Bóng bàn “khát” thi đấu quốc tế
Gần đây nhất, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã không đăng ký tham dự Giải vô địch bóng bàn thế giới, sẽ diễn ra tại Thành Đô (Trung Quốc) vào cuối tháng này vì lý do dịch bệnh, kinh phí. Như thế, bóng bàn Việt Nam lại lỡ cơ hội thi đấu quốc tế. Và như thế, cơn khát thi đấu quốc tế của bóng bàn Việt Nam vẫn chưa dứt.
Đội lớn, đội trẻ đều ít thi đấu
Trong chia sẻ gần đây, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đồng thời là phụ trách môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) Phan Anh Tuấn cho hay rằng, đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ không tham dự giải bóng bàn vô địch thế giới tại Trung Quốc, tổ chức các nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ. Đây là điều đáng tiếc vì khi dự tranh các nội dung đồng đội thì các tay vợt có nhiều cơ hội cọ xát hơn hẳn so với khi thi đấu nội dung đơn.
Tuy vậy, lúc này diễn biến về dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc vẫn phức tạp nên thủ tục để cử VĐV tới thi đấu tại giải cũng phải qua nhiều khâu, có thể dẫn đến không kịp tham gia thi đấu. Ngoài ra, kinh phí thi đấu quốc tế của Liên đoàn và bộ môn bóng bàn còn hạn hẹp nên bóng bàn Việt Nam không cử đội tham dự.
Cũng theo ông Phan Anh Tuấn, từ nay đến cuối năm 2022, đội tuyển sẽ không ra nước ngoài thi đấu. Nếu có thi đấu thì cũng chỉ là ở Giải Bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng tại TP Hồ Chí Minh. Vấn đề là đến lúc này chưa chắc giải đấu đã được tổ chức nên đội tuyển cũng chỉ ở chế độ “chờ”
Như vậy, trong cả năm 2022, ngoài SEA Games 31, đội tuyển bóng bàn Việt Nam chỉ dự thêm giải vô địch Đông Nam Á 2022 ở Thái Lan. Lẽ ra, đội tuyển bóng bàn thêm cơ hội thi đấu ASIAD 19-2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc), đồng thời được tính là Giải vô địch châu Á nhưng do dịch bệnh nên lịch thi đấu đã dời sang tháng 9/2023.
Đội lớn đã vậy, đội tuyển trẻ quốc gia lại còn thua sút hơn khi không dự giải quốc tế nào trong năm 2022. Cách đây ít tháng, đội tuyển trẻ quốc gia đã có cơ hội tham dự Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan. Tuy nhiên, như người trong cuộc giải thích là do dịch COVID-19 tại Thái Lan phức tạp, một số VĐV của đội tuyển trẻ chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine nên đội tuyển không thể tham dự. Tuy nhiên, việc không tham dự cũng còn liên quan đến quan điểm của đội tuyển khi mọi VĐV tham dự giải trẻ Đông Nam Á cần được tập trung tại đội tuyển trong toàn bộ thời gian được tập trung tập huấn để bảo đảm yêu cầu chuyên môn. Còn khi VĐV chỉ tập huấn tại địa phương thì sẽ rất khó được tham dự. Thực tế, số VĐV thuộc diện này lại khá đông.
Việc không dự giải trẻ Đông Nam Á cũng khiến đội tuyển mất cơ hội dự Giải vô địch bóng bàn trẻ, thiếu niên châu Á – 2022, diễn ra tại Lào vào đầu tháng 9 qua dành cho lứa tuổi U15 và U19. Bởi để được dự giải đấu trên, các đội và VĐV tại Đông Nam Á phải giành thứ hạng nhất định tại giải trẻ Đông Nam Á. Tại giải năm nay, ngoài nước chủ nhà Lào, khu vực Đông Nam Á còn có 3 nước được cử VĐV tham dự là Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Với thực lực của mình, các VĐV lứa tuổi U15 và U19 Việt Nam hoàn toàn có cơ hội giành suất tham dự Giải vô địch bóng bàn trẻ, thiếu niên châu Á. Đáng chú ý, giải đấu diễn ra tại Lào nên kinh phí tham dự sẽ không quá sức bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam.
Cách nào để hết “khát”?
Từ trước đến nay, những nhà quản lý, chuyên môn trong làng bóng bàn Việt Nam vẫn đau đáu về chuyện các tay vợt Việt Nam có ít cơ hội tập huấn, thi đấu quốc tế. Ai cũng biết đó là cách nhanh nhất để nâng cao trình độ nhưng khi các cơ hội thi đấu cứ trôi qua như câu chuyện trong năm 2022 này thì có thể hiểu được các tay vợt Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn lớn thế nào trong thời gian tới.
Rõ ràng, nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) cũng có hạn nên chỉ có thể đáp ứng yêu cầu thi đấu quốc tế một số giải đấu. Tuy nhiên, nếu có thể vẫn có thể chủ động phối hợp với các địa phương để đưa VĐV trọng điểm của bộ môn thi đấu các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng bàn thế giới, vốn được tổ chức liên tục trong năm.
Đây là điều khả thi khi một số địa phương vẫn có đủ nguồn lực kinh phí để đưa VĐV thi đấu ở nước ngoài. Vấn đề là phía bộ môn bóng bàn của Tổng cục TDTT chủ động tạo cơ chế, hỗ trợ tối đa thủ tục để các địa phương dễ dàng triển khai. Đó cũng là cách để đóng góp VĐV chất lượng cao cho đội tuyển quốc gia.
Còn ngay ở đội tuyển trẻ quốc gia, từng có việc HLV của đội huy động xã hội hóa để VĐV được tập huấn quốc tế dài ngày hơn. Điều này cũng cần được nhân rộng và phát huy nhất là trong bối cảnh đội tuyển có ít cơ hội thi đấu quốc tế nếu chỉ dựa vào kinh phí Nhà nước.
Ngoài ra, lúc này cũng cần tiếp tục phát huy vai trò của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam với những nhân sự mới nhiều hoài bão đưa bóng bàn Việt Nam cất cánh cao hơn. Trong đó, việc đầu tiên vẫn là hỗ trợ tối đa để VĐV tập huấn, thi đấu quốc tế như Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Xuân Vũ từng đề cập. Còn việc thi đấu quốc tế với mật độ hạn chế với đội tuyển quốc gia, với con số 0 như với đội tuyển trẻ quốc gia trong năm vừa qua thì khó nói đến chuyện nâng tầm cho bóng bàn Việt Nam.
Đợi đến năm sau
Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, phụ trách môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) Phan Anh Tuấn cho biết dự kiến vào năm sau, giải vô địch thế giới 2023 thi đấu các nội dung cá nhân tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) thì sẽ cử VĐV của đội tuyển quốc gia thi đấu tại giải nhằm tăng cường chuyên môn.
Minh Khuê