Kết thúc SEA Games 29:

Thể thao Việt Nam có thể từ "ao" ra "biển"?

09:36 01/09/2017
SEA Games 29 khép lại đúng với dự đoán khi chủ nhà Malaysia lần thứ hai trong lịch sử đứng nhất toàn đoàn. Lần đầu tiên Malaysia ở vị trí này diễn ra năm 2001, khi họ cũng là chủ nhà SEA Games.


Và có một điểm chung giữa hai lần này, đó là chủ nhà Malaysia đã bị kêu ca, phàn nàn dữ dội. SEA Games năm 2001, khi nhiều VĐV Việt Nam bị chủ nhà ép thua, ông Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang khi đó đã phải nói với một quan chức thể thao Malaysia: "Này ông, các ông có muốn dự SEA Games 2 năm tới ở Việt Nam không đấy?". Phía sau câu nói này là hàm ý: nếu cứ ép chúng tôi thế này, ông không sợ hai năm sau bị chúng tôi ép lại? Và thực tế là phải sau câu hỏi ấy, các VĐV Việt Nam mới đỡ bị ép khi đọ sức với VĐV chủ nhà.

Nhưng đến năm nay thì chẳng riêng gì Việt Nam, cả Indonesia, Singapore, Philippines lẫn Thái Lan đều phản ứng chủ nhà dữ dội. Đội cầu mây nữ của Indonesia thậm chí quyết định bỏ cuộc khi trọng tài bênh chủ nhà trắng trợn, còn một tờ báo Thái Lan thì kết luận: "Đây là một trong những kỳ SEA Games tồi nhất trong lịch sử". 

Điều đáng nói là ở những ngày thi đấu cuối cùng, khi chủ nhà đã chắc chắn ngôi vị số 1 thì họ vẫn làm mọi cách để "vét" Huy chương Vàng Silat, khiến một làn sóng phản lớn bùng lên ở nhà thi đấu. 

Thế mới có chuyện sau đó ngay cả một tờ báo Malaysia, tờ Free Today cũng phải thành thật đánh giá: "Chúng ta đã mất cơ hội gây ấn tượng tốt đẹp". 

Với 3 HCV SEA Games, Lê Tú Chinh đã trở thành tân nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á.

Theo tờ báo này, lẽ ra SEA Games là dịp để chủ nhà quảng bá sức mạnh mềm của mình thì trái lại, những màn trò "ép" khách, vơ vét huy chương đến tận những ngày thi đấu cuối cùng đã làm họ hiện lên xấu xí. Nhưng ai cũng biết, đấy chẳng phải là chuyện mới mẻ gì. Nó là bản chất của SEA Games, của "ao làng", không thể khác.

Hai năm nữa đến lượt Philippines làm chủ nhà, bốn năm nữa đến lượt Việt Nam, liệu có thể hy vọng mọi thứ khác đi không? 

Ông Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn bảo rằng: "SEA Games 31 ở Việt Nam, tôi muốn chúng ta chỉ tổ chức các môn thể thao Asiad, Olympic, và bỏ đi tất cả những môn nặng tính ao làng". 

Ông nhấn mạnh: "Sau tất cả những gì đã diễn ra, tôi muốn chúng ta sẽ là một chủ nhà thật sạch". Nhưng rồi ông Phấn với cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cũng phải thòng thêm cái mệnh đề: "Đấy chỉ là quan điểm cá nhân tôi thôi". 

Bàn về chủ đề này, ông cựu Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games Nguyễn Hồng Minh hỏi ngược lại người viết: "Theo anh, chúng ta có thể trở thành chủ nhà sạch như chúng ta nói được không?". 

Thế rồi ông tự trả lời: "Tôi cá với anh đến khi ấy sẽ lại có 2 luồng ý kiến tranh luận dữ dội: một bên thì muốn chúng ta sạch thật, nhưng bên còn lại vẫn muốn chúng ta phải vét huy chương như các chủ nhà khác. Mà kinh nghiệm của tôi cho thấy giữa hai bên, thật khó nói bên nào thắng bên nào". 

Thôi thì chỉ còn biết hy vọng đến 2021, khi SEA Games diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, "phe sạch" sẽ chiếm ưu thế hơn hẳn so với "phe thành tích".

Trở lại với vị trí thứ 3 mà Đoàn Thể thao Việt Nam giành được ở kỳ SEA Games này, đó là một vị trí khó nhọc chưa từng thấy. Bởi trong ngày thi đấu cuối cùng chúng ta chỉ hơn đoàn xếp sau mình là Singapore đúng 1 HCV (thua hẳn về số lượng HCB, HCĐ), trong khi Singapore vẫn còn một số môn thế mạnh. Các quan chức thể thao Việt Nam đã phải "nín thở" xem Singapore thi đấu, và phải đến khi chứng kiến người Sing "trượt vàng hàng loạt" thì chúng ta mới thở phào.

Nhưng xét cho cùng bây giờ vị trí thứ 3, thứ 4 hay thứ 5 ở cái "ao làng" này cũng không quan trọng nữa. Điều quan trọng là những môn thể thao Olympic của chúng ta như điền kinh, bơi lội, Thể dục dụng cụ tiếp tục có một mùa thắng lớn. Ông Trần Đức Phấn cho biết từ chiến thắng này sẽ có khoảng 100 VĐV được đầu tư đặc biệt, hướng đến việc giành huy chương ở Asiad và Olympic.

Hy vọng là sau khi tắm mình trong "ao" chúng ta sẽ đủ sinh lực và khát vọng để chính thức giong thuyền ra biển!

Khi chủ nhà đạt mốc 100 Huy chương Vàng

Bangkok Post - tờ báo uy tín của Thái Lan phân tích rất kỹ một chi tiết: Khi đoàn chủ nhà Malaysia đoạt đúng 100 HCV thì trên trang chủ SEA Games xuất hiện linh vật SEA Games và con số "100". Khi đó người ta thậm chí còn không thèm cập nhật bảng tổng sắp huy chương như mọi ngày. Điều đó cho thấy chủ nhà hả hê, thoả mãn với chiến tích của mình tới đâu. 

Báo này thống kê rằng trong 10 kỳ SEA Games gần đây nhất, chủ nhà 6 lần đứng nhất toàn đoàn và kết luận: "Malaysia dám chơi bẩn một cách trắng trợn vì trước họ cũng có quá nhiều tiền lệ tương tự rồi". 

Trước thềm SEA Games cũng chính tờ báo này đã cảnh báo về vấn đề các nước chủ nhà luôn tìm cách vơ vét thành tích, và cảnh báo: chủ nghĩa thành tích cực đoan có thể làm hại nhân cách các vận động viên, đấy là điều cực kỳ nguy hiểm! 

Ngọc Anh

Phan Đăng

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文