Lan tỏa các giải chạy bộ trong cộng đồng, nét đẹp thể chất và tinh thần
- Chạy bộ để gây quỹ từ thiện
- Kết thúc cuộc đua chạy bộ đường núi lớn nhất Việt Nam năm 2018
- 3.400 người từ 54 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ đua chạy bộ đường núi ở Việt Nam
Phong trào chạy bộ ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ, nhiều giải chạy ở trong nước, từ miền núi xa xôi đến đô thị chật chội cũng đã được tổ chức. Các runner thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần khác nhau. Khá nhiều người nổi tiếng thích thú với phong trào này như Á hậu Hoàng My đã từng tham gia chinh phục cung đường 21 km ở Sa Pa hay nhà văn Trang Hạ cũng đã sải bước ở giải chạy Boston (Mỹ).
Không chỉ có các vận động viên người Việt Nam mà rất nhiều người nước ngoài cũng hào hứng với các giải chạy bộ được tổ chức. |
Điều gì đã làm nên sự hấp dẫn của các giải chạy trong những năm gần đây? Đây cũng là câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra. Chúng tôi có dịp trao đổi với BS Đinh Huỳnh Linh, người vừa đảm nhiệm vị trí giám đốc chuyên môn của giải marathon quốc tế di sản Hà Nội vừa qua để giải đáp phần nào câu hỏi này.
Tham gia các giải chạy có nhiều lứa tuổi khác nhau. |
Thành công là... không có sự cố
Phóng viên: Ngoài chuyên môn là một bác sĩ tim mạch của BV Bạch Mai, anh cũng là một vận động viên tham gia nhiều giải chạy, điều gì ở chạy cuốn hút anh?
BS Đinh Huỳnh Linh: Tôi bắt đầu tập chạy bộ từ năm 2013. Tham gia các giải chạy là một dịp tốt để đánh giá năng lực bản thân, giao lưu cùng cộng đồng chạy bộ gồm những người đến từ khắp nơi trên thế giới. Chạy bộ các giải quốc tế còn là cơ hội để tôi khám phá các thành phố mới.
Ngày càng có nhiều các nhà báo tham gia các giải chạy marathon. |
Dấu giày của anh đã đặt lên nhiều đường chạy ở nước ngoài, vậy anh tích lũy được gì từ những lần như vậy?
Việc chạy ở nhiều giải quốc tế giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều, tôi đem những ý tưởng đó về nước và góp ý cho những giải chạy chưa hoàn thiện để điều chỉnh.
Nhờ vậy, trên cương vị là giám đốc đường đua, phụ trách chuyên môn giải chạy, ban tổ chức và tôi cùng chia sẻ tầm nhìn là tạo dựng một giải đấu có chất lượng chuyên môn hàng đầu khu vực, quy tụ nhiều vận động viên đẳng cấp tham gia, thúc đẩy phong trào chạy bộ trong cộng đồng, cũng như tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, dễ mến với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chạy bộ có hại cho khớp gối?
Theo anh, vì sao những giải chạy gần đây ở nước ta lại phát triển mạnh, thậm chí có thể nói là rầm rộ?
Điều này cũng dễ hiểu, khi đời sống của người dân được nâng cao thì họ bắt đầu chú ý đến khía cạnh chăm sóc sức khỏe. Khía cạnh tinh thần của chạy bộ vô cùng quan trọng, đôi khi căng thẳng chúng ta chạy bộ cảm thấy thư giãn, chạy bộ tốt cho cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần.
Chạy bộ không còn giới hạn là một môn thể thao nữa mà là một phong cách sống, lối sống. Nó không những tốt cho sức khỏe, tinh thần mà lại khá giản dị, không đòi hỏi trang thiết bị cầu kỳ, tốn kém, không tốn nhiều thời gian và rất linh hoạt.
Chạy bộ tốt cho cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần |
Vậy ở góc độ của một bác sĩ tim mạch thì theo anh chạy đem lại những gì cho các VĐV?
Chạy bộ hay bất kỳ một hình thức vận động thể thao nào khác về lâu dài nói chung đều có lợi cho sức khỏe tim mạch, giảm mỡ máu, giảm béo phì, tránh được những bệnh lý tim mạch, chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.
Đường Thanh niên, một trong những con đường đẹp của Thủ đô Hà Nội trong giải chạy Di sản Hà Nội năm 2018 |
Một số người có thể lo rằng chạy bộ có hại cho khớp gối, điều này có đúng không?
Với những tài liệu khoa học tôi biết và đã tìm hiểu thì chưa chứng minh được chạy bộ nhiều gây hại. Toàn dân chạy bộ thì bệnh lý về tim mạch và chuyển hóa sẽ giảm đi. Giờ đây những lý do tử vong chính của con người không còn là bệnh nhiễm khuẩn như hồi xưa nữa mà chủ yếu là các bệnh về tim mạch và chuyển hóa.
Vẻ hào hứng của một vận động viên nữ tại giải chạy Di sản Hà Nội năm 2018 |
Văn hóa chạy chưa hoàn thiện
Đi kèm với sự phát triển nhanh đó, theo anh các giải chạy ở nước ta có điểm nào chưa tốt không?
Có chứ, nó nằm ở cả VĐV lẫn Ban tổ chức. Ở nước ta vẫn còn những giải chạy mà VĐV mua bib (số báo danh thi đấu) của nhau khiến ban quản lý rất khó khăn.
Có trường hợp khi có tình trạng khẩn cấp về vấn đề sức khỏe, gọi đến thì họ không biết người thân là ai. Có những người chạy không bib, họ không đăng ký với ban tổ chức, không đóng tiền, tôi cho đó là điều không văn minh.
Những người chạy không bib lại cho rằng đường chạy đó là đường đã có sẵn thì sao thưa anh?
Không thể nói đường đó là sở hữu công cộng, tôi thích chạy thì chạy. Để tổ chức một giải chạy, ban tổ chức phải chi phí rất nhiều và trong thời điểm diễn ra giải chạy đường đó không còn là đường công cộng nữa mà là đường của ban tổ chức. Ban tổ chức lại không thể cấm những người không bib mà đó là văn hóa của người chạy hay nói cách khác văn hóa chạy chưa hoàn thiện.
Anh đánh giá gì về tiềm năng phong trào chạy bộ ở nước ta mà đặc biệt là Hà Nội?
Tôi cho rằng tiềm năng các giải chạy ở nước ta rất cao. Bởi nước Mỹ có khoảng 350 triệu dân thì một năm có gần 1.000 giải chạy marathon. Nhật Bản có 120 triệu dân thì một năm có khoảng 500 giải chạy, Singapore có 5-6 triệu dân thì có ba giải… Việt Nam có 90 triệu dân nhưng mới có khoảng năm giải chạy. Đây là xu thế chung cho toàn thế giới.
Các nghiên cứu ở châu Âu cho thấy các quốc gia càng phát triển về kinh tế văn hóa thì số người chạy marathon càng nhiều. Đan Mạch có 1/3 người dân đã từng chạy marathon. Hà Nội là thành phố có nhiều cung đường đẹp. Chạy qua đường Phan Đình Phùng sẽ thấy lá vàng rơi, chạy qua Quảng trường Ba Đình lúc 5h sáng cảm thấy rộn rã hay chạy Hồ Tây lúc mờ sương… cũng rất hay.
Niềm vui khi về đích tại Longbien Marathon 2018 |
Anh có lời khuyên nào cho những người mới tham gia chạy và manh nha việc chạy?
Tôi nghĩ rằng chạy bộ là một quá trình trải nghiệm kéo dài nhiều năm. Không cần vội vàng dẫn đến những lỗi chung là chạy quá nhanh, quá sớm và quá nhiều. Đối với người mới chạy khi muốn thực hiện cự ly 21 km thì cần tối thiểu hai tháng để cho cơ thể thích nghi được, không nên thực hiện nó quá sớm, dễ chấn thương…
Xin cám ơn anh.