U23 châu Á, niềm cảm hứng Việt Nam
- Thua Triều Tiên, U23 Việt Nam bị loại
- U23 Việt Nam trước trận sinh tử: Trút áp lực đi mà đá
- Thủ tướng gửi thư động viên đội tuyển U23 Việt Nam trước trận quyết đấu
Những người tí hon trỗi dậy
Một nửa số đội lọt vào vòng tứ kết U23 châu Á 2020 là những đội cửa dưới, bao gồm cả những cái tên bị đánh giá là "lót đường" trước giải. Ngoài đội chủ nhà Thái Lan gây ấn tượng bằng chiến thắng vùi dập đối thủ Bahrain với tỷ số 5-0 ngay sau lễ khai mạc, Saudi Arabia và Syria đã tạo bất ngờ lớn nhất giải đấu ở bảng B. Họ chia nhau 2 vị trí dẫn đầu để vào tứ kết, đẩy Qatar và Nhật Bản ngậm ngùi về nước sớm.
Xét ở bình diện chung, U23 châu Á năm nay hoàn toàn khác so với giải đấu diễn ra ở Thường Châu 2 năm trước. Tại thời điểm đó, những đội cửa dưới lọt vào vòng đấu loại trực tiếp như Palestine và Malaysia đều sớm dừng bước khi phải gặp những đối thủ mạnh hơn. Chỉ có U23 Việt Nam liên tiếp tạo ra bất ngờ bằng việc đánh bại hàng loạt đối thủ sừng sỏ để bước vào trận chung kết, nơi họ chỉ chịu thua ở phút thi đấu cuối cùng của hiệp phụ.
Thái Lan tiếp bước Việt Nam gây bất ngờ ở U23 châu Á. |
Với bóng đá Việt Nam, kỳ tích ở U23 châu Á 2018 đã mở ra chuỗi chiến công huy hoàng bậc nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà. Nhưng ở bình diện châu lục, những gì HLV Park Hang Seo làm được ở Đông Nam Á còn mang đến một thông điệp khác. Ông và các cầu thủ Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh của một nền bóng đá vốn bị xem là nhược tiểu, là đội bóng lót đường ở khu vực châu Á.
Không ít tuyển thủ Thái Lan thừa nhận thành công của bóng đá Việt Nam 2 năm trước giúp họ có thêm động lực ở giải đấu năm nay. Với niềm tin đó, cộng thêm lợi thế được chơi trên sân nhà, U23 Thái Lan đã thi đấu rực sáng ở vòng bảng. Mở đầu bằng trận thắng vùi dập Bahrain, các cầu thủ Thái Lan tiếp tục chơi trên chân Australia, thậm chí có bàn mở tỷ số ngay đầu hiệp 1. Đến trận đấu quyết định, họ lại dẫn trước Iraq từ rất sớm nhưng không thể bảo toàn tỷ số.
Với việc các đội nhất - nhì 2 bảng A và B sẽ gặp nhau ở vòng tứ kết, U23 châu Á năm nay sẽ chứng kiến ít nhất một ngựa ô góp mặt trong 4 đội mạnh nhất giải. Đó là đội giành chiến thắng trong cặp đấu giữa Saudi Arabia và chủ nhà Thái Lan. Ở một trận tứ kết khác, Syria hoàn toàn có khả năng gây bất ngờ trước đối thủ Australia, đội mà họ luôn thi đấu ngang ngửa ở các cấp độ đội tuyển trong thời gian gần đây.
Bụt chùa nhà không thiêng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc "kỳ tích Việt Nam" không còn là điều quá bất ngờ ở U23 châu Á năm nay. Đầu tiên là việc trình độ chuyên môn giữa các đội bóng không còn quá khác biệt như trước đây. Ví dụ như trường hợp của U23 Thái Lan, ngay cả khi nhận thất bại trước U23 Australia, họ cũng tạo ra thế trận ngang ngửa với đối thủ. Các học trò của HLV Akira Nishino có tỷ lệ kiểm soát bóng 52%, tung ra 12 cú dứt điểm, bằng với U23 Australia.
Một nguyên nhân khác là sự đi xuống bất ngờ của những nền bóng đá mạnh trong khu vực châu Á, tiêu biểu là Nhật Bản và Qatar. 2 năm trước, U23 Nhật Bản đã gây thất vọng khi nhận thất bại 0-4 trước Uzbekistan ở tứ kết. Trận thua đó tưởng như chỉ là một tai nạn, nhưng lại là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chất lượng bóng đá trẻ xứ mặt trời mọc đang tụt dốc không phanh. Đến Asiad 2018, U23 Nhật Bản tiếp tục thua U23 Việt Nam ở vòng bảng.
Dù sau đó họ vẫn giành ngôi Á quân, nhưng cách thua toàn diện trước U23 Hàn Quốc trong trận chung kết cho thấy những cầu thủ trẻ Nhật Bản chưa chuẩn bị đầy đủ để tranh tài ở những đấu trường lớn. Thất bại tại U23 châu Á năm nay, với những sai lầm ngớ ngẩn trong hệ thống phòng ngự đã chứng minh điều đó. Sau 2 năm, HLV Hajime Moriyasu vẫn không thể khắc phục những điểm yếu cố hữu ở hệ thống hàng phòng ngự, qua đó biến cơ hội giành thứ hạng cao ở Olympic trở nên rất nhạt nhòa.
Người Nhật có thể đổ lỗi cho màn trình diễn đáng quên của họ ở U23 châu Á 2020 xuất phát từ việc đội bóng này không gọi về những tuyển thủ quốc gia như Takehiro Tomiyasu, Takefusa Kubo hay Ritsu Doan. Tuy nhiên đó không thể là lý do thỏa đáng, bởi nhiều đội tuyển khác như Hàn Quốc, Australia và Việt Nam cũng không thể triệu tập một số tuyển thủ quốc gia về thi đấu cho đội U23. Bên cạnh Nhật Bản, Qatar cũng gây thất vọng khi bị loại ngay từ vòng bảng.
Còn với U23 Việt Nam, kỳ tích truyền cảm hứng cho không ít đội tuyển ở châu Á nay lại trở thành "Bụt chùa nhà không thiêng" với HLV Park Hang-seo và các học trò. Các đối thủ tiếp đón U23 Việt Nam ở giải đấu năm nay với một thái độ cực kỳ cẩn trọng và đề phòng. Họ cắt vụn mọi đường lên bóng của các cầu thủ Việt Nam, đồng thời khóa chặt ngòi nổ Quang Hải, người hùng tại Thường Châu 2 năm trước. Bằng cách đó, họ đã hợp lực chặn đứng cửa đi tiếp của đội đương kim Á quân từ rất sớm.
Màn thể hiện đối lập của U23 Việt Nam sau 2 năm cho thấy những thành công của "ngựa ô" vẫn chỉ mang tính nhất thời. Nó chỉ phản ánh khả năng của một nhóm cầu thủ nhất định, chứ không hề cho thấy một nền bóng đá đã sánh ngang những cường quốc khác. Vì thế, để hiện thực hóa mục tiêu tham dự World Cup 2026, bóng đá Việt Nam vẫn cần cải tổ, nỗ lực rất nhiều để tìm ra những nhân tố mới thay thế những Quang Hải, Đình Trọng,... trong tương lai.
Cầu thủ U23 Việt Nam khó xuất ngoại vì đâu? Xuất ngoại là cách tốt nhất để những cầu thủ trẻ nâng cao trình độ, tìm hiểu về mô hình bóng đá chuyên nghiệp ở nước ngoài, nhưng cho đến nay, chỉ có vài người trong đội hình U23 Việt Nam sẵn sàng làm điều đó. Công Phượng, Xuân Trường đã phải về nước sau khi phải đánh bóng ghế dự bị ở xứ người, còn Văn Hậu cũng đang phải cố gắng hết sức để cạnh tranh một vị trí tại SC Heerenveen. Mọi người thường lý giải nguyên nhân cầu thủ Việt Nam khó xuất ngoại bởi không chuẩn bị kỹ càng, khác biệt ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt... Nhưng trên thực tế, tất cả đã bỏ qua một nhân tố rất quan trọng trong bóng đá chuyên nghiệp: Người đại diện cầu thủ. Không giống “cò” môi giới ở V.League, người đại diện sẽ tìm bến đỗ tốt nhất cho thân chủ ở mọi đội bóng trên toàn thế giới. Nhờ có họ, một vài ngoại binh bật bãi ở V.League có thể tìm đường sang châu Âu thi đấu thành công, thậm chí tranh tài tại Europa League. Trong khi đó, những tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam vẫn trầy trật tìm chỗ đứng ở nước ngoài vì không có quan hệ rộng. Mất việc ở V.League, nhưng Ivan Firer lại kiếm được hợp đồng ở Ligue 2 (Pháp) nhờ có người đại diện chuyên nghiệp. |