Muốn giúp Ronaldo, hãy tiếp tục chỉ trích
So với Messi, lượng người hâm mộ của Ronaldo nhiều hơn hay ít hơn vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Nhưng chắc chắn số antifan của CR7 đông vượt trội so với Messi, nếu không muốn nói là số 1 trong làng bóng đá. Ronaldo, đơn giản cứ là mình đã bị ghét.
Vì anh cao lớn, tài giỏi, đẹp trai, giàu có, sở hữu những thứ xa xỉ mà người đời nằm mơ cũng không bao giờ có. Thế mới có chuyện Ronaldo muốn kiếm một cái áo lành lặn để đổi cho đội trưởng tuyển Iceland sau trận đấu cũng bị truyền thông xuyên tạc thành thói kênh kiệu và coi thường đối thủ.
Anh thể hiện sự tiếc nuối, qua đó tức giận trước lối chơi tử thủ của đối phương, như cái cách 99% đồng nghiệp khác vẫn làm, vẫn bị nói là kẻ tiểu nhân không hơn không kém.
Thậm chí, đến trưởng ban thể thao của tờ báo danh tiếng The Guardian còn công khai coi thường Ronaldo và cho anh là ví dụ tiêu biểu của thói vị kỷ trong bóng đá. Mỗi ngày, mở những trang báo, vào mạng xã hội và đọc được những câu chữ mài giũa sắc lẹm để chê bai mình, người bình thường liệu có trụ nổi?
Nhưng đó là những gì mà Ronaldo phải trải qua trong suốt sự nghiệp của mình. Anh chỉ có thể hoàn thiện bản thân nhưng không thể hoàn hảo theo ý của người khác. Câu chuyện về tuyển Bồ Đào Nha cũng tương tự.
Giới phê bình ra rả định kiến cả một tập thể bán đảo Iberia phải phục vụ một mình Ronaldo. Anh ghi bàn là điều bình thường, nhưng không ghi thì là sự xấu hổ của quốc gia. Vầng hào quang của anh che lấp những cái tôi khác, khiến họ ngộp thở và phá vỡ kết cấu đoàn kết.
Đó là lý do Bồ Đào Nha chẳng bao giờ chơi tốt tại giải đấu lớn, nhất là từ lúc Ronaldo nắm chiếc băng đội trưởng. Ác cảm làm mù lòa phán đoán và chính những người chỉ trích cũng tự mặc định rằng CR7 không phải người bình thường nữa rồi. Anh bị tách rời ra hẳn mọi luận điểm và trở thành trung tâm thu hút chú ý.
Rất ít người đặt ngược giả thiết nếu không có Ronaldo, bóng đá Bồ Đào Nha đã trôi về đâu trong thời kỳ mà những “Nuno Gomez, Pauleta mới” còn khó kiếm, chứ chưa nói gì tới “Rui Costa” hay “Luis Figo mới”?
Quốc gia này chẳng thể sản sinh ra nổi một tài năng vượt tầm những anh chàng lắm tật như Nani hay Quaresma. Ngay đến một chân làm bóng trung bình tại châu Âu như Joao Moutinho cũng đã là công thần “ăn cơm tuyển” ngót nghét 10 năm. Ronaldo kiếm đâu ra người cùng đẳng cấp để trở thành cặp song sát, hay 2 người để biến thành tam giác ma thuật.
Chẳng phải đó là nguyên nhân khiến anh lại phải chạy một mình để giành giật những thứ không tưởng hay sao? Và qua con mắt ác cảm, Ronaldo lại là tay ích kỷ chỉ biết bản thân mình.
Nhưng chỉ trích thì vẫn phải chỉ trích, vì trong một tập thể rệu rão nhưng luôn mang trong mình nỗi ảo tưởng sức mạnh như BĐN, người ta phải ép Ronaldo vào chân tường, khiến sức bật của chiếc lò xo bị dồn nền mang tên CR7 khủng khiếp hơn bao giờ hết.
Và trước Hungary, khi bị cả thế giới quay lưng, Ronaldo đã cho thấy nội lực của mình lớn nhường nào. Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Ronaldo kiến tạo cho Nani trước khi tự mình điền tên lên bảng tỷ số hai lần, đưa BĐN lách qua khe cửa hẹp.
Đồng thời, Ronaldo cũng đi vào lịch sử trên tư cách người đầu tiên ghi bàn tại 4 kỳ EURO liên tiếp.
Xem ra, càng bị chê, Ronaldo đá… càng hay.