Chuyện "chảy máu" nhân tài ở những "đầu tàu" thể thao thành tích cao
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, 2 đơn vị có truyền thống bậc nhất trong phát triển thể thao thành tích cao là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tiếp đón nhận những tin không vui về tình hình nhân sự, cùng những nguy cơ tiềm ẩn trong việc phát triển lên tầm cao mới trong tương lai.
Thua trong "cuộc chiến kim tiền"
Trong nhiều năm liền, TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương phát triển bóng đá nữ một cách bài bản nhất, thành công nhất. Họ đóng góp không dưới 30% số lượng tuyển thủ thường xuyên góp mặt tại đội tuyển, thậm chí đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Về mặt thành tích, CLB nữ TP Hồ Chí Minh đã vô địch quốc gia 12 lần, bao gồm 5 danh hiệu liên tiếp.
Thế độc tôn của bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh tưởng như sẽ "trường tồn", nếu không có sự xuất hiện của một đối trọng bất ngờ: CLB Thái Nguyên. Kể từ thời điểm có nhà tài trợ mới, Thái Nguyên không ngại che giấu ý định chiếm ngôi vị số 1 của bóng đá nữ Việt Nam bằng tiềm lực tài chính. TP Hồ Chí Minh chính là đội bóng được họ nhắm đến để "lấy người". Nếu tiếp tục gắn bó với địa phương, những cầu thủ TP Hồ Chí Minh nhận tổng thu nhập hàng tháng khoảng 15-17 triệu đồng.
Đây là con số "chấp nhận được" so với nhiều CLB khác, nhưng thật khó để các cầu thủ CLB TP Hồ Chí Minh cưỡng lại khi nhận được những đề nghị lớn hơn tới 3-4 lần. Đó chính là lý do khiến đội bóng này chảy máu nhân tài trong 2 năm qua. Đầu năm 2022, hậu vệ Mỹ Anh và tiền đạo Hoài Lương trở thành những cầu thủ đầu tiên rời TP Hồ Chí Minh để gia nhập Thái Nguyên. Họ không chỉ được nhận lương 30 triệu đồng/tháng, mà còn có tiền lót tay như những cầu thủ nam tại V.League. Đến tháng 1/2024, thủ môn Kim Thanh, hậu vệ Trần Thị Thu và tiền vệ Bích Thùy sẽ là những gương mặt tiếp theo ra đi.
Với bản CV của những tuyển thủ vừa tham dự World Cup, thật khó để biết chính xác 3 cầu thủ trên được đảm bảo thu nhập ở mức nào khi đầu quân cho đội bóng mới. Trên thực tế, họ đã quyết định dứt áo rời đội dù có thông tin, CLB TP Hồ Chí Minh sẽ tìm nhà tài trợ để đảm bảo cho họ mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng, gấp hơn 2 lần mức thu nhập cũ.
Xét trên góc độ cá nhân, 5 cầu thủ nói trên không sai khi quyết định rời đội. Họ đã đáo hạn hợp đồng với đội bóng chủ quản, đã cống hiến nhiều năm và có quyền tìm một phương án "bảo hiểm" ở tuổi 30. Tuy nhiên, cuộc chơi kim tiền tại sân chơi bóng đá nữ tiềm ẩn không ít nguy cơ phát triển mất cân bằng, nơi một số đội bóng chỉ "ăn ngọn" thay vì "nuôi gốc".
Sau khi đã hoàn thành giấc mơ World Cup, bóng đá nữ Việt Nam đứng trước áp lực phải duy trì thành tích này. Để làm được điều đó, VFF cần có những địa phương cạnh tranh phát triển, thay vì tập trung một vài gương mặt sáng giá nhất để ăn tập cùng nhau hàng năm. Nhưng trong dài hạn, viễn cảnh này sẽ không thể thành sự thật khi những địa phương như TP Hồ Chí Minh có nguy cơ mất trắng tài năng họ mất nhiều năm đào tạo.
Những mất mát không lường trước
Đội tuyển thể thao được nhắc đến nhiều hơn cả trong tháng đầu tiên của năm 2024 là đội thể dục dụng cụ Hà Nội, bao gồm cả những VĐV và HLV đang làm nhiệm vụ tại đội tuyển quốc gia. Sau nhiều ngày hé lộ mặt tối tại nơi mình từng tập luyện, VĐV Phạm Như Phương kiên quyết giữ quyết định nghỉ thi đấu, dù được Cục TDTT gợi ý tiếp tục cống hiến. Thể thao Việt Nam, cũng như Hà Nội đã mất những gì sau câu chuyện của Như Phương. Ở một góc độ nào đó, Hà Nội đã mất một VĐV giỏi, có thể giúp họ đảm bảo không dưới 2 tấm HCV tại các giải vô địch quốc gia. Xét trong những năm tiếp theo, Thủ đô còn mất nhiều hơn thế, trong một môn thể thao mất rất nhiều thời gian hình thành, phát triển như TDDC.
Tại kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 vừa qua, môn TDDC chỉ có 5 đơn vị tham gia tranh tài: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội, Hải Phòng và Cần Thơ. Hơn 2 thập niên đã trôi qua kể từ khi "búp bê" Ngân Thương gây tiếng vang nhờ tấm HCV SEA Games, TDDC vẫn chưa thể phát triển sâu rộng tại nhiều địa phương khác. Lý do bởi đây là môn thể thao rất khó làm.
Vận động viên TDDC được phát hiện, rèn luyện từ khi mới 5-7 tuổi, trong khi các môn thể thao khác là 10-12 tuổi. Các em phải tập với cường độ nặng, cùng nguy cơ gặp chấn thương có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Câu chuyện của VĐV trẻ Nguyễn Minh Triết vừa qua là minh chứng rõ nhất cho thấy mối nguy hiểm tiềm tàng một VĐV TDDC phải đối mặt hàng ngày.
Câu chuyện của Như Phương có thể khiến một địa phương, một đội tuyển thể thao tổn thương đến mức không thể trở lại như trước. Đó cũng là điều TDDC nữ Việt Nam phải đối mặt trong những năm gần đây, kể từ ngày Phan Thị Hà Thanh giải nghệ. Trong 3 kỳ SEA Games gần nhất, TDDC nữ Việt Nam không giành được huy chương vàng nào cả. Từ sự cố mang tên Như Phương, thể thao Hà Nội, cũng như bản thân bộ môn TDDC đã nhận một bài học lớn. Ở đó, những khoản thu chi của đội cần được tiến hành theo một quy trình khách quan, minh bạch. Đây là cách khiến cho không một cá nhân nào có thể phàn nàn, mỗi khi có xung đột về mặt tài chính.
Góc khuất "chuyển nhượng" VĐV thể thao thành tích cao
Tại Việt Nam, hiện tượng VĐV thành tích cao chuyển đơn vị thi đấu không phải điều quá hiếm gặp. Tuy nhiên, quy trình để một VĐV được phép "chuyển nhượng" không dễ dàng chút nào. Giống như câu chuyện Như Phương xin nghỉ phép để xuất ngoại thăm người thân, VĐV không thể dứt áo ra đi chỉ với một lá đơn xin rời đội được viết tay có kèm chữ ký. "VĐV muốn nghỉ thi đấu cần có 2 văn bản. Thứ nhất là đơn xin nghỉ tập tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, có chữ ký của VĐV. Thứ hai là Quyết định đồng ý cho VĐV nghỉ tập, có chữ ký và con dấu của Giám đốc Trung tâm. Nhưng 2 văn bản đó chỉ là giấy tờ cần thiết để “thanh lý” VĐV khỏi trung tâm, chứ không cho phép họ sang đơn vị khác", một HLV tiết lộ. Thông thường, trong đơn xin nghỉ tập, VĐV sẽ phải cam kết không thi đấu cho bất kỳ một đơn vị nào trong 1-3 năm. Trong trường hợp muốn sớm đầu quân cho đơn vị khác, lãnh đạo ngành thể thao của bến đỗ mới sẽ phải trực tiếp ngồi làm việc cùng đơn vị cũ để thuyết phục, đồng thời tạo điều kiện cho VĐV.