Hiệu ứng U23 Việt Nam nhìn từ trận tranh Siêu cúp quốc gia
Tất nhiên, việc sân Hàng Đẫy đã thu hút được một số lượng lớn CĐV (khoảng 10.000 người) đến theo dõi trận đấu một phần cũng bắt nguồn từ việc Ban tổ chức trận tranh Siêu Cúp quốc gia đã quyết định mở cửa miễn phí cho khán giả. Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận chính hiệu ứng thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 Châu Á đã góp phần không nhỏ kéo người hâm mộ đến sân.
Nguồn cảm hứng mang tên U23 Việt Nam
Ở trận đấu giữa Quảng Nam và SLNA hôm Chủ Nhật có sự góp mặt của 2 tuyển thủ U23 Việt Nam đã giành huy chương bạc VCK U23 Châu Á. Đó đều là những cầu thủ thuộc biên chế của SLNA là hậu vệ Xuân Mạnh và tiền vệ Phan Văn Đức. Đây là 2 cầu thủ đều đã gây được ấn tượng rất tốt với đông đảo khán giả cả nước tại VCK U23 Châu Á. Ngoài việc ghi điểm về chuyên môn trên sân cỏ, Xuân Mạnh và Văn Đức còn đã gây bão truyền thông theo những cách riêng của mình.
Xuân Mạnh khiến số đông phải ngưỡng mộ vì lòng hiếu thảo và sự chín chắn, lo toan cho gia đình. Tiền kiếm được từ đá bóng đều dành để cho gia đình trả nợ. Trong khi đó, Phan Văn Đức lại khiến các fan hâm mộ, đặc biệt là các bạn gái phải chú ý với vẻ ngoài điển trai, hiền lành. Không những thế, tiền vệ này cũng đã có những hành động, phát ngôn rất chuẩn mực khiến người ta phải ấn tượng.
Hình ảnh Văn Đức ở bên, ôm lấy mẹ mình cùng dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân đại ý rằng con chỉ cần mẹ thôi, khi anh và 1 số đồng đội khác bị “bỏ rơi” tại sân bay Nội Bài (người hâm mộ khi ấy chỉ tập trung vào 1 số nhân vật chính như Quang Hải, Xuân Trường…) đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội kèm những bình luận rất tích cực từ công chúng.
Và tại sân Hàng Đẫy chiều Chủ Nhật, người ta đã thấy không ít fan nữ đến sân mà trên tay cầm chiếc điện thoại mang ốp lưng có hình ảnh Phan Văn Đức, hay những tấm banner nhỏ đề tên Phan Văn Đức. Đó là minh chứng khẳng định họ đến sân vì thần tượng của mình.
Rất nhiều khán giả đến sân Hàng Đẫy vì có Văn Đức và Xuân Mạnh. |
Bóng đá Việt Nam cần chớp lấy thời cơ
Thành công của U23 Việt Nam đã tạo nên một lớp thần tượng sân cỏ mới trong lòng người hâm mộ Việt Nam, nhất là với giới trẻ. Phải lâu lắm rồi kể từ sau thời kỳ của thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn… người ta mới lại có thể thấy cơn sốt thần tượng bóng đá quốc nội trở nên hiện hữu rõ đến như vậy. Chắc chắn giống như trận tranh Siêu Cúp quốc gia vừa qua, nhiều khán giả đến sân vì Phan Văn Đức, Xuân Mạnh, cũng sẽ có nhiều trận đấu ở V-League khác, người hâm mộ sẽ đến sân để cổ vũ những “người trong mộng”.
Hẳn chúng ta vẫn nhớ việc lứa cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai được đôn lên đá V-League đã tạo ra hiệu ứng đặc biệt như thế nào. Khi ấy, Hoàng Anh Gia Lai thi đấu ở sân nào thì sân đó kín đặc khán giả. Thậm chí, có ban tổ chức sân còn đã tranh thủ tăng giá vé trận gặp Hoàng Anh Gia Lai.
Các cầu thủ U23 Việt Nam hứa hẹn sẽ làm được một điều tương tự. Vì thế, không ngạc nhiên nếu V-League 2018 có thể thu hút được một lượng khán giả kỷ lục đến sân. Vấn đề nằm ở chỗ, những người làm bóng đá cần phải tranh thủ được thời cơ này để duy trì sự quan tâm cũng như giành được tình yêu mến của khán giả. Nếu làm được như vậy, bóng đá Việt Nam sẽ có được một bước phát triển đột phá. Bởi việc thu hút được khán giả bỏ tiền ra mua vé chính là nền móng đầu tiên của mọi nền bóng đá chuyên nghiệp.
Để làm được điều này, không có cách nào khác, chất lượng chuyên môn của các trận đấu của V-League cần phải được nâng lên, đồng thời loại trừ thứ bóng đá bạo lực, bóng đá “bẩn”. Bằng không khi hiệu ứng tức thời của U23 Việt Nam qua đi thì các sân cỏ V-League sẽ trở lại cảnh đìu hiu thường thấy.
Khán giả đến sân đông gấp nhiều lần bình thường Sân Hàng Đẫy vẫn luôn là một trong những sân đấu vắng khán giả nhất cả nước. Tính trung bình ở V-League 2017, mỗi trận đấu ở sân Hàng Đẫy chỉ đón từ khoảng 2.000 đến 3.000 khán giả đến sân. Thế nhưng, ước tính ở trận tranh Siêu Cúp quốc gia vừa qua đã có tới khoảng 1 vạn người đến theo dõi trực tiếp, cho dù đây không phải là sân nhà của Quảng Nam hay SLNA. |