ở giải trẻ quốc gia – 2019 cách đây ít hôm ở Bình Thuận cũng không phải là bất ngờ. Toàn thắng trước các đối thủ tại giải là thành tích tương xứng với sự đầu tư của ngành thể thao Hà Nội cho hệ thống đào tạo bóng rổ trẻ. Điều này càng có ý nghĩa khi đó là chức vô địch ở môn tập thể, nơi thể thao Hà Nội chưa đặt nhiều dấu ấn trong hệ thống thi đấu quốc gia.
Ngày đội U17 nữ Hà Nội lên ngôi vô địch giải trẻ quốc gia – 2019, cũng là chức vô địch đầu tiên của bóng rổ nữ Hà Nội ở hệ thống thi đấu quốc gia trong nhiều năm qua, Trưởng đoàn kiêm huấn luyện viên trưởng Đào Văn Kiên vẫn trầm ngâm: “ Đúng là đội đã đạt thành công ban đầu. Nhưng cái đích chính của bóng rổ nữ Hà Nội vẫn là ngôi vô địch quốc gia. Con đường lên ngôi vô địch sẽ còn khó gấp vạn lần so với việc lên ngôi vô địch ở một giải trẻ”.
Vị Trưởng đoàn này có lý do để thận trọng bởi trong làng bóng rổ nữ Việt Nam hiện nay, bóng rổ thành phố Hồ Chí Minh vẫn là số 1 cả về lực lượng cũng như sự đầu tư. Đặc biệt, mới đây, bóng rổ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã nhận khoản tài trợ 10 tỷ đồng cho 5 năm, tính từ năm 2019, được xem là mức tài trợ trong mơ với các tỉnh thành đang phát triển bóng rổ khác, trong đó có Hà Nội.
Trong khi đó, bóng rổ nữ Hà Nội, trong đó có tuyển trẻ, vẫn chỉ nhận sự đầu tư từ ngân sách. Nếu muốn duy trì đà tiến bộ như hiện nay, đội càng cần phải được đầu tư mạnh hơn, từ việc tập huấn dài hạn ở nước ngoài đến thuê chuyên gia. Như nhận định của người trong nghề thì đó là một trong những con đường ngắn nhất để bóng rổ nữ Hà Nội có thể cạnh tranh ngôi vô địch, đặc biệt khi nhiều cầu thủ kỳ cựu của đội 1 bóng rổ Hà Nội đã nghỉ thi đấu.
Dù vậy, thành công ban đầu của bóng rổ nữ trẻ Hà Nội cũng đáng ghi nhận dù còn gặp không ít khó khăn. Thực tế, nếu có nhiều địa phương cùng chung tay đầu tư cho bóng rổ như cách làm của Hà Nội trong 2-3 năm qua thì bóng rổ nữ Việt Nam sẽ có nguồn tuyển chọn tốt hơn hiện nay rất nhiều. Cho nên, đấy không chỉ là câu chuyện ở một thành phố mà còn là câu chuyện chung của bóng rổ Việt Nan.
Đấu giải liên tục để nâng kinh nghiệm Theo ông Đào Văn Kiên, trước giải trẻ quốc gia - 2019, tuyển trẻ Hà Nội liên tục được cử tham dự các giải đấu trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, bộ môn bóng rổ Hà Nội còn tổ chức thêm một giải ngay tại Hà Nội giữa đội nữ U17 với các đội lớn tuổi hơn. Nhờ đó, các cầu thủ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để có thể thi đấu tốt và giành ngôi vô địch U17 quốc gia - 2019. Minh Khuê |