V.League từ "cơn sốt" U19 đến U23

08:17 09/03/2018
V.League từng đón nhận “cơn sốt” của lứa cầu thủ U19 cách đây 3 năm. Và bây giờ, khi mùa giải mới còn chưa bắt đầu thì tất cả đã thấy sức hút mà những cầu thủ U23 Việt Nam tạo ra là rất lớn.

Sau khi lứa cầu thủ U19 Việt Nam với nòng cốt là quân Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tạo ra “cơn sốt” ở giải U19 Đông Nam Á  2014, lập tức những “gà nòi” của bầu Đức được đôn lên đá V.League. Không những thế, lứa cầu thủ ấy còn đóng vai trò trụ cột của HAGL sau khi đội bóng phố Núi tiến hành “thay máu” lực lượng để tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ.

Ở mùa giải đầu tiên với nhiều cầu thủ tuổi 19 ấy, HAGL đã trở thành “đội bóng quốc dân”. Ngày khai màn V.League 2015, sân Pleiku đã “vỡ” vì có quá đông CĐV đến theo dõi Công Phượng và các đồng đội thi đấu. 

Hình ảnh đáng nhớ đọng lại trong ngày khai màn ấy là việc bầu Đức xuống tận sân mời những CĐV lớn tuổi lên ghế VIP ngồi như một sự tri ân. Chính BTC cũng đã không lường trước hết được lượng khán giả để sau đó HAGL phải vui vẻ nộp phạt vì “sự cố đáng yêu” này.

Các cầu thủ HAGL bị "vây" ở sân Bình Phước.

Và ở V.League năm đó, HAGL cứ đến sân nào thì sân ấy “vỡ”. Không bàn đến tính đúng sai trong chiến lược đưa ồ ạt cầu thủ U19 đến sân chơi V.League của HAGL, rõ ràng hiệu ứng mà lứa cầu thủ năm ấy tạo ra khiến cả những người tổ chức cũng thích thú. 

“Cơn sốt” U19 đã mang đến một làn gió mới khiến mọi khán đài trở nên phấn khích hơn. Sau những mùa giải ảm đạm trước đó thì những cầu thủ ở tuổi 19 đã phần nào tạo ra sức sống.

Dù HAGL trải qua chuỗi thành tích bết bát và chỉ may mắn trụ hạng thì các cầu thủ U19 vẫn mang về lợi nhuận bằng “tiền tươi thóc thật”. Kết thúc V.League 2015, HAGL công bố lãi hơn 5 tỉ, nguồn thu của đội bóng phố Núi dựa vào việc bán áo đấu, hình ảnh quảng cáo của cầu thủ và bán biển quảng cáo cho các nhà tài trợ trên sân Pleiku. HAGL cho thấy họ đã tận dụng thương hiệu U19 “ra tấm ra món” cả về mặt hình ảnh đến lợi ích kinh tế.

Bây giờ, V.League cũng chuẩn bị đón một “cơn sốt” của lứa cầu thủ U23 Việt Nam. Sau một hành trình đáng nhớ trên đất Trung Quốc, bây giờ là lúc các cầu thủ U23 trở lại sân chơi V.League, nhiều cầu thủ trong số đó sẽ được tạo điều kiện đá chính. Đó thực sự là điều mà những khán giả chờ đợi.

Ngay trước thềm mùa giải 2018, “cơn sốt” ấy đã được nhen nhóm. Đầu tiên là màn thể hiện của thủ môn Tiến Dũng trong màu áo FLC Thanh Hoá ở AFC Cup. HLV Mihail đã bỏ qua Thanh Thắng, Bửu Ngọc để tạo cơ hội cho Tiến Dũng bắt chính. Nhìn cái cách mà Tiến Dũng được khán giả hô vang tên mỗi khi chạm bóng là đủ hiểu sức hút của thủ thành này.

Sau đó, hai người đồng đội khác của Dũng là Văn Đức và Xuân Mạnh cũng được đá chính ở SLNA tại Siêu Cúp Quốc gia và AFC Cup. Lập tức, hai cầu thủ này cũng tạo ra sức hút, sau mỗi trận đấu, khán giả bủa vây và khiến con đường ra xe bus của hai cầu thủ này luôn tắc nghẽn. Điều tích cực là khán giả kéo đến sân đông hơn bình thường so với các trận đấu ở V.League.

Hình ảnh ấn tượng nhất có lẽ là cảnh sân Bình Phước bị “vỡ” ngày HAGL đến thi đấu giao hữu nhân dịp SVĐ có mặt cỏ và dàn đèn mới. Với 6 tuyển thủ U23 được ra sân trong màu áo HAGL đã gợi lại cho đội bóng này cảm giác của cách đó 3 năm khi vừa bước ra từ “cơn sốt” U19.

Có thể thấy, đó là những điều báo hiệu cho mùa giải đáng chờ đợi từ sức nóng của U23 Việt Nam. Vậy các đội bóng đã chuẩn bị tâm thế gì trước “cơn sốt” ấy? HAGL và Hà Nội là hai đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ U23 Việt Nam nhất.

Nhưng trong khi đội bóng Thủ đô khá yên ắng thì HAGL với kinh nghiệm từng có đã mở chiến lược PR và kinh doanh của mình một cách rất bài bản. Khi mùa giải mới còn chưa bắt đầu, đội bóng phố Núi đã thu về gần nửa tỉ nhờ bán vé cho khán giả, trong đó có những vé bán cả mùa. Đặc biệt, trong các buổi bán vé, cầu thủ HAGL sẽ đến giao lưu, chụp ảnh và ký tặng người hâm mộ, đấy là cách để đến gần khán giả nhất.

Nhưng, từ “cơn sốt” của lứa U19 cách đây 3 năm, cần nhớ một điều rằng, có những “fan ruột” dành tình cảm với các cầu thủ thật sự, nhưng bên cạnh đó cũng không ít những làn sóng “ăn theo” hiệu ứng. Bây giờ, trước “cơn sốt” U23, các cầu thủ HAGL sẽ là người thấy rõ hơn ai hết điều này. Do vậy, để tình yêu ấy bền lâu, có lẽ mỗi đội bóng cần tự tạo ra cho mình một hình ảnh tích cực với tiêu chí: sạch, và có văn hoá, bản sắc.

Hy vọng, “cơn sốt” U23 sẽ tạo cho V.League có sức hút hơn. Thế nhưng cũng mong rằng các đội bóng sẽ tư duy chuyên nghiệp hơn, ít nhất là việc sử dụng hình ảnh từ chính các “ngôi sao” của mình.

Hưng Hà

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文