Từ một "vết đen" của trọng tài cầm còi V.League
- Barca bị ném đá vì thắng nhờ trọng tài
- Trọng tài ngoại, nhà quản lý ngoại điều hành V.League - tại sao không?
Sau khi ông Khamruen bị bắt đã có người chất vấn Ban tổ chức V.League là đã mời các trọng tài ngoại về V.League theo tiêu chí nào? Theo chúng tôi, thực ra trách Ban tổ chức V.League hay Ban trọng tài Quốc gia trong chuyện này cũng khó, bởi việc của ban này là kiến nghị lên VFF xem trận nào quan trọng, cần phải được điều khiển bởi trọng tài ngoại. Sau đó VFF sẽ gửi công văn sang các nền bóng đá có quan hệ tốt với mình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore... để tìm người.
Hẳn nhiên, trong công văn ấy cũng có những tiêu chí được đưa ra như trọng tài phải có bản lĩnh, có kinh nghiệm hành nghề và có tư cách trong sạch, nhưng mọi thứ cũng chỉ có thể dừng lại ở đó. Phần còn lại như duyệt cụ thể trọng tài nào hoàn toàn do các Liên đoàn bóng đá sở tại quyết định. VFF không thể và cũng không đủ điều kiện để có thể tác động tới phần việc mang tính "nội bộ" của những nền bóng đá này được.
Thế nên từ vài mùa giải gần đây, sau khi các Liên đoàn bóng đá mình nhờ vả chính thức giới thiệu trọng tài thì việc của VFF đơn giản chỉ là tiếp nhận, và sau đó là đến phần việc của Ban tổ chức giải lẫn Ban trọng tài Quốc gia. Rất nhiều lần, ông Trưởng ban Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi nhận định rằng xét về mặt trình độ, trọng tài ngoại không quá trội hơn hơn so với những trọng tài nội đạt đẳng cấp FIFA. Nhưng vấn đề là cứ phải thuê "vua" ngoại để giải quyết bài toán niềm tin, vì có những tiếng còi, những quyết định mà nếu là "vua" ngoại thì các đội răm rắp nghe theo, còn nếu là "vua" nội có thể lại là những tranh cãi lớn.
Cũng có những tình huống mà nếu là "vua" ngoại thì quyết định sẽ được đưa ra một cách nhanh chóng và đúng luật nhưng nếu là "vua" nội thì trước những quyết định ấy có thể là cả một núi phân vân. Ví dụ điển hình nhất là ở trận "chung kết" giữa FLC Thanh Hoá và CLB Hà Nội trên sân Thanh Hoá, sau khi được trọng tài ngoại cho hưởng một quả 11m vào cuối trận, qua đó giật lại 1 điểm quý giá, HLV trưởng CLB Hà Nội, Chu Đình Nghiêm thẳng thừng phát biểu: "Trong bối cảnh ấy, nếu là trọng tài nội, có thể chúng tôi đã không được 11m".
Trọng tài Khamruen vừa bị bắt tại Thái Lan. |
Quyền chủ tịch CLB thành phố Hồ Chí Minh, Lê Công Vinh sau khi bức xúc với cách cầm còi của trọng tài trên sân Lạch Tray, trong trận đấu thua nặng Hải Phòng đã từng phát biểu sẵn sàng kêu gọi tài trợ để VFF thuê đồng loạt “vua” ngoại về V.League cầm còi.
Ai cũng hiểu ở một V.League vốn có quá nhiều "bệnh" và quá nhiều ánh mắt nghi kỵ hướng về nhau thì sự xuất hiện của những trọng tài ngoại cùng lúc sẽ giải quyết được rất nhiều nút thắt. Nhưng khi chính trọng tài ngoại được mời về như ông Khamruen cũng bị Liên đoàn bóng đá và cơ quan điều tra nước mình "sờ gáy" thì chỉ sợ là từ nay cái mác "trọng tài ngoại" không còn có giá trị đảm bảo niềm tin như trước nữa.
Trao đổi với chúng tôi, một quan chức VFF cho biết là tổ chức này rất lấy làm tiếc khi người mình mời về hoá ra lại sở hữu một "hồ sơ đen", nhưng không vì một "hồ sơ đen" mà cả một kế hoạch dùng "vua" ngoại cho các trận đấu nhạy cảm bị huỷ bỏ. Cụ thể ở vòng chót V.League vào ngày 25 tháng 11 tới đây, một trọng tài người Singapore vẫn được mời về điều khiển trận đấu Than Quảng Ninh - Hà Nội trên sân Cẩm Phả.
Hy vọng là sau vết đen của "vua” ngoại Khamruen sẽ không phải là một vết dầu loang với nhiều "vua ngoại" khác, và hy vọng là sau vết đen ấy thì cái chiến lược lấy "vua” ngoại giải quyết vấn đề niềm tin của bóng đá nội sẽ không vì thế mà...vỡ trận!
Người Thái quyết làm sạch giải vô địch quốc gia Thông tin mới nhất từ báo chí Thái Lan cho hay đã có cả thảy 12 cá nhân bao gồm quan chức, cầu thủ, trọng tài dính vào nghi án làm độ trong các trận đấu tại giải vô địch quốc gia Thái Lan vừa kết thúc cách đây ít ngày. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, ông Somyot cho biết người đứng đằng sau "giật dây" những vụ làm độ này là một cựu trọng tài rất nổi tiếng, nhưng ông chưa thể tiết lộ tên tuổi vào lúc này. Cũng theo ông Somyot cảnh sát điều tra đã thực hiện một kế hoạch đặc biệt, và nắm được những bằng chứng không thể chối cãi của những nhân vật tham gia tiêu cực. Cụ thể, có một số trận đấu thường xuất hiện bàn thắng ở những phút cuối mỗi hiệp, và sau những trận đấu ấy, những cầu thủ tham gia tiêu cực nhận được một khoản tiền trên dưới 100.000 USD. Thai - League lâu nay vẫn được mô tả là một giải đấu chất lượng và có giá trị hình ảnh hàng đầu Đông Nam Á, nhưng xem ra thực tế mọi thứ không như vậy. Mà không riêng gì Thai - League, rất nhiều giải vô địch quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á bị đặt dấu hỏi về tính trong sạch. Ngay ở V.League 2017 vừa qua cũng đã có những bàn thắng kỳ lạ xuất hiện vào những phút cuối mỗi hiệp - những bàn thắng mà nói như dân anh chị trong làng cá cược là "nổ tài", và nhờ "nổ tài" mà đã có người trúng đậm. Thế nên từ câu chuyện rất thời sự ở Thai League, chắc chắn những nhà tổ chức V.League cũng cần phải nghiêm túc xem xét, mổ xẻ lại giải đấu của mình từ nhiều góc độ. Ngọc Anh |