Yemen, đối thủ không dễ chơi của đội tuyển Việt Nam

06:38 14/01/2019
Đang đứng thứ 135 trên bảng xếp hạng FIFA, nhận 8 bàn thua và không ghi được bàn nào chỉ sau 2 trận ở Asian Cup 2019, Yemen đương nhiên bị đánh giá thấp nhất bảng D nhưng không phải vì thế mà đội tuyển Việt Nam có thể chủ quan.


Nén đau thương để thi đấu

Thời đỉnh cao của bóng đá Yemen đến vào năm 1994 khi đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nước này leo lên vị trí thứ 90 thế giới. Nhưng đến năm 2013, Yemen rơi xuống đáy ở thứ hạng 180 và giờ yên vị ở 135. Sự biến thiên theo chiều hướng tiêu cực này không phải ngẫu nhiên. Cuộc nội chiến thảm khốc ở Yemen đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng và khiến 14 triệu người khác bị ảnh hưởng nặng nề.

Đương nhiên, trong tình hình đó, bóng đá cũng không được phát triển. Lần gần nhất ĐTQG Yemen thi đấu trên sân nhà đã cách đây 6 năm, giải vô địch quốc gia thì tạm hoãn từ năm 2014, các sân vận động giờ thành đống tro tàn của bom đạn. Để chuẩn bị cho Asian Cup 2019, các cầu thủ Yemen chỉ được thi đấu... 3 trận.           

Chiến tranh đem đến không chỉ cái chết mà còn là sự đói kém. Các CLB bóng đá phải đóng cửa vì không có tài chính để hoạt động. Cầu thủ phải kiếm nghề khác để sinh nhai hoặc những ai may mắn thì ra nước ngoài thi đấu. Thiên đường của các tuyển thủ Yemen chính là giải Qatar Stars League. Thậm chí, nhiều người phải lang bạt xa hơn, tới Malaysia như Khairi Yousef hay Ai Cập như ngôi sao Husain Ghazi.

Nằm chung bảng với hai nhà cựu vô địch Asian Cup là Iran và Iraq, cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào kết quả trước đối thủ Yemen.

Ghazi hay Yousef vẫn may mắn vì còn được chơi bóng trong khi nhiều đồng đội của họ đã phải dẹp giấc mơ sân cỏ để làm những nghề khác như: lái xe bus, chạy xe ôm, bán hàng rong hoặc đi làm thuê. Suleiman Hazam, đồng đội của Ghazi, giờ suốt ngày cắm đầu vào chảo dầu rán khoai tây bán trên hè phố.

Osama Abdul-Jabbar, một tài năng bóng đá Yemen đã cùng ĐT U19 đoạt vé dự VCK U19 châu Á năm 2016, buồn bã nói: “Tất cả đã biến mất, môi trường bóng đá cũng như ước mơ sân cỏ. Lứa chúng tôi có nhiều cầu thủ giỏi nhưng bây giờ chẳng còn cơ hội phát triển nữa vì không có giải VĐQG. Thật cay đắng!”.

Không khó để hiểu ra trình độ bóng đá hiện giờ của Yemen tụt hậu so với khu vực. Thậm chí, kém Việt Nam chúng ta một quãng xa. Những gì Yemen thể hiện trong 2 trận vừa qua trước Iran và Iraq cho người hâm mộ hy vọng về một chiến thắng.

Sự đồng cảm của người thuyền trưởng

Chỉ có vài trăm người Yemen có mặt tại Qatar ngày hôm đấy để cổ vũ "đội chủ nhà" trong chiến tích lịch sử khi Abdulwasea Al Matari lập cú đúp để đánh bại Nepal, qua đó giúp Yemen có lần đầu tiên tham dự VCK Asian Cup.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Abraham Mebratu - HLV lúc đó của Yemen từ chức chỉ sau 3 tháng làm việc. Ông thầy người Ethiopia than phiền về những khó khăn tài chính và nhanh chóng rút lui sau khi tìm thấy cơ hội dẫn dắt ĐTQG quê hương.

Đúng vào lúc tuyệt vọng nhất, bóng đá Yemen tìm ra Jan Kocian. Trước đây, Kocian cũng từng là một cầu thủ. Ông chơi trận cuối cùng trong tổng số 26 trận cho ĐTQG chỉ vài tháng trước khi Tiệp Khắc giải thể. Với người đàn ông có khuôn mặt từng trải này, chiến tranh, bom đạn, khói lửa là một cái gì đó quen thuộc.

Kocian có quá nhiều lý do để không đồng ý công việc này - thứ mà theo ông, là "công việc khó khăn nhất thế giới". Nếu đặt lên bàn cân, thì chỉ 1 phần lợi và 99 phần hại. Nhưng dường như có sự đồng cảm nơi những người cùng khổ, Kocian hiểu tâm trạng phải ly tán vì bạo lực, xung đột là như thế nào. Ông tin mình có thể giúp đỡ các cầu thủ, những người đã chịu quá nhiều tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn.

Kocian chuẩn bị cho Asian Cup 2019 cùng các học trò ở Saudi Arabia. Chỉ sau vài lần tiếp xúc, chiến lược gia 60 tuổi đã nhận thấy những nét tích cực nơi các cầu thủ. Họ kiên trì và chỉ tập trung vào bóng đá, cố gắng hạn chế tối đa nói về những vấn đề ở quê nhà và cũng không hỏi Kocian về sự sụp đổ của Tiệp Khắc.

“Giấc mơ của các cầu thủ là kiếm được hợp đồng chuyên nghiệp ở nước ngoài”, Kocian hiểu rằng chẳng một tuyển trạch viên nào đến vùng chiến sự để tìm nhân tài, do đó các cầu thủ của ông phải thể hiện hết khả năng, thậm chí là với gấp đôi nỗ lực trên sân khấu bóng đá lớn nhất châu Á để thu hút sự chú ý.

Đó là lý do Việt Nam không thể chủ quan trước đối thủ khó lường này. Nhà báo thể thao nổi tiếng của khu vực Tây Á Omar Al Masri nhận định: “Yemen sẽ không vội vàng mà chủ động chơi chậm để chờ đợi những cơ hội phản công. Họ ở đó để chứng tỏ bản thân mình và nếu có thể vượt qua Việt Nam thì thật tuyệt vời”.

Kocian còn thể hiện tham vọng lớn hơn: “Chúng tôi biết mình không phải đội mạnh ở bảng đấu. Nhưng trong bóng đá, một quốc gia nhỏ bé vẫn có thể mơ về một chiến thắng lớn. Yemen đã sẵn sàng, thậm chí còn cho cả Vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào tháng 3 tới”. Trước một Yemen đầy tham vọng như vậy, các chàng trai áo đỏ của chúng ta cần phải chơi hết khả năng như những gì đã thể hiện trước Iraq và Iran.

Khả năng nào Việt Nam đi tiếp?

Ở bảng D, Iran và Iraq đã dắt tay nhau đi tiếp. Như vậy, Việt Nam và Yemen buộc phải chiến đấu với nhau để giành vị trí thứ ba ở bảng này. Theo điều lệ thì ngoài 2 đội nhất nhì mỗi bảng, 4/6 đội đứng thứ ba sẽ giành quyền đi tiếp.

Đến thời điểm này, Việt Nam tạm thời bị đánh bật khỏi top 4 của cuộc chiến tranh suất vé vớt ấy. Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như lịch thi đấu ở lượt cuối, khả năng các đội bóng ở bảng A, C và F có ít nhất 3 điểm cùng với hiệu số bàn thắng tốt hơn để giành quyền đi tiếp là rất lớn. Như vậy, vé còn lại cho đội đứng thứ ba nhiều khả năng là cuộc cạnh tranh giữa bảng D, B và E.

Hiện tại, Việt Nam có 0 điểm cùng với hiệu số bàn thắng bại là -3. Thế nên, điều kiện đầu tiên được đặt ra cho thầy trò ông Park Hang-seo là phải giành chiến thắng đậm để so sánh với các đối thủ. Sau 2 lượt trận, hai đội xếp thứ 3 và 4 ở bảng B là Syria và Palestine mới có 1 điểm.

Ở lượt cuối, cả 2 đều phải gặp 2 đối thủ trên cơ là Jordan và Australia. Lebanon và CHDCND Triều Tiên của bảng E cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tóm lại, nếu Việt Nam thắng Yemen với cách biệt 3 bàn trở lên thì cửa vào vòng đấu loại trực tiếp sẽ rộng mở.
Hà My

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文