Có một Công Phượng được làm mới
Nhìn ở góc độ số liệu đơn thuần, ngoài 4 bàn thắng, Công Phượng cũng đã đóng góp 2 đường chuyền thành bàn cho đồng đội, và cũng 2 lần được bầu là cầu thủ hay nhất trận đấu. Nhưng vấn đề đáng nói có lẽ không nằm ở những chỉ số, mà nằm ở cái cách Công Phượng chơi bóng.
Suốt một thời gian dài, giới quan sát đặt ra câu hỏi: Phải làm gì để Công Phượng có thể chơi bóng đồng đội hơn? Thật ra khi còn khoác áo Đội tuyển U.19 Việt Nam, dưới sự điều khiển của thầy ruột Guillaume Graechen, Công Phượng luôn được cho phép đá cá nhân, để gây đột biến.
Ông Graechen hơn một lần nói đến việc Công Phượng và đồng đội của mình phải có những tình huống xử lý bóng "điên rồ", và đỉnh cao của sự "điên rồ" mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa là tình huống Công Phượng đi bóng qua 5 cầu thủ Australia đem lại chiến thắng 1-0 cho U.19 Việt Nam tại giải vô địch U.19 Đông Nam Á năm 2014 trên sân Mỹ Đình.
Công Phượng (trái) đã cho thấy khá nhiều thay đổi tích cực. |
Có lẽ vì sớm đạt được thành công từ những tình huống đi bóng "điên rồ" cá nhân đó, mà sau này Công Phượng thường xuyên giữ bóng, đi bóng, nhưng trong rất nhiều thời điểm nó lại biến dạng thành một thứ bóng đá rườm rà, quẩn quanh.
Một phần vì kiểu đi bóng của Công Phượng đã sớm bị bắt bài (ở đấu trường V.League, trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai), một phần vì cùng với thời gian, các đối thủ của Phượng cứng hơn và tinh quái hơn (ở đấu trường quốc tế, trong màu áo của Đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam), và một phần vì Công Phượng đã từng dính một chấn thương bả vai rất nặng trong trận U.23 Việt Nam - U.23 UAE tại vòng chung kết U.23 châu Á năm ngoái. Có lần Công Phượng chia sẻ: "Sau chấn thương đó, hiệu quả những pha đi bóng của tôi giảm hẳn".
Như vậy có nghĩa những thay đổi của bản thân của hoàn cảnh thi đấu bắt buộc Công Phượng phải làm mới mình. Thực tế thì cựu HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam trước đây là ông Nguyễn Hữu Thắng cũng liên tục yêu cầu Công Phượng phải "làm mới" bằng cách chơi bóng đồng đội hơn.
Trong những buổi tập của Đội tuyển dưới thời Hữu Thắng, người quan sát có thể nghe rõ những tiếng hét từ ngoài sân như: "Chuyền bóng đi, đá nhanh hơn đi, Phượng ơi".
Nhưng khi vào những trận đấu chính thức, Công Phượng vẫn có những tình huống giữ bóng rườm rà, những tình huống mà theo đánh giá của một chuyên gia bóng đá thì: "Lẽ ra nên chuyền bóng thì lại giữ bóng, lẽ ra nên phối hợp đồng đội thì lại đột phá cá nhân".
Thời điểm ấy, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội Phan Anh Tú đã có một nhận xét rất đắt: "Hãy nhìn ra thế giới, Messi là một thiên tài kĩ thuật, nhưng trước khi sử dụng kĩ thuật, Messi luôn cố gắng phối hợp đồng đội. Còn với Công Phượng, dường như em luôn nghĩ tới việc cầm bóng, rê bóng trước khi phối hợp đồng đội".
Bằng nhiều kênh khác nhau, Công Phượng đã lắng nghe tất cả những ý kiến nhận xét mang tính xây dựng này, và ở giải M-150 Cúp vừa qua, rõ ràng đã cho thấy những thay đổi lớn.
Tất nhiên, vẫn có những tình huống mà thi thoảng Công Phượng ham sút (những không hiệu quả) hoặc ham đi bóng (nhưng không tạo ra đột biến), nhưng về cơ bản là Phượng đã di chuyển nhiều hơn, phối hợp đồng đội nhanh hơn, đá gọn ghẽ hơn, và đặc biệt là có cả những tình huống tích cực lùi về tham gia phòng ngự. HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam Park Hang Seo luôn đề cao khả năng chơi bóng nhanh, tốc độ, và có lẽ những chỉ bảo của ông Seo cộng với ý thức thay đổi của bản thân thực sự đã giúp Công Phượng làm mới bản thân mình.
Hy vọng là sau M-150 Cúp, sẽ thấy một Nguyễn Công Phượng đơn giản hơn mà cũng hợp lý, sắc lẹm hơn!
Thi đấu tại giải nhà nghề Thái Lan - tại sao không? Báo giới và các nhà chuyên môn của bóng đá Thái Lan đã bám sát quá trình thi đấu của U.23 Việt Nam tại M-150 Cúp vừa qua, và chắc chắn không bỏ qua màn thể hiện khá nuột nà của Nguyễn Công Phượng. Thế nên đã có phóng viên hỏi Công Phượng: "Nghĩ gì nếu được mời thi đấu tại giải nhà nghề Thái Lan?". Câu trả lời của Phượng: "Tôi luôn thấy rất hứng thú khi nhìn vào các khán đài đầy ắp người ở Thai - League. Do vậy, nếu được thử thách ở đây, tôi rất sẵn lòng". Điều đáng nói là từ mùa giải 2018, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan cho phép các CLB nước này sử dụng thêm một cầu thủ Đông Nam Á ngoài 4 ngoại binh. Với chính sách này, chắc chắn các đội bóng Thái Lan sẽ để ý tới các cầu thủ tài năng ở Đông Nam Á và thực tế là tiền đại Aung Thu của Myanmar mới đây cũng đã ký hợp đồng với CLB Police Tero của Thái. Theo đánh giá của một số tờ báo Thái Lan thì những cầu thủ Việt Nam hiện nay như Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Công Phượng hay Lương Xuân Trường... được các CLB Thái đánh giá khá cao. (Ngọc Anh) |