Khi đóng quảng cáo cũng cần chuyên nghiệp
Ngọc Hải, Quang Hải, Công Phượng dính “lùm xùm” quảng cáo
Sáng 3/9, một số trang báo thể thao đưa clip mà Quế Ngọc Hải đóng quảng cáo cho một tựa game trên điện thoại vào tâm điểm. Sở dĩ nó gây ra sự chú ý khiến báo chí phải vào cuộc đến từ bộ trang phục mà Quế Ngọc Hải sử dụng trong phần lớn clip quảng cáo. Theo đó, chiếc áo mà Quế Ngọc Hải mặc tương đối giống chiếc áo đội tuyển Việt Nam. Nhưng khác ở chỗ, lá cờ trên ngực trái lại là hình ngôi sao vàng bị ngược, so với cờ Tổ quốc của Việt Nam.
Không chỉ gây bức xúc với một chiếc áo nhái cùng lá cờ Tổ quốc bị cố tình thay đổi nhằm phục vụ cho việc.. lách luật sử dụng hình ảnh áo đấu của đội tuyển Việt Nam (trong clip vẫn sử dụng lời thoại nói về đội tuyển Việt Nam), clip mà Quế Ngọc Hải tham gia còn vi phạm trắng trợn việc sử dụng một số đoạn trong thi đấu mà không xin phép VFF, AFF hay AFC.
Cụ thể, cảnh quay đội tuyển Việt Nam thi đấu trận chung kết với Malaysia ở AFF Cup 2018 (nhận cúp vô địch, các cầu thủ công kênh ông Park Hang Seo sau trận đấu) cũng như tình huống Quế Ngọc Hải chuyền cho Quang Hải ghi bàn trong chiến thắng cũng trước Malaysia ở vòng loại World Cup 2022 hay một vài giây khi ĐT Việt Nam thi đấu ở Asian Cup đã xuất hiện trong clip này.
VFF yêu cầu chấm dứt sử dụng và tháo gỡ các nội dung liên quan tới hình ảnh ĐTQG Việt Nam ra khỏi Clip do cầu thủ Quế Ngọc Hải quảng cáo. |
Một đại diện của VFF bức xúc: “Riêng ở vòng loại World Cup, cụ thể ở đây là băng hình trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia, FIFA và AFC đã trao quyền quản lý thương mại cho VFF. Và clip quảng cáo trò chơi điện tử đã sử dụng hình ảnh mà không hề có bất cứ đề xuất nào lên VFF”, một đại diện của VFF cho hay.
Cũng chính những sai phạm kể trên, VFF đã yêu cầu nhà sản xuất chấm dứt sử dụng và tháo gỡ toàn bộ các nội dung liên quan tới hình ảnh ĐTQG Việt Nam ra khỏi clip tuyên truyền quảng bá của nhãn hàng Game, cũng như yêu cầu không tạo dựng hình ảnh, lời thoại gây hiểu lầm đây là ĐTQG Việt Nam.
Trước Quế Ngọc Hải, một cầu thủ khác của đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Công Phượng cũng từng bị “tuýt còi” liên quan đến quảng cáo bia. Với trường hợp của Công Phượng, tiền đạo SN 1995 mặc trang phục đội tuyển quốc gia, quảng cáo cho một nhãn hiệu bia. Và VFF khẳng định Công Phượng đã vi phạm nghiêm trọng thương quyền đội tuyển.
Rồi đến trường hợp của Nguyễn Quang Hải, một clip mô phỏng tình huống ghi bàn của anh ở trận chung kết U23 châu Á 2018 để phục vụ quảng cáo một hãng bia khác cũng từng khiến dư luận xôn xao. Thậm chí, anh còn mặc một chiếc áo màu đỏ có cờ Việt Nam ở phía tay phải và uống bia với một số người trong đoạn quảng cáo ấy.
Tiến Linh tham gia đội bóng ngôi sao trái phép
Là thành viên của đội tuyển Việt Nam, việc những Quế Ngọc Hải, Nguyễn Công Phượng hay Nguyễn Quang Hải nhận được những lời mời quảng cáo kếch xù là điều không có gì bất ngờ. Nhưng bên cạnh quyền lợi, các tuyển thủ Việt Nam cũng cần có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh ĐTQG ở trong lẫn ngoài sân cỏ. Và việc họ để những nhãn hàng quảng cáo lợi dụng, sử dụng hình ảnh ĐTQG mà không có sự cho phép của đơn vị quản lý là VFF hẳn nhiên khiến cho chính bản thân những cầu thủ này cũng bị ảnh hưởng.
Ở một mức độ khác thấp hơn tại cấp CLB, một tuyển thủ Việt Nam khác là Nguyễn Tiến Linh cũng vừa bị CLB chủ quản là B.Bình Dương “tuýt còi”. Theo đó, việc tuyển thủ Nguyễn Tiến Linh về “đầu quân” cho đội bóng FC Nghệ Sỹ của siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh đã không nhận được sự đồng ý của lãnh đạo B.Bình Dương.
Lập tức, đội bóng đất Thủ lên tiếng: “Tiến Linh là cầu thủ đang được đặt dưới sự quản lý của CLB B.Bình Dương, bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến hình ảnh cầu thủ dưới mọi hình thức. Việc đội FC Nghệ Sĩ mời Tiến Linh tham gia đội bóng cần phải đến làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo Công ty CPBĐ B.Bình Dương, đơn vị chủ quản CLB B.Bình Dương. Mọi hành vi thương lượng trực tiếp với cầu thủ mà không thông qua ý kiến công ty chủ quản là thiếu tôn trọng và hoàn toàn sai với quy chế công ty”.
Tiến Linh đã bị cảnh cáo sau vụ việc này. Hành động của lãnh đạo B.Bình Dương không sai và đấy cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều cầu thủ chuyên nghiệp ở các CLB khác đang thi đấu tại giải hạng Nhất và V.League. Cần nói rõ, trong các hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp có điều khoản ghi rõ “nghiêm cấm các cầu thủ tập luyện và thi đấu ở các đội bóng và các giải đấu khác khác nếu không được sự đồng ý của đơn vị chủ quản” và đề ra án phạt nặng với hành vi này. Bên cạnh đó, các cầu thủ nếu chấn thương do tập luyện và thi đấu “ngoài luồng” sẽ bị kỷ luật nặng và phải tự bỏ chi phí để chữa trị.
Rõ ràng, những cầu thủ chuyên nghiệp thì càng cần phải chuyên nghiệp trong những quyết định cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Việc VFF, CLB “tuýt còi” trong giai đoạn vừa qua một mặt bảo vệ quyền lợi mà họ với tư cách đơn vị quản lý đáng được hưởng. Mặt khác, điều đó cũng là lời cảnh báo cho việc nhiều cầu thủ Việt Nam tự ý hoặc bị những người xưng là đại diện cố “lách luật” để kiếm những bản hợp đồng trôi nổi trên thị trường.
Công Vinh từng bị Becamex Bình Dương phạt nặng Đầu tháng 4-2016, Công Vinh tự ý đổi lịch bay để bay sang đóng quảng cáo cùng Thủy Tiên khi chưa có sự đồng ý của đội bóng chủ quản Bình Dương. Sau khi kết thúc trận gặp Iraq tại vòng loại thứ 2 World Cup 2018, Công Vinh cùng tuyển Việt Nam đáp chuyến bay từ Doha (Qatar) về TP Hồ Chí Minh chiều 31/3/2016. Tuy nhiên, Công Vinh đã tự ý đổi lịch bay sang Thái Lan mà không báo lãnh đạo Bình Dương mà chỉ nhờ Trưởng đoàn Dương Nghiệp Khôi xin phép đội bóng đất Thủ tập trung trễ vào ngày 2/4/2016. Bình Dương sau đó đã tuyên bố kỷ luật Lê Công Vinh. |