Quần vợt Việt Nam: Gian nan lối vào bảng xếp hạng thế giới
- Quần vợt Việt Nam không thể chỉ trông vào một Lý Hoàng Nam!
- Khởi tranh giải quần vợt Việt Nam F4 Futures
- Khởi tranh giải quần vợt Việt Nam F2 Futures
Hiện tại, các tay vợt hàng đầu Việt Nam như Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên, Trịnh Linh Giang cũng chỉ dám chọn đăng ký những giải đấu quốc tế ở cấp độ “Futures” – cấp độ thấp nhất trong làng quần vợt chuyên nghiệp nam thế giới. Điều này cho thấy trình độ của quần vợt nam Việt Nam so với mặt bằng chung của quần vợt chuyên nghiệp thế giới.
Những giải đấu cấp độ Futures thường thu hút những tay vợt ngoài nhóm 200 tay vợt hàng đầu thế giới. Chỉ những tay vợt trong khoảng 200 đến 900 thế giới mới có cơ hội góp mặt ở vòng đấu chính. Theo đó, Ban tổ chức giải chọn tay vợt dự vòng đấu chính theo thứ hạng ở thời điểm đăng ký và theo cách từ trên xuống.
Nguyễn Hoàng Thiên được đầu tư cả triệu USD nhưng vẫn ngoài nhóm 1.000 tay vợt hàng đầu thế giới. |
Những tay vợt ngoài nhóm 900 thế giới thường sẽ chỉ có cơ hội tham gia giải thông qua vòng sơ loại hoặc theo vé đặc cách. Được chọn tham dự vòng sơ loại những giải đấu này cũng là quá tốt với Nguyễn Hoàng Thiên hay Trịnh Linh Giang – những tay vợt đang ngoài nhóm 1.400 tay vợt hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, do luôn trong nhóm 700 tay vợt hàng đầu thế giới, Lý Hoàng Nam thường được góp mặt tại vòng đấu chính ở các giải cấp độ Futures. Trước đây khoảng 2 năm, anh cũng từng tham dự những giải đấu thuộc cấp độ này từ vòng sơ loại do thứ hạng thế giới còn thấp.
Đến lúc này, trình độ của Lý Hoàng Nam vẫn chỉ phù hợp với cấp độ thi đấu này. Còn những giải đấu cấp độ cao hơn đương nhiên vẫn ngoài tầm với của Lý Hoàng nam. Chỉ khi thứ hạng được cải thiện đáng kể để có thể vào nhóm 250 tay vợt hàng đầu thế giới thì mới mong góp mặt ở vòng đấu chính.
Với tay vợt số 1 Việt Nam còn như vậy thì những tay vợt khác kém hơn như Nguyễn Hoàng Thiên, Trịnh Linh Giang đương nhiên cũng chỉ loanh quanh tìm kiếm điểm xếp hạng thế giới thông qua tham dự các giải đấu cấp độ Futures. Vậy mà tìm được 1 điểm cũng đầy khó nhọc.
Tay vợt Trịnh Linh Giang từ đầu năm 2017 đến nay chưa bao giờ vượt qua vòng sơ loại của cả 3 giải đấu cấp độ Futures ở Trung Quốc. Đáng chú ý, cả 3 giải đấu này đều diễn ra trên mặt sân đất nện vốn quen thuộc với tay vợt này. Khi còn khoác áo Hà Nội, Trịnh Linh Giang từng được tập huấn nhiều lần tại lò đào tạo quần vợt ở Tây Ban Nha, thường cho các tay vợt tập luyện trên mặt sân đất nện.
Đường đến với bảng xếp hạng thế giới còn gian nan như vậy với các tay vợt nam Việt Nam nên không khó hiểu khi các tay vợt nữ Việt Nam (được đầu tư ít hơn nhiều) chưa thể góp mặt trên bảng xếp hạng đơn nữ thế giới. Tất cả đủ thấy vị thế của quần vợt Việt Nam đang ở đâu nếu chỉ xét trên số VĐV có mặt trên bảng xếp hạng của quần vợt nam, nữ chuyên nghiệp thế giới.
Ai cũng hiểu rằng, muốn góp mặt trên bảng xếp hạng thế giới phải tham dự các giải quốc tế. Nếu giành chiến thắng đương nhiên sẽ có điểm tích lũy và có thứ hạng. Nhưng rõ là đường đến với các giải quốc tế của quần vợt Việt Nam vẫn không dễ dàng nếu không có kinh phí đầu tư cho VĐV. Quần vợt vốn đòi hỏi đầu tư lớn nên không dễ để VĐV đủ trình độ và điều kiện thi đấu ở các giải chuyên nghiệp quốc tế. Nếu dựa vào kinh phí nhà nước thì VĐV hầu như không có cơ hội.
Cho nên, cả 3 tay vợt Việt Nam đang góp mặt trên bảng xếp hạng của quần vợt nam chuyên nghiệp thế giới đều đang nhận được sự đầu tư từ doanh nghiệp hoặc chính gia đình. Nguyễn Hoàng Thiên từng nổi tiếng Việt Nam vì được gia đình đầu tư cả triệu USD/ năm.
Số tiền này được gia đình anh đầu tư sân bãi tập luyện, thuê chuyên gia nước ngoài cho Hoàng Thiên, thậm chí đóng góp đăng cai cả giải đấu cấp độ Futures tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện để Thiên dễ có thứ hạng quốc tế hơn khi được thi đấu trên sân nhà… Tuy nhiên, đến lúc này, Hoàng Thiên vẫn chỉ ở ngoài nhóm 1.400 tay vợt nam hàng đầu thế giới.
Lý Hoàng Nam được đầu tư lớn nhưng vẫn chỉ phù hợp với hệ thống giải Futures. |
Còn Lý Hoàng Nam được cả một tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam hỗ trợ để nâng cao trình độ cũng như thương hiệu cho chính tập đoàn đó. Cho nên mới có việc Bình Dương đăng cai tới 9 giải đấu cấp độ Futures trong năm 2016, trong đó riêng tiền giải thưởng đã ngốn khoảng 2 tỷ đồng. Cũng nhờ đó Lý Hoàng Nam mới có 2 chức vô địch đôi, 1 chức vô địch đơn để áp sát nhóm 600 tay vợt hàng đầu thế giới nội dung đơn. Trong khi đó, từ khi về đầu quân cho Bình Dương, Trịnh Linh Giang mới có cơ hội góp mặt ở nhiều giải cấp độ Futures hơn khi nhận suất đặc cách.
Ở Việt Nam cũng còn nhiều tay vợt giỏi có thể góp mặt trên bảng xếp hạng của quần vợt nam chuyên nghiệp thế giới nếu được tạo điều kiện tham dự các giải Futures theo diện đặc cách từ vòng sơ loại như Nguyễn Đắc Tiến (Hà Nội), Phạm Minh Tuấn (Đà Nẵng). Nhưng các đơn vị chủ quản chỉ có thể đủ kinh phí đầu tư cho họ tập luyện chứ không thể tạo điều kiện cho họ thi đấu quốc tế, trong đó rõ nhất là đăng cai được ít nhất 3 giải đấu cấp độ Futures/năm tại Việt Nam nhằm dễ dàng có suất đặc cách, có cơ hội giành điểm.
Vì thế, chỉ có sự nhập cuộc nhiều hơn từ các doanh nghiệp hay gia đình thì mới hy vọng có nhiều tay vợt Việt Nam góp mặt ở bảng xếp hạng quần vợt chuyên nghiệp thế giới. Còn cứ như hiện nay, số VĐV thuộc diện trên vẫn sẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý Hoàng Nam đạt cột mốc mới về thứ hạng thế giới Trên bảng xếp hạng quần vợt chuyên nghiệp nam thế giới ngày 27-2, tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam đã đạt cột mốc mới ở nội dung đôi nam khi tăng 30 bậc, từ hạng 618 lên hạng 588. Lý Hoàng Nam đạt cột mốc mới này do vào đến bán kết nội dung đôi nam giải quần vợt China F1 Futures 2017. Còn ở nội dung đơn nam, Lý Hoàng Nam bị tụt 8 bậc khi từ hạng 631 xuống hạng 639 thế giới. Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Thiên tăng 2 bậc, từ hạng 1.439 lên hạng 1.437; Trịnh Linh Giang tăng 4 bậc, từ hạng 1.645 lên hạng 1.641. Hiện tại, Lý Hoàng Nam đang ở Trung Quốc tham dự giải quần vợt China F3 Futures 2017. Trịnh Linh Giang cũng dự giải trên, song bị loại ở vòng sơ loại thứ hai. |