Tìm lối đi cho vận động viên sau khi giải nghệ
Cho dù gần đây, tự thân VĐV đã nỗ lực để có lối đi phù hợp khi kết thúc nghiệp VĐV cũng như nhà quản lý, doanh nghiệp đã tạo điều kiện, hỗ trợ VĐV thì vẫn cần nhiều giải pháp hơn. Từ đó, giúp VĐV không mất phương hướng khi giải nghệ.
Tự thân vận động
Làng thể thao Việt Nam từng chứng kiến không ít VĐV sau khi giải nghệ đã làm những công việc không liên quan đến những kỹ năng thể thao mà họ từng được huấn luyện. Nhiều người không biết làm gì, đành chọn công việc tay chân, trong đó có nghề bảo vệ - công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng.
Không ngẫu nhiên đã có thống kê rằng, có tới 60-70% số VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh thuộc diện chính thức nhiều năm, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp đã phải bắt đầu một công việc khác.
Trong khi đó, dù được tạo điều kiện, hỗ trợ hết mức, cũng chỉ có 15-20% các tuyển thủ quốc gia, các VĐV xuất sắc trở thành HLV hay giáo viên thể chất với tấm bằng ĐH TDTT hay cử nhân Sư phạm TDTT. Thế nên, câu chuyện đào tạo nghề, hướng nghiệp và tìm kiếm việc làm sau giải nghệ cho VĐV đỉnh cao vẫn là vấn đề nan giải của thể thao Việt Nam.
Nguyên nhân đã được chỉ ra nhiều lần, ở nhiều nơi, trong đó rõ nhất vẫn là các đơn vị quản lý chưa có động thái quyết liệt để định hướng cho VĐV sau khi giải nghệ.
Bản thân nhiều VĐV không có định hướng rõ ràng sau khi giải nghệ dù biết rằng giai đoạn đỉnh cao của "đời" VĐV thường chỉ khoảng 10 năm. Tuy nhiên, việc tập luyện và thi đấu liên tục đã khiến họ không kịp nghĩ đến tương lai.
Nhiều VĐV sớm tính chuyện tương lai đã tranh thủ học ĐH TDTT ngay trong thời gian còn thi đấu dù để theo học cũng rất khó khăn. Nợ môn, thậm chí đành bỏ dở việc học ĐH TDTT vì phải tập luyện, thi đấu cũng là chuyện bình thường.
Trong những năm gần đây, nhiều VĐV khác đã chủ động lo cho hậu giải nghệ bằng việc bắt tay vào kinh doanh. Nhiều người đã khá thành công trong khi vẫn giữ được đà tập luyện, thi đấu.
Trong số này có tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh. Tay vợt này đã mở một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị cầu lông tại TP HCM từ cách đây vài năm và đến nay việc kinh doanh vẫn thuận lợi. Còn nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung chạy trung bình dài, vượt chướng ngại vật Nguyễn Thị Oanh từng khá thành công với việc bán giày thể thao.
Kiếm thủ số 1 Việt Nam Vũ Thành An cũng từng kinh doanh máy pha cà phê tự động. Nhà vô địch nhảy xa ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo vẫn đang kinh doanh cửa hàng ăn uống tại Ba Vì (Hà Nội). Hay tay vợt bóng bàn Đinh Quang Linh ngay từ khi chưa giải nghệ đã nổi tiếng với vai tổ chức giải đấu cũng như mở trung tâm huấn luyện bóng bàn...
Lý giải thêm về bài toán hậu giải nghệ của các VĐV, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các vận động viên sau khi nghỉ thi đấu thường thiếu các kỹ năng, kiến thức làm việc.
Nếu sớm được định hướng công việc nào đó sau khi kết thúc nghiệp VĐV thì họ sẽ thích nghi nhanh vì có tố chất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh, năng động, nghị lực, ý chí...
Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo tại cuộc tọa đàm "Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho vận động viên". |
Cần thêm sự hỗ trợ, định hướng
Thực tế, trong vài năm gần đây, các đơn vị quản lý thể thao đã chủ động hơn trong việc tìm lối ra cho VĐV đồng thời tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp để giúp VĐV có việc làm hoặc có một nền tảng về nghề nào đó khi kết thúc nghiệp VĐV. Bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động hỗ trợ việc làm cho VĐV.
Như cuối tháng 11/2020, Uỷ ban Olympic Việt Nam và Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư Sen Nam Việt (Senavi) về hỗ trợ việc làm cho VĐV khi giải nghệ. Theo đó, Senavi cam kết dành 10 vị trí nhân sự mỗi năm cho các VĐV ở các vị trí việc làm như: Nhân viên văn phòng, tư vấn dinh dưỡng...
Còn từ năm 2019, Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tập đoàn Alphanam Group về tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên của Thể thao Việt Nam có thành tích cao sau khi không còn thi đấu.
Trong đó, Alphanam Group cam kết sẽ bảo trợ nghề nghiệp cho tất cả các VĐV Việt Nam trong các đội tuyển quốc gia sau khi giải nghệ có mong muốn được tham gia và làm việc trong ngành du lịch - khách sạn.
Ngoài ra, Alphanam Group khẳng định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để các VĐV có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp nếu có nguyện vọng. Còn Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã khẳng định mong muốn được bảo trợ nghề nghiệp cho các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam sau khi giải nghệ trên cơ sở nguyện vọng và địa bàn sinh sống của các cầu thủ.
Gần đây, vào cuối tháng 12/2020, cuộc tọa đàm "Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho VĐV" do Tổng cục TDTT, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã thu hút tới hơn 300 VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả là lãnh đạo Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện Alphanam Group, các chuyên gia marketting thể thao và luật, đã có những cuộc trao đổi, đối thoại, thuyết trình thẳng thắn, cởi mở và thiết thực về các nội dung “sát sườn” đối với một VĐV thể thao như khởi nghiệp, đào tạo và đào tạo lại, tìm kiếm việc làm, cơ hội và thách thức đối với VĐV sau khi giải nghệ.
Hiệu quả của cuộc tọa đàm còn phải đợi thời gian nhưng đây cũng là điểm nhấn về sự quan tâm, hỗ trợ của đơn vị quản lý thể thao trong việc định hướng nghề nghiệp cho VĐV sau khi họ kết thúc nghiệp VĐV.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019, theo đó Nghị định quy định rõ, các vận động viên thành tích cao sẽ được ưu tiên, tạo điều kiện xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng... Việc này thể hiện rõ sự quan tâm đến các VĐV.
Còn ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, từ nhiều năm nay đã tổ chức các lớp học tại chức ĐH TDTT ngay tại Trung tâm để VĐV không phải đi sang tận Bắc Ninh để theo học. Nhờ đó, VĐV có nhiều cơ hội hoàn thành chương trình ĐH TDTT đúng thời hạn, qua đó có thể có ngay việc làm ổn định sau khi nghỉ thi đấu thay vì tiếp tục đi học. Trong thời gian tới, Trung tâm vẫn duy trì mô hình này.
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng cho biết thêm: “Những người làm quản lý, trưởng bộ môn, các HLV cần phải liên tục tác động vào ý thức chịu khó học tập của VĐV để họ xác định rõ tương lai sau khi nghỉ thi đấu.”.
Rõ ràng, lối đi cho VĐV sau khi giải nghệ vẫn cần được đầu tư hơn. Tất cả cũng để VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu thay vì không biết, không chắc tương lai sẽ làm gì sau khi giải nghệ.