Bản quyền World Cup 2022 và bài toán chặn kênh “xem lậu”
Dù chưa có đơn vị nào ở Việt Nam công bố sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 nhưng bài toán làm thế nào để ngăn chặn các website xem bóng đá lậu đang được đặt ra. Bởi không chỉ World Cup mà nhiều giải đấu khác đều đang đối diện với thực trạng này.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã công bố 48 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật tính đến hết quý III/2022, trong đó có nhiều web cờ bạc, cá độ, xem bóng đá lậu.
Thực hiện quy định tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật (cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng…) để người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo lưu ý không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử này.
Bên cạnh các website liên quan đến cờ bạc, cá độ còn có nhiều website phát sóng trái phép, vi phạm bản quyền các chương trình thể thao, đặc biệt là bóng đá, như xoilac; 91phut; vebo… Những website này thường xuyên được người dùng tìm đến thay vì sử dụng các dịch vụ xem nội dung được cấp bản quyền chính thức.
World Cup 2022 sẽ khai mạc vào ngày 20/11 tới tại Qatar. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đơn vị nào ở Việt Nam chính thức công bố sở hữu bản quyền giải đấu. Tuy nhiên, những thông tin từ báo chí gần đây đã râm ran về việc một đơn vị ở Việt Nam đã có bản quyền, chỉ chờ công bố. Trước đó, thông tin bản quyền World Cup 2022 được chào bán với mức giá 15 triệu USD (khoảng 350 tỉ đồng) đã gây ra nhiều tranh cãi. Bởi đó là mức giá cao và nhiều chuyên gia đặt vấn đề: có nên mua bản quyền bằng mọi giá? Và các đơn vị truyền hình ở Việt Nam vốn không nghiêng nhiều về phương án cùng bắt tay nhau để mua chung gói bản quyền này.
Trước đó, tại World Cup 2018, Việt Nam cũng là quốc gia cuối cùng sở hữu bản quyền truyền hình giải đấu. Nhờ có sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, VTV đã sở hữu gói bản quyền World Cup 2018 và phát trên kênh quảng bá phục vụ khán giả. Đến 2022 tiếp tục là năm mà bản quyền truyền hình World Cup vẫn là chủ đề “nóng” khi mức giá cao và VTV cũng chưa thể sớm sở hữu bản quyền truyền hình như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Khi khán giả đợi ngày bản quyền truyền hình World Cup 2022 được công bố ở Việt Nam, tất cả lại trăn trở với câu chuyện làm thế nào để ngăn chặn các kênh “xem lậu”? Như số liệu Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử công bố, các kênh đó liệu có thể bị xử lý?
Theo quan điểm của BLV Quang Tùng, con số 15 triệu USD đôi khi bao gồm cả chi phí về việc một đơn vị khai thác bản quyền nhưng không thể bảo hộ bản quyền. Đó là điều mà thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đã từng vấp phải.
Có nghĩa là khi chúng ta mua với giá vừa phải (không trọn gói) thì phải chịu những điều kiện nghiêm ngặt về mặt bảo hộ bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có thể bị phạt nếu như không bảo hộ được bản quyền đó. Thế nên, việc chúng ta mua bản quyền với giá đắt hơn sẽ giảm thiểu độ rủi ro của những tình huống bị phạt. Đây là góc độ an toàn cho những nhà cung cấp và khai thác.
Trong thời gian qua đang phổ biến tình trạng kênh lậu khai thác trái phép bản quyền có giá trị cao. Tới đây, các cơ quan chức năng sẽ phải làm việc nhiều hơn, các bộ phận liên quan cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể hơn để ngăn chặn việc khai thác lậu bản quyền có giá trị.
Nhưng trước tiên, với tư cách là những người yêu bóng đá, hướng tới sự văn minh để thưởng thức những màn trình diễn tiêu chuẩn cao của bóng đá thế giới cũng như các sản phẩm chất lượng tại World Cup, chúng ta cần nói không với bản quyền lậu.
Thực tế, vấn đề chính vẫn nằm ở câu chuyện ý thức từ khán giả. Từng có một bộ phận quan điểm, có hay không bản quyền World Cup không quan trọng, bởi thói quen “xem lậu” vẫn đang phổ biến ở nhiều giải đấu lớn trên thế giới. Trước khi bản quyền World Cup 2022 được công bố, đây vẫn là bài toán khó giải.
Tuyển bóng đá nữ Việt Nam xếp hạng 34 thế giới
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) vừa công bố bảng xếp hạng bóng đá nữ trong quý IV/2022. Theo đó, đội tuyển nữ Việt Nam khép lại năm 2022 với thứ hạng 34.
Năm 2022, tuyển nữ Việt Nam thi đấu đầy ấn tượng tại vòng chung kết Cúp bóng đá nữ châu Á 2022 tại Ấn Độ và xuất sắc giành vé tham dự World Cup 2023 (dự kiến diễn ra tại Australia và New Zealand vào tháng 8 năm sau). Ngoài ra, thầy trò HLV Mai Đức Chung tiếp tục bảo vệ thành công huy chương Vàng tại SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Việc không có được thành tích tốt ở giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á 2022 sẽ là một kinh nghiệm quý báu để đội tuyển nữ Việt Nam tiếp tục trẻ hóa lực lượng với những nhân tố mới và có sự thay đổi mạnh mẽ hướng tới các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023: VL Olympic (tháng 4), SEA Games 32 (tháng 5) và World Cup 2023 (tháng 8). Dự kiến, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ tập trung trở lại vào tháng 3/2023 để tiếp tục chuẩn bị cho những mục tiêu mới này.
Ở đấu trường châu lục, đội tuyển nữ Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ sáu. Top 10 châu Á trên BXH quý IV cũng tiếp tục chứng kiến sự ổn định của đội tuyển nữ CHDCND Triều Tiên (thứ hạng 10) ở vị trí số 1. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Nhật Bản (thứ hạng 11), Australia (thứ hạng 13, giảm 1 bậc), Trung Quốc (thứ hạng 16, giảm 1 bậc), Hàn Quốc (thứ hạng 17, tăng 1 bậc), Việt Nam (thứ hạng 34, giảm 1 bậc), Đài Bắc Trung Hoa (thứ hạng 40, giảm 2 bậc), Thái Lan (thứ hạng 41), Uzbekistan (thứ hạng 47) và Myanmar (thứ hạng 48).
Ở top 10 đội mạnh nhất trên BXH FIFA quý IV/2022, ngoài việc tuyển nữ Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí số 1, thế giới tiếp tục chứng kiến sự bứt phá trở lại ngoạn mục của đội tuyển nữ Thụy Điển về vị trí thứ 2, đẩy Đức xuống vị trí thứ 3. Đội tuyển nữ Anh và Đức tiếp tục giữ vững vị trí thứ 4 và 5 trong khi đội tuyển nữ Tây Ban Nha có sự bứt phá lên vị trí thứ 6, đẩy Canada, Hà Lan xuống vị trí 7,8. Hai vị trí 9 và 10 tiếp tục thuộc về đội tuyển nữ Brazil và CHDCND Triều Tiên.
H.H