Euro 2016: Thành công có cần đi cùng lòng yêu nước?
“Có quá nhiều stress và quá nhiều áp lực” – Payet chia sẻ sau trận đấu. “Cảm xúc đã dâng trào với bàn thắng ấy. Có lẽ chúng tôi đã tự đặt quá nhiều áp lực lên bản thân một cách vô thức”.
Bóng đá là một trò chơi đậm màu cảm xúc – đó có thể là lý do vì sao nó được cả thế giới yêu mến, tôn thờ. Sân bóng là nơi chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn người đàn ông rơi nước mắt. Với công nghệ truyền hình, con số này có thể đã trở thành hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn mỗi khi nhịp cầu cảm xúc dập dềnh.
Những gương mặt như Dimitry Payet cần... hạn chế? |
Nhưng người ta sẽ không dành nhiều tâm trí, đánh cược nhiều cảm xúc đến thế cho một điều gì đó người ta ít quan tâm. Ở cấp CLB, người ta đòi hỏi rằng một cầu thủ phải có lòng trung thành và khát khao cống hiến cho màu áo của đội bóng. Lên cấp ĐTQG, kỳ vọng còn lớn lao gấp bội. Cầu thủ phải biết cống hiến mọi giọt mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu. Họ phải có khát khao, phải có lòng yêu nước, phải làm cho hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu con mắt đồng bào dõi theo cảm thấy tự hào.
Đó có lẽ chính là thứ áp lực mà Payet nói đến. Nhưng đôi khi, lòng yêu nước là không phù hợp để giúp một đội bóng lớn vô địch.
Sự thực là lòng yêu nước có thể trở thành một thứ sức mạnh quan trọng, nhưng thường thì nó chỉ có ích với những đội tuyển quốc gia nhỏ hoặc đang gặp khó khăn. Ví dụ tiêu biểu là Italy năm 2006. Trong cơn bĩ cực bóng đá của quốc gia (scandal bán độ ở giải đấu cấp cao nhất, Serie A), đội tuyển Italy đã kề vai sát cánh để chiến đấu vì niềm tự hào dân tộc. Sau cùng, họ đi tới chức vô địch thế giới. Hay Iceland tại Euro 2016 năm nay cũng là một ví dụ, khi 23 chàng trai đồng lòng hiệp sức để làm cho hơn 300.000 người khác tự hào.
Nhưng với những đội bóng mạnh nhất, cảm xúc mãnh liệt của lòng yêu nước có thể có hại. Brazil tại World Cup 2014 là một ví dụ rõ ràng. Được chơi trên sân nhà, đã không dưới 2 lần người ta bắt gặp hình ảnh cầu thủ Brazil khóc khi hát quốc gia. Lòng yêu nước thể hiện qua khoảnh khắc ấy thật đẹp, nhưng nó dường như đã khiến các cầu thủ không kiểm soát được đôi chân. Brazil đại bại ngay trên sân nhà.
Còn có nhiều ví dụ khác, khi chính lòng yêu nước mãnh liệt trở thành áp lực tâm lý đè nặng. Anh 1996, Bồ Đào Nha 2004... là minh chứng.
Và sau cùng, nhìn vào những nhà vô địch thực sự, có thể nhận thấy rằng ở họ dường như luôn có một tâm lý vô cùng thoải mái, tự nhiên. Nhiều trường hợp thậm chí bị nghi ngờ về “lòng yêu nước”. Nhưng sau cùng, họ thể hiện điều tối quan trọng trong thế giới thể thao thành tích cao: sự chuyên nghiệp.
Cứ nhắc tới lứa cầu thủ vô địch World Cup 1998 và Euro 2000 là huấn luyện viên Aime Jacquet của Pháp sẽ nói về sự đóng góp của những cầu thủ da đen, gốc gác châu Phi. Nói tới “thế hệ vàng” Tây Ban Nha từ 2008 đến 2012 là nói tới những cầu thủ mà kỳ thực có thể còn... ghét nhà nước của mình, chỉ mang tình yêu với quê hương xứ sở Basque, Catalonia. Hay như Đức 6 năm qua là một tập thể với cầu thủ gốc gác mọi nơi: Ghana, Tunisia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...
Với nhiều cầu thủ nhập tịch hay có gốc gác ngoại quốc, đôi khi thành công không đi kèm với việc họ bắt buộc phải yêu đất nước mà họ chọn lựa để cống hiến. Đã từng có một cầu thủ Pháp gốc Phi trong thế hệ 1998-2000 nói rằng, anh thực tâm muốn chiến đấu cho hơn 20 người đồng đội trong tuyển, hơn là 60 triệu người của đất nước lục lăng. Bởi áp lực từ 60 triệu người là quá lớn.