Giải pháp bước ngoặt trong phòng, chống doping

11:08 24/01/2021
Thông tin ngành Thể thao sẽ tiến hành kiểm tra chất cấm (doping) tại các giải đấu vô địch và trẻ quốc gia từ năm 2021, kể cả ngoài thi đấu theo các phương thức ngẫu nhiên và đột xuất đã được dư luận đón nhận đầy hồ hởi. Ít nhất, thể thao Việt Nam cũng đã có giải pháp mang tính bước ngoặt trong việc phòng, chống doping – vốn bị xem là điểm yếu trong nhiều năm qua.


Lấy mẫu nhiều nhờ quốc tế

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Trung tâm Doping và Y học Thể thao (Tổng cục TDTT), Phó Giám đốc Nguyễn Đoàn Sơn cho biết: Năm 2020, Trung tâm đã lấy 68 mẫu kiểm tra doping ngoài thi đấu cho các VĐV. Tuy nhiên, để lấy được số lượng mẫu thử nhiều như vậy (so với chính thực tế kiểm tra doping của thể thao Việt Nam) lại đến từ việc kết hợp với các liên đoàn thể thao quốc tế như Liên đoàn cử tạ, Muay, thể dục và Ủy ban Olympic người khuyết tật, Cơ quan Phòng, chống doping thế giới. Các cơ quan, Liên đoàn này đề nghị Trung tâm Doping và Y học Thể thao phối hợp lấy mẫu kiểm tra doping với VĐV những môn thuộc các Liên đoàn trên và đương nhiên, chi phí sẽ do các tổ chức quốc tế chi trả.

Và nếu đặt ngược vấn đề rằng, nếu các tổ chức, liên đoàn thể thao quốc tế trên không đề nghị lấy mẫu kiểm tra doping thì liệu Trung tâm Doping và Y học Thể thao hay rộng ra là thể thao Việt Nam có thực hiện được từng đó xét nghiệm, trong đó toàn là xét nghiệm ngoài thi đấu chứ không phải là trong khi diễn ra các giải đấu? Câu trả lời đương nhiên là không do những khó khăn muôn thuở, thường được lý giải cho việc thể thao Việt Nam chưa thực hiện được việc xét nghiệm doping hằng năm ở các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia và “xa xỉ” hơn là ngoài thời gian thi đấu giải của VĐV.

Việc không có nguồn kinh phí để thực hiện xét nghiệm tại các giải đấu là nguyên nhân quan trọng nhất khiến thể thao Việt Nam không thể thực hiện xét nghiệm doping hằng năm ở các giải đấu quốc nội. Bình thường, để xét nghiệm một mẫu thử doping tại nước ngoài cũng tốn ít nhất 300 USD. Còn nếu Việt Nam có phòng xét nghiệm đạt chuẩn của Cơ quan Phòng, chống doping thế giới thì giá thành xét nghiệm chỉ còn 100 USD/ mẫu.

Các giải vô địch quốc gia sẽ được tăng cường công tác phòng, chống doping.

Tuy nhiên, thể thao Việt Nam chưa đủ kinh phí để có một phòng xét nghiệm đạt chuẩn và chưa chuẩn bị kinh phí để tổ chức xét nghiệm ở các giải đấu trong nước. Việc này chỉ có thể thực hiện tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc (từ năm 2010 đến nay với khoảng 30 VĐV được xét nghiệm ở mỗi kỳ) hay trước các kỳ Đại hội thể thao quốc tế với số lượng VĐV hạn chế.

Như ông Hoàng Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT) thông tin, kinh phí tổ chức thi đấu cũng chỉ đủ đáp ứng yêu cầu tối thiểu như chi phí cho trọng tài, ban tổ chức giải, hỗ trợ đơn vị đăng cai tổ chức… nên khó nói đến việc xét nghiệm doping. Còn nếu muốn có kinh phí cho xét nghiệm doping lại phải xin thêm trong khi kinh phí cho các môn thể thao thành tích cao lại hạn chế. Trong khi đó, nguồn tài trợ cho các giải đấu cũng chỉ phục vụ cho việc trao giải, hỗ trợ VĐV.

Như người trong nghề nói thì biết là chuyện không xét nghiệm doping là cái thiếu nhưng vì cái khó bó cái khôn nên đành chịu. Việc này cũng có thể tạo điều kiện để người trong cuộc cố tình sử dụng doping hoặc không giữ gìn trong thực hiện chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc chữa bệnh dẫn đến gián tiếp sử dụng doping. Và điều này có thể tác động vào ngay thành tích của VĐV dẫn đến thành tích “ảo”. Khi ấy, nhà tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia càng khó chọn lựa chính xác VĐV.

Thực tế, tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, nơi lần đầu tiên thể thao Việt Nam tổ chức xét nghiệm doping tại một sự kiện thể thao quốc nội, đã phát hiện 1 trường hợp ở môn cử tạ sử dụng doping. Không kể trong thời gian qua, một số trường hợp khác bị phát hiện ngẫu nhiên sau cuộc kiểm tra đột xuất của Cơ quan phòng, chống doping thế giới.

Cần sự đồng hành, “chia lửa”

Những trường hợp VĐV bị phát hiện sử dụng doping thông qua kiểm tra đột xuất ngoài thi đấu của Cơ quan phòng, chống doping thế giới trong thời gian gần đây dù có thể chỉ là vô tình nhưng vẫn làm rõ khoảng trống trong phòng, chống doping ở làng thể thao Việt Nam.

Cũng vì vậy, phía Cơ quan Phòng, chống doping thế giới đã đề nghị Việt Nam cần thực hiện lấy mẫu xét nghiệm doping ngay ở các giải đấu trong nước, thậm chí lấy mẫu trong quá trình tập luyện, thi đấu của vận động viên.

Những việc trên cộng với sự cấp thiết trong phòng, chống doping theo xu hướng chung của thể thao thế giới là yếu tố quan trọng trong hàng loạt yếu tố khác để Tổng cục TDTT đi đến quyết định lấy mẫu ở một số giải đấu của các môn quan trọng từ năm 2021. Theo đó, trong năm 2021, bên cạnh duy trì tuyên truyền với nhiều hình thức về phòng, chống doping, ngành Thể thao sẽ tiến hành kiểm tra lấy khoảng 30 mẫu thử doping tập trung vào một số giải đấu quốc gia của các môn thể thao hàng đầu của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games, ASIAD và Olympic.

Việc lấy mẫu sẽ tiến hành kiểm tra theo phương thức đột xuất và ngẫu nhiên. Mẫu kiểm tra sẽ được phân tích tại Phòng xét nghiệm tiêu chuẩn được Cơ quan Phòng, chống doping thế giới công nhận. Tất cả các mẫu kiểm tra doping được lấy trong quá trình diễn ra giải đấu sẽ được xét nghiệm theo danh mục các chất cấm và phương pháp cấm năm 2021 trong thi đấu.

Trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, tất cả VĐV tham gia sẽ là đối tượng của chương trình kiểm tra doping tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào mà không được báo trước.

Việc xét nghiệm doping trên đồng nghĩa ngành Thể thao sẽ tốn kinh phí cho việc này. Dù vậy, việc Cơ quan phòng, chống doping thế giới hay các Liên đoàn thể thao quốc tế cũng thực hiện xét nghiệm doping tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ đáng kể cho hành trình lấp đầy khoảng trống trong phòng, chống doping của thể thao Việt Nam.

Và đương nhiên, không thể để một mình Tổng cục TDTT đơn độc trong hành trình phòng, chống doping mà cần có sự đồng hành của các cấp cao hơn, của chính các đơn vị quản lý thể thao, các câu lạc bộ. Như việc cấp kinh phí để hoàn thiện phòng xét nghiệm doping đạt chuẩn quốc tế, qua đó sẽ giúp việc xét nghiệm doping trong làng thể thao Việt Nam nói riêng và các xét nghiệm khác ngoài thể thao nói chung dễ dàng, thuận tiện và chi phi thấp. Còn hiện tại, dự án vẫn thực hiện theo kiểu nhỏ giọt và khó biết ngày hoàn thiện.

Trong khi ấy, chính các đơn vị quản lý thể thao ở địa phương, các câu lạc bộ cũng phải đồng hành, chia “lửa” cùng Tổng cục TDTT. Ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội (Sở VH – TT Hà Nội) cho hay, từ năm 2021, không chỉ mời Trung tâm Doping và Y học thể thao đến phổ biến kiến thức về phòng, chống doping thường niên cho HLV, VĐV Hà Nội mà Trung tâm sẽ trích kinh phí để xét nghiệm doping theo hình thức ngẫu nhiên với chính VĐV của mình. Và chỉ cần mỗi địa phương trích kinh phí để thực hiện xét nghiệm doping cho VĐV thì sẽ giúp thể thao Việt Nam bớt khó khăn trong việc phòng, chống doping.

Xét cho cùng, vẫn có giải pháp để làm đến cùng trong việc phòng, chống doping thay vì chỉ tuyên truyền và lấy lý do khó vì kinh phí. Vấn đề là quyết tâm thực hiện như thế nào, rồi thực hiện giải pháp đó ra sao, đến đâu hay vì nại cái khó về kinh phí để bỏ qua việc phòng, chống doping.

Sẽ sớm có Quy định, chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm phòng, chống doping

Trong cuộc làm việc vào giữa tuần qua với Trung tâm Doping và Y học Thể thao, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đã chỉ đạo Trung tâm cần sớm hoàn thành việc xây dựng Quy định, chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống doping. Trước mắt, Trung tâm Doping và Y học Thể thao cần sớm xây dựng văn bản gửi đến các đơn vị liên quan về việc ngành TDTT sẽ tiến hành kiểm tra doping ở các giải vô địch quốc gia bắt đầu từ năm 2021.                                                                              

Minh Khuê

Minh Hà

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文