Chuyện bất ngờ sau tấm vé Olympic của Hoàng Thị Tình

08:30 29/07/2024

Là đại diện duy nhất của Judo Việt Nam tham dự Olympic Paris, Hoàng Thị Tình chỉ giành vé đến Thế vận hội ở những thời khắc cuối cùng. Đằng sau suất tham dự Olympic của Hoàng Thị Tình là thành công mang dấu ấn đậm nét từ tập thể, cũng như địa phương VĐV này đang đầu quân.

Đãi ngộ tốt, cống hiến lâu

Không lâu sau khi giành vé tham dự Olympic Paris, Hoàng Thị Tình chính thức đón sinh nhật tuổi 30. Cô nằm trong số rất ít VĐV thể thao Việt Nam có thể thi đấu đến độ tuổi hiện tại. Bởi, phần lớn các VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam đều sớm nghỉ thi đấu sau tuổi 23.

Trong số 16 VĐV đến Paris năm nay, một nửa trong số họ đã bước qua tuổi 25. Không ít gương mặt mới có lần đầu tiên tranh tài ở một kỳ Thế vận hội. Người nhiều tuổi nhất, VĐV Rowing Phạm Thị Huệ, đã bước sang tuổi 34. Câu chuyện gắn bó với thể thao của họ cũng có nhiều điểm tương đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến những VĐV như Hoàng Thị Tình, Phạm Thị Huệ vẫn thi đấu đỉnh cao ở tuổi trên dưới 30. Thứ nhất, bản thân họ muốn tiếp tục thi đấu. Thứ hai, đơn vị chủ quản sẵn lòng tạo điều kiện để họ tập luyện, tranh tài và gắn bó ngay cả khi không còn ở phong độ đỉnh cao.

Đằng sau 2 lý do kể trên là 2 nhân tố khác: Thành tích và thu nhập. Dưới góc nhìn của đơn vị chủ quản, họ chỉ tiếp tục giữ chân một VĐV nếu người đó vẫn đảm bảo thành tích ở mức nhất định. Ở chiều ngược lại, VĐV cần nhận được khoản thu nhập đủ tốt, để họ có thể yên tâm sống với nghề.

Trong câu chuyện của Hoàng Thị Tình, VĐV này gặp ít nhiều may mắn ngay từ điểm khởi đầu. Đơn vị chủ quản của cô là Thanh Hóa, nơi từ lâu được biết đến là "thành trì" thể thao thành tích cao. Ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Thanh Hóa đứng hạng 4 toàn đoàn. Địa phương này chỉ xếp sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quân đội.

Một HLV (xin được giấu tên) của đơn vị Thanh Hóa cho biết, họ rất tự hào vì địa phương mình luôn đảm bảo chế độ đãi ngộ rất tốt cho VĐV. Hoàng Thị Tình không phải gương mặt duy nhất vẫn có thể yên tâm thi đấu ở tuổi trên dưới 30. Anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, hay nhà vô địch SEA Games môn Boxing Trần Thị Linh là những người như thế.

Những VĐV đã đạt thành tích từ cấp độ SEA Games trở lên như Tình, Linh và anh em Lịch - Lan luôn được đảm bảo chế độ đãi ngộ tốt từ đơn vị chủ quản Thanh Hóa. Con số chính thức không được các bên tiết lộ, nhưng ở mức không dưới 14-15 triệu đồng mỗi tháng. So với thu nhập trung bình của một lao động Việt Nam, đây là con số khá cao.

Hoàng Thị Tình thi đấu bền bỉ nhờ được đãi ngộ tốt.

Nhẫn nại chờ vinh quang

Hoàng Thị Tình có thêm một may mắn khác, đó là cô được Thanh Hóa tạo điều kiện trong thời gian dài. Hạng cân Hoàng Thị Tình tranh tài ở Olympic Paris, trước đây vốn là nội dung sở trường của đàn chị Văn Ngọc Tú. Nhưng thay vì đặt nặng áp lực tranh ngôi vô địch với đàn chị, Thanh Hóa đã trao thêm thời gian để Hoàng Thị Tình chứng tỏ mình.

Sau nhiều năm, Hoàng Thị Tình đã dần trở thành võ sĩ số 1 Việt Nam ở hạng cân 48kg nữ. Nhưng đến sân chơi quốc tế, võ sĩ này chỉ có thể giành HCV SEA Games đầu tiên khi giải đấu được tổ chức tại Việt Nam. Nguyên nhân đằng sau thành công chậm trễ này đến từ một vài lý do khách quan, xuất phát từ đích ngắm của các nước chủ nhà tổ chức giải.

Đến trước kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam, chương trình thi đấu môn Judo không có hạng cân 48kg nữ. Thay vào đó, các quốc gia chủ nhà thường hạn chế các hạng cân của nữ, nơi họ không có lợi thế tranh huy chương. Ngoài ra, họ cũng nâng hạng cân nhỏ nhất của Judo nữ lên mức cao, khoảng 60-63kg để tăng khả năng có huy chương cho nước mình.

Việc đưa vào chương trình thi đấu những môn thi, cũng như nội dung ngoài Olympic đã khiến SEA Games phải nhận nhiều chỉ trích. Đây cũng là nguyên nhân khiến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á yêu cầu các thành viên phải đưa ra chương trình sát với Thế vận hội hơn trong tương lai. Vì thế, những VĐV như Hoàng Thị Tình sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Vào thời điểm giành HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, Hoàng Thị Tình đã bước sang tuổi 28. Cô bảo vệ thành công tấm huy chương này 1 năm tiếp theo tại Campuchia. Võ sĩ người Thanh Hóa kỷ niệm tuổi 30 bằng tấm vé Olympic, được xem như đỉnh cao sự nghiệp của cô.

Nỗ lực Hoàng Thị Tình thể hiện trong 15 năm ăn tập, thi đấu thể thao là điều không thể phủ nhận. Nhưng ở một góc độ nào đó, ta cũng cần ghi nhận đóng góp của đơn vị chủ quản Thanh Hóa, bộ môn Judo, cũng như đội tuyển quốc gia đã trở thành một phần trong thành công này. Đó cũng là điều kiện tiên quyết giúp một VĐV kéo dài sự nghiệp.

An Khánh

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文