Chuyện đằng sau một tấm vé Olympic
Vận động viên Boxing Võ Thị Kim Ánh đã trở thành gương mặt thứ 5 của thể thao Việt Nam trực tiếp có vé tham dự Olympic Paris. Hành trình đến Thế vận hội của Kim Ánh và Ban huấn luyện đội tuyển Boxing Việt Nam cũng chứa không ít chuyện ly kỳ, nơi họ vượt qua rất nhiều khó khăn trong im lặng.
Thành công trong im lặng
Ngày 29/2, đội tuyển Boxing Việt Nam chính thức lên đường đến Italia tham dự vòng loại Olympic. Họ lặng lẽ bước vào khu vực nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài. Toàn đội gần như không có một tấm ảnh, một bài viết nào được cập nhật trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhiều người trong cuộc cũng cảm thấy bất ngờ khi tuyển Boxing Việt Nam đến Italia quá sát ngày thi đấu. Hà Thị Linh và Nguyễn Thị Tâm có mặt ở châu Âu vào ngày 1/3, và họ thi đấu trận đầu tiên trong ngày 3/3. Nguyễn Thị Tâm thậm chí còn bị đổi lịch đấu sớm hơn 2 ngày so với thông báo ban đầu.
Có hai lý do khiến đội tuyển Boxing Việt Nam không thể đến Italia chuẩn bị sớm hơn như nhiều quốc gia khác. Thứ nhất, vào thời điểm đăng ký tham dự, đội tuyển vẫn chưa chắc chắn về khả năng xin được visa đến châu Âu. Thứ hai, sau chấn thương của Nguyễn Thị Tâm, nhiều chuyên gia vội vã nhận định Boxing không còn nhiều cơ hội giành vé Olympic.
Niềm tin vào hành trình Olympic của đội tuyển Boxing Việt Nam vốn không cao, nay càng thấp đi sau những trận thua liên tiếp. Vào thời điểm Kim Ánh thắng trận đầu tiên, không khí vẫn vô cùng im ắng. Chỉ đến khi Kim Ánh thắng trận thứ 2 và cách Olympic đúng 1 trận nữa, những dòng tin mới hiện lên.
Phải đến khi Kim Ánh chính thức có vé đến Paris, HLV trưởng đội tuyển Boxing Việt Nam, ông Nguyễn Như Cường mới tiết lộ một chuyện dở khóc dở cười với truyền thông. Vào ngày Kim Ánh đấu trận thứ 2, xe bus chở đội tuyển từ khách sạn đến nhà thi đấu (mất khoảng 50 phút đi xe) đã không xuất hiện.
Để Kim Ánh có thể đến nhà thi đấu kịp giờ, ban huấn luyện đội tuyển phải gọi taxi chở VĐV này và chuyên gia Thái Lan đi trước. Nếu những người tại thực địa không có sự linh động cần thiết, Kim Ánh có thể đã mất cơ hội đến Pháp với một lý do thực sự trớ trêu. Nhưng đó là điều đội tuyển Boxing Việt Nam đã quen, sau những biến động suốt thời gian qua.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Boxing là một trong những đội tuyển phải tập luyện liên tục. Họ cống hiến trong thầm lặng, gần như không có sự quan tâm của truyền thông và nhiều đơn vị khác. Mục tiêu cuối cùng của đội tuyển thật đơn giản nhưng ý nghĩa: Mang sứ mệnh giành vé Olympic. Bản thân Võ Thị Kim Ánh cũng là một trong những tấm gương lớn nhất cho hành trình bước ra ánh sáng. Tài năng được Kim Ánh thể hiện ở các giải đấu trong nước từ lâu, nhưng cô hiếm khi nào có dịp bước ra quốc tế. Ở lần hiếm hoi được trao cơ hội, cô nhanh chóng chớp lấy và khẳng định mình.
Ai đang đồng hành với Boxing Việt Nam?
Trong cuộc hội thảo bàn về phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam diễn ra cuối năm 2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng như Cục Thể dục thể thao đưa Boxing vào 1 trong 16 môn tập trung phát triển cho mục tiêu Olympic. Những lãnh đạo đầu ngành thể thao cũng nhấn mạnh: Ưu tiên phát triển Boxing nữ, và tập trung vận động viên tại Hà Nội.
Cơ sở để Hà Nội được tin tưởng trở thành "thủ đô" của Boxing xuất phát từ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đây là địa phương phát triển Boxing mạnh nhất cả nước, đặc biệt là Boxing nữ. Hà Nội cũng có dàn VĐV đông đảo ở mọi hạng cân, mọi lứa tuổi, với nhiều gương mặt đẳng cấp quốc tế. Võ Thị Kim Ánh là một VĐV giỏi của Việt Nam. Tuy nhiên, cô gái quê An Giang chỉ thực sự vươn tầm thế giới khi tập luyện tại Hà Nội, nơi có những VĐV hàng đầu cùng giáo án tập bài bản. Năm 2023, khi tập luyện cùng đội tuyển ở TP Hồ Chí Minh, Kim Ánh đã thua ở trận mở màn giải vô địch thế giới. Mức độ đầu tư của Hà Nội dành cho Boxing nữ cũng thực sự khác biệt khi so sánh với các đơn vị khác. Họ có nguồn tài chính, cũng như tầm ảnh hưởng và mối quan hệ đủ uy tín để mời ông Tawan Mungphingklang đến làm việc. Ông Tawan đã từ bỏ vị trí HLV trưởng đội tuyển Boxing Thái Lan để đến Việt Nam cầm găng dạy VĐV, một điều thật khó tin.
Ở vòng loại Olympic Paris, kinh phí để ông Tawan đến Italia cũng do Hà Nội chi trả, chứ không phải Cục Thể dục thể thao. Vượt qua những định kiến về tư duy cục bộ, Boxing nữ Hà Nội đã đưa chuyên gia xuất sắc nhất của họ lên phục vụ đội tuyển, nhằm mang về thành quả chung cho cả quốc gia.
Bên cạnh chuyên gia Tawan, một nhân vật khác cũng cần được nhắc đến khi Boxing Việt Nam có vé dự Olympic là ông Nguyễn Như Cường. Là Trưởng bộ môn Boxing nữ Hà Nội kiêm HLV trưởng đội tuyển Boxing nữ quốc gia, những gì ông Nguyễn Như Cường đóng góp cho thể thao thực sự khó đong đếm.
Ở chiều ngược lại, những ai đang đồng hành cùng đội tuyển Boxing Việt Nam suốt thời gian qua? Cục TDTT chỉ bắt đầu lên tiếng khi đội tuyển có thành quả ấn tượng. Đó cũng là tình cảnh tương tự ở Liên đoàn Boxing Việt Nam, khi họ gần như không cập nhật tin tức gì trong 2 tuần đội tuyển ở châu Âu. Kim Ánh cũng chỉ được treo thưởng 50 triệu đồng sau khi thắng 2 trận đầu tiên.
Trong nhiều năm, Liên đoàn Boxing Việt Nam từng lên tiếng về việc muốn có thêm quyền hạn trong việc quản lý đội tuyển quốc gia. Nhưng khi cờ đã đến tay, những gì cơ quan này thực hiện lại gần như bằng không. Đây là điều thực sự đáng lo ngại, trong bối cảnh Boxing cần hợp tác chặt chẽ giữa Liên đoàn, Bộ môn và Cục TDTT để hướng đến thành tích chung.
Taekwondo Việt Nam không còn cơ hội đến Olympic
Trong 2 ngày 15 và 16/3, vòng loại Olympic môn Taekwondo khu vực châu Á đã diễn ra tại Trung Quốc. Đây là kỳ vòng loại cuối cùng để các võ sĩ Việt Nam có cơ hội giành vé đến Thế vận hội. Tuy nhiên, cả 4 thành viên của đội tuyển Việt Nam đều không thể biến giấc mơ Olympic thành sự thật.
Gương mặt được kỳ vọng nhất của Taekwondo Việt Nam là Trương Thị Kim Tuyền đã nhận thất bại ngay trận vòng loại đầu tiên. Người lọt vào sâu nhất, nữ võ sĩ Bạc Thị Khiêm, để thua ngược trong trận tranh vé quyết định. Thêm một lần nữa, Taekwondo Việt Nam không có đại diện ở Olympic.
Sau khi Taekwondo Việt Nam trắng tay ở vòng loại Olympic, một số cán bộ trực thuộc Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã chia sẻ về nỗi bức xúc trên mạng xã hội. Tương tự câu chuyện ở môn Boxing, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam khẳng định thất bại này xuất phát từ việc bộ môn Taekwondo (Cục TDTT) không tạo cơ hội để đôi bên cùng hợp tác và phát triển.