Hoãn AFF Cup 2020: Lợi – hại nào cho bóng đá Việt Nam?

08:02 02/08/2020
AFF Cup (Tiger Cup trước đây) vẫn luôn là món ăn tinh thần được người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á chờ đón. Tuy nhiên do dịch bệnh, giải đấu năm nay sẽ không thể diễn ra như dự kiến.

Theo lịch ban đầu, AFF Cup 2020 sẽ diễn ra từ ngày 23/11 đến ngày 31/12. Thể thức thi đấu của giải vẫn giống như năm 2018, khi 10 đội bóng được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 5 đội. Vòng bảng sẽ diễn ra vòng tròn một lượt, mỗi đội thi đấu 2 trận sân nhà, 2 trận sân khách.

Đây là thể thức được Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) áp dụng nhằm đưa AFF Cup đến với nhiều quốc gia trong khu vực, giúp tăng số lượng khán giả trực tiếp tới sân theo dõi trận đấu, qua đó góp phần tăng thêm chất lượng và doanh thu cho giải đấu. Tuy nhiên diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến cho AFF Cup 2020 không thể diễn ra theo đúng dự tính.

Dễ thấy nhất chính là việc theo thể thức trên, các đội bóng sẽ phải di chuyển liên tục qua các quốc gia khác nhau. Điều này khó có thể thực hiện trong mùa dịch bởi quy định cách ly 14 ngày khi nhập cảnh ở hầu hết các nước.

Với người Việt Nam, AFF Cup vẫn là giải đấu vô cùng quan trọng.

Đã có thời điểm phương án đưa AFF Cup 2020 tổ chức tại Việt Nam được tính đến, do nước ta là quốc gia sớm kiểm soát được dịch COVID-19 và đưa hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia trở lại từ cuối tháng 5. Thế nhưng diễn biến mới nhất với việc có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng tại Việt Nam khiến phương án này khó triển khai được.

Đối với bóng đá Việt Nam, việc AFF Cup 2020 hoãn mang đến nhiều yếu tố lợi – hại khác nhau.

Trước tiên, điều lợi lớn nhất nếu AFF Cup 2020 hoãn lại đó là việc VPF, VFF sẽ có thêm quỹ thời gian dự phòng cho việc hoàn thành mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm nay.

Sau khi phải hoãn hơn 2 tháng hồi đầu năm, VPF, VFF và các CLB đã thống nhất về việc thay đổi thể thức thi đấu, giúp rút ngắn số trận để mùa giải có thể kết thúc vào ngày 31/10, đảm bảo cho các kế hoạch tập trung của ĐTQG để tham dự vòng loại World Cup 2022 (dự kiến diễn ra vào tháng 9, 10 và 11), đồng thời đội U22 Việt Nam cũng có thể hội quân và đi tập huấn chuẩn bị cho SEA Games 31 vào năm sau.

Và trên thực tế, mùa giải kể từ khi trở lại vào cuối tháng 5 cũng diễn ra suôn sẻ về công tác tổ chức. V.League đã hoàn thành vòng 11 và chuẩn bị kết thúc giai đoạn lượt đi. Tuy nhiên việc dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát trở lại khiến giải đấu buộc phải hoãn. Thậm chí, nguy hiểm hơn lần trước khi lần này các CLB Đà Nẵng, Quảng Nam đều phải thực hiện cách ly.

VPF định tranh thủ tổ chức cúp Quốc gia trong thời gian V.League tạm hoãn, nhưng rồi việc cả Quảng Ninh cũng phải cách ly, đồng thời Hà Nội có ca nhiễm bệnh mới khiến nguy cơ cao sân Hàng Đẫy khó có thể tổ chức các trận đấu (Hà Nội, Viettel đều góp mặt ở tứ kết). Điều này đồng nghĩa với việc bóng đá Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải chấp nhận cảnh “đóng băng” lần 2 trong năm nay.

Căng thẳng hơn, Quảng Nam, Nam Định, Thanh Hóa và SLNA đều gửi văn bản kiến nghị đề xuất phương án kết thúc V.League 2020, trao chức vô địch cho đội đầu bảng (Sài Gòn), trao huy chương cho hai đội đứng thứ 2 (Viettel) và thứ 3 (Quảng Ninh). Giải đấu sẽ không có đội xuống hạng, đồng thời cho hai đội đang đứng đầu giải hạng Nhất 2020 thăng hạng, nâng số đội dự V.League 2021 lên thành 16 đội để đảm bảo công bằng.

Tuy nhiên trong cuộc họp báo vào chiều 28/7, Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú khẳng định sẽ không hủy V.League, trừ trường hợp bất khả kháng khi Chính phủ, Bộ VH-TT&DL ra yêu cầu bắt buộc. Ông Tú cũng không ngần ngại thừa nhận nguyên nhân cho quyết định này là bởi nếu hủy giải, VPF sẽ gặp khó khăn rất lớn về tài chính vì không đảm bảo quyền lợi đã ký kết với nhà tài trợ. Điều này dẫn đến hệ lụy VPF vừa mất tiền vừa mất uy tín với các nhà tài trợ, đẩy V.League vào cảnh vô cùng khó khăn ở các mùa giải tới. Thậm chí vị Tổng giám đốc VPF cũng nói vui rằng nếu chuyện đó xảy ra, có lẽ ông sẽ phải sớm “lên đường”.

Chính bởi thế mà trong hoàn cảnh V.League phải hoãn chưa biết ngày trở lại, việc có quỹ thời gian AFF Cup 2020 không thể diễn ra để bù vào là điều tốt để bóng đá Việt Nam có thể hoàn thành mùa giải.

Tất nhiên ở chiều ngược lại, việc AFF Cup phải hoãn sang năm 2021 sẽ gây ra không ít khó khăn cho bóng đá Việt Nam. Trong cuộc họp hôm 27/7, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã đặt vấn đề với các liên đoàn khác về việc năm 2021 sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Euro, Copa America, Olympic Tokyo, nên phải chọn thời điểm thích hợp để tổ chức AFF Cup trong năm sau sao cho không đụng với các giải đấu này.

Chưa kể đến việc SEA Games 31 được tổ chức vào cuối năm ở Việt Nam, và trước đó vào tháng 9,10,11 sẽ là các loạt trận vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023, rõ ràng thật khó để chọn được thời điểm phù hợp để các đội tuyển toàn tâm toàn ý cho AFF Cup.

Indonesia phản đối tổ chức AFF Cup vào nửa đầu năm 2021

Việc tìm thời gian tổ chức AFF Cup nếu phải lùi sang năm 2021 càng thêm khó khi mới đây Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) không đồng ý để giải đấu này diễn ra vào đầu năm sau.

Trả lời phỏng vấn tờ Bola, Tổng thư ký PSSI Yunus Nusi nói: "PSSI đã cân nhắc kỹ để không đồng ý với việc AFF Cup 2020 được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm 2021. Thời điểm đó PSSI đang rất bận rộn cho việc chuẩn bị tổ chức U20 World Cup 2021 diễn ra vào cuối tháng 5.

Nếu lùi tiếp thì AFF Cup lại có khả năng rơi vào tháng Ramadan (tháng 4 – tháng 5). Vì thế cuộc họp hôm 27/7 chưa thể đi đến việc đưa ra một quyết định thống nhất giữa tất cả các bên. Các thành viên phải tiếp tục ngồi lại với nhau để tìm kiếm thời điểm thích hợp". Đây rõ ràng là thông tin gây đau đầu cho ban tổ chức giải, khi tổ chức đúng thời gian dự kiến đang gặp khó vì dịch COVID-19, nhưng lùi lại thì vấp phải việc quỹ thời gian quá eo hẹp.

PV

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文