Euro 2016: Đại tiệc đông vui hay mâm cơm thừa mứa?
“Một tháng ngập tràn không khí bóng đá sắp đến với chúng ta, và nếu nháy mắt một cái, có khi bạn sẽ bỏ lỡ một khoảng khắc đặc biệt” – nhà báo Paul Wilson mở đầu bài viết trên tờ The Guardian (Anh) một cách đầy hứng khởi như vậy. Nhưng đằng sau sự hứng khởi ban đầu ấy là một nỗi lo.
Xét về quy mô, Euro 2016 đã tiến gần tới mức độ của một World Cup. Michel Platini tự hào rằng đó là “món quà” của ông, với một tầm nhìn rằng kỳ Euro tiếp nữa sẽ được tổ chức đồng thời trên nhiều quốc gia một lúc. Một vòng chung kết Euro đông vui, với niềm vui chia đều cho nhiều quốc gia là mong muốn của Platini. Nhưng tới nay, dường như số đông đang không đồng tình với ý tưởng này. Các liên đoàn bóng đá Anh và Đức thậm chí đã công khai phản đối.
Iceland đã xuất sắc giành vé dự vòng chung kết, nhưng công bằng thì cơ hội của họ tại Euro 2016 là lớn hơn những năm trước đây. |
24 đội dự vòng chung kết, đồng nghĩa rằng gần một nửa các đội tuyển tại châu Âu (tổng cộng 54 liên đoàn thành viên) sẽ góp mặt tại Pháp mùa hè này. Có thể điều đó là tích cực. Các phóng viên từ Xứ Wales và Iceland ghi nhận niềm vui tột độ của công chúng khi đội tuyển của các nước này giành vé dự vòng chung kết Euro lần đầu tiên trong lịch sử. Rõ ràng với những quốc gia ở “cửa dưới” trong làng bóng đá châu Âu, sự mở rộng về quy mô của vòng chung kết đồng nghĩa rằng cơ hội cho họ là nhiều hơn. Nhưng nhiều đội tuyển tiểu nhược có mặt tại Euro cũng đồng nghĩa rằng mặt bằng chất lượng có thể sụt giảm.
Nhìn trên góc độ chuyên môn, 16 vẫn được xem là con số phù hợp nhất cho vòng chung kết Euro, kể từ khi quy mô này lần đầu được áp dụng vào năm 1996. Hầu hết giới chuyên môn vẫn có một quan điểm chung (dù chưa được chứng minh một cách khoa học) rằng luôn có 16 đội tuyển chất lượng cao tại châu Âu từng thời kỳ. Vòng loại sẽ gạt đi những tập thể kém chất lượng.
Mặc dù Platini tự tin rằng “chúng ta có đủ 24 đội tuyển giỏi cho vòng chung kết”, cho tới nay, nhiều người vẫn nghi ngờ vào những gương mặt như Romania, Bắc Ireland...
Quan trọng hơn, kết cấu thể thức của giải cũng đã có sự thay đổi. Trước đây, 16 đội sẽ được chia thành 4 bảng. Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ bước vào vòng tứ kết. Như vậy sẽ có 3 vòng loại trực tiếp để tìm ra nhà vô địch.
Nhưng nay, với 24 đội chia thành 6 bảng, UEFA đã quyết định sẽ có thêm một vòng loại trực tiếp nữa, gồm... 16 đội. Cụ thể là hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ đi tiếp vào vòng sau. Như vậy là 12 suất, vẫn còn 4 suất nữa dành cho... các đội đứng thứ ba trong bảng đấu. 6 đội đứng thứ ba sẽ được đặt vào một bảng xếp hạng riêng để so kè với nhau, qua đó chọn ra 4 đội có thành tích tốt nhất để lọt vào vòng 16 đội.
Nhiều trận đấu vòng bảng hơn, có thể sẽ là nhiều trận đấu kém chất lượng hơn, và mức độ loại trừ cũng kém hơn. Nhưng đi kèm với đó là một lợi ích không thể phủ nhận về bản quyền truyền hình. Số trận vòng bảng đã tăng từ 24 lên 36 trận. Thêm vòng 16 đội trước vòng tứ kết, tức là sẽ có thêm 8 trận nữa. Hãy tưởng tượng số tiền bản quyền truyền hình và quảng cáo mà UEFA thu về cho 16 trận “mới” này.
Tuy nhiên, số trận tăng lên, số đội tuyển tham dự tăng lên cũng có thể sẽ đồng nghĩa rằng số lượt du khách đến nước Pháp sẽ tăng lên thêm, và kéo theo là nhu cầu bảo vệ an ninh khó khăn hơn nhiều. Trong hoàn cảnh những thế lực khủng bố vẫn ngày đêm gieo rắc nỗi sợ, nước chủ nhà đang chịu áp lực rất lớn trong việc đảm bảo an toàn cho sự kiện.
Euro 2016 gây tranh cãi là vậy, nhưng rồi Euro 2020 thậm chí có thể sẽ còn gây bức xúc nhiều hơn nữa. Ý tưởng tổ chức một vòng chung kết Euro ở nhiều quốc gia cùng một lúc đang khiến người hâm mộ bóng đá tại châu Âu phát sốt. Sự thực là nếu bạn muốn theo chân một đội tuyển lớn như Đức, Italia hay Pháp, rất có thể bạn sẽ phải... đi từ nước này sang nước khác, chỉ để theo dõi hành trình của đội tuyển. Nó khác rất nhiều so với việc di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Chi phí mà người hâm mộ phải chịu sẽ là quá lớn, và gần như chưa có phương án hỗ trợ nào được coi là khả thi.
Trong tất cả những kế hoạch rối rắm này, chỉ có một bên hưởng lợi (chủ yếu về tài chính). Không phải các liên đoàn bóng đá quốc gia, không phải người hâm mộ, càng không phải (các) nước chủ nhà. Đó là UEFA.
Xuất hiện vấn nạn vé giả tại Euro 2016
UEFA mới đây đã gửi đi một văn bản hướng dẫn tới tất cả 24 liên đoàn bóng đá thành viên sẽ dự vòng chung kết Euro 2016 tại Pháp, cũng như có thông cáo báo chí phát đi về vấn đề vé giả. UEFA khẳng định người hâm mộ cần được thông tin về việc sẽ không có bất kỳ trang web không chính thức nào được ủy quyền phân phối vé vào cửa các trận đấu trên đất Pháp. “Nếu bạn chưa mua vé trực tiếp từ một nguồn chính thức của UEFA, sẽ không có gì đảm bảo rằng bạn có thể có một tấm vé thật, và rất có thể bạn sẽ mất hàng ngàn bảng vào túi kẻ gian” – hãng thông tấn BBC (Anh) khuyên nhủ độc giả.
“Không có bất kỳ tấm vé nào được bán lẻ cho khán giả bóng đá thông qua các đại lý trung gian hoặc môi giới. UEFA khuyến cáo người hâm mộ không dính líu với các cơ quan này, qua đó tránh việc bị lừa đảo với mức giá cao hoặc mua phải vé giả” – thông báo chính thức của Liên đoàn Bóng đá châu Âu cho biết. D.L. |
Các cựu danh thủ phủ nhận cơ hội của Anh
Gary Lineker và Rio Ferdinand mới đây đã đồng loạt đưa ra nhận định rằng ĐT Anh sẽ khó lòng vô địch Euro 2016. Lineker - người từng ghi 48 bàn sau 80 lần khoác áo đội tuyển Anh từ năm 1984 tới 1992 – đưa ra ý kiến nói trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Match of the day. “Năm nay tôi sẽ tham gia thực hiện các chương trình truyền hình đồng hành Euro. Nếu được làm việc trong một trận đấu mà đội tuyển Anh vô địch thì sẽ thật tuyệt vời. Đó vẫn luôn là một mong muốn của tôi, và tôi chờ rất lâu rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình sẽ phải chờ thêm”.
“Tôi đang nghiêng về khả năng Pháp đăng quang trong mùa hè này” – Lineker khẳng định: “Họ có rất nhiều cầu thủ chất lượng và họ có lợi thế sân nhà”. Trong khi đó, Rio Ferdinand – cựu trung vệ của CLB Manchester United, người từng chơi 81 trận cho Anh – cũng không mấy tin tưởng vào khả năng Anh vô địch. “Chúng ta không thể ngồi đây mà nói rằng chúng ta là ứng cử viên” – Ferdinand khẳng định với phóng viên của báo The Telegraph (Anh). “Tôi không nghĩ có gì phải bàn cãi về chuyện đó, nếu nhìn vào các đội khác”. Tuy nhiên, Ferdinand tin rằng điều tích cực là đội tuyển Anh đang có sự góp mặt của rất nhiều cầu thủ trẻ, và đây sẽ là trải nghiệm tích cực cho họ để hướng tới tương lai. Vu Chân |