Chuyện giữ sức của Thùy Linh và các VĐV cầu lông quốc tế

08:21 31/12/2023

Câu chuyện Thùy Linh không tham dự giải cầu lông Malaysia Mở rộng trong tháng 1/2024 là điều dễ hiểu. Tương tự tay vợt Việt Nam, nhiều VĐV hàng đầu cũng quyết định giữ sức để hướng đến năm mới, nơi họ phải thi đấu với lịch trình dày đặc.

Lớn và nhỏ

Trái với những thông tin ban đầu, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đã quyết định không đăng ký tham dự giải cầu lông Malaysia Mở rộng 2024. Đây là giải đấu có cấp độ cao nhất của cầu lông thế giới trong năm tới, cùng khoản tiền thưởng không nhỏ. Ngoài ra, Malaysia Mở rộng cũng đón nhận những VĐV hàng đầu góp mặt.

Việc Thùy Linh không tham dự Malaysia Mở rộng có thể gây bất ngờ với một số khán giả. Nhưng trong bối cạnh năm 2024 được xếp lịch thi đấu dày đặc, đồng thời diễn ra Olympic Paris, tay vợt Việt Nam cần có một lịch trình hợp lý. Điều đó càng quan trọng hơn khi Thùy Linh có mục tiêu lớn cần hướng đến.

Ở thời điểm hiện tại, Thùy Linh đang đứng thứ 21 thế giới, đồng thời xếp hạng 15 trong số những tay vợt tích điểm đến Olympic Paris. Đích ngắm của cô trong năm mới là vươn lên top 20 VĐV hàng đầu, đồng thời xếp hạng 14 trên BXH Olympic. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cô được xếp hạt giống tại giải.

Với mục tiêu ấy, Thùy Linh sẽ phải hướng đến một lịch trình thi đấu dày đặc trong 4 tháng đầu năm. Bảng xếp hạng các tay vợt đến Olympic Paris sẽ khép lại vào cuối tháng 4. Tính đến lúc đó, Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) tổ chức 11 giải đấu trong hệ thống World Tour. Tuy nhiên, không VĐV nào có thể dự cả 11 giải.

Một trong những điểm bất hợp lý của cầu lông thế giới hiện tại là tình trạng "no dồn đói góp" của các giải đấu quốc tế. BWF thường xếp lịch thi đấu dồn dập 3-4 giải trong khoảng 6 tuần, khiến các tay vợt gần như không có thời gian nghỉ. Ngoài quãng đấu tour này, họ lại tổ chức khá ít giải đấu có quy mô lớn.

Lịch thi đấu bất hợp lý của cầu lông thế giới là nguyên nhân khiến nhiều VĐV hàng đầu phàn nàn trong thời gian qua. Một trong số đó là Viktor Axelsen, tay vợt đơn nam số 1 thế giới hiện tại. Axelsen không ít lần lên mạng xã hội chỉ trích lịch thi đấu, đồng thời sẵn sàng nộp phạt để dành thêm thời gian nghỉ ngơi.

Số giải trong một năm của Axelsen dao động ở mức 12-14 giải đấu lớn. Điều này giúp cho tay vợt Đan Mạch có thể dồn sức vào những giải đấu lớn nhất, cùng với mức tiền thưởng hấp dẫn. Chiến thuật đó của Axelsen được nhiều tay vợt tham khảo, và Thùy Linh có thể cũng không phải ngoại lệ.

Trong số 11 giải đấu World Tour diễn ra ở 4 tháng đầu năm, Thùy Linh dự kiến chỉ tham dự 8 giải. Malaysia Mở rộng là một trong 3 giải cô tính đến khả năng không tham gia. Điều này giúp cho Thùy Linh có thể giữ sức để hướng đến việc tiến sâu tại 8 giải còn lại, qua đó tích lũy nhiều điểm hơn.

Thùy Linh sẵn sàng bỏ qua những giải đấu lớn để hướng đến kế hoạch tích điểm tốt nhất cho Olympic.

Hy sinh giải quốc nội

Tuần cuối cùng của năm 2023 chứng kiến một giải cầu lông hấp dẫn, dù không diễn ra trên quy mô quốc tế. Đó là giải cầu lông toàn Nhật Bản (All Japan), nơi quy tụ nhiều tay vợt hàng đầu tham dự. Đây cũng là sự kiện kiểm tra phong độ của nhiều VĐV Nhật Bản, trước khi đội tuyển quốc gia quyết định triệu tập họ.

Một trong những gương mặt đáng chú ý nhất tham dự giải cầu lông toàn Nhật Bản 2023 là Kento Momota. Tay vợt cựu số 1 thế giới đang có phong độ khá tốt sau khi nghỉ thi đấu để điều trị dứt điểm chấn thương. Momota đã chơi không tồi ở giải vô địch quốc gia, qua đó hướng đến một năm 2024 đầy thách thức.

Chiếu theo quy định của BWF, mỗi quốc gia chỉ được cử tối đa 2 tay vợt tham dự ở một nội dung thi đấu của môn cầu lông. Với nội dung đơn nam của Nhật Bản, một suất chắc chắn thuộc về Kodai Naraoka, người đang giữ vị trí số 2 thế giới. Suất còn lại được tranh chấp bởi Momota và nhiều tay vợt đàn em khác.

Vì lý do đó, giải cầu lông toàn Nhật Bản 2023 được xem như sân chơi kiểm chứng thực lực của Momota. Anh có còn ở phong độ đỉnh cao hay không, có xứng đáng được quan tâm nhiều hơn trong năm tới hay không? Tất cả đều phụ thuộc vào thành tích của tay vợt này khi chạm trán với những VĐV kém tuổi anh.

Tuy nhiên, không phải tay vợt nào cũng có suy nghĩ giống Momota. Một VĐV đàn em khác của anh ở đội tuyển Nhật Bản là Kenta Nishimoto đã quyết định rút lui khỏi giải đấu. Với Nishimoto, anh cảm thấy mình không phải dồn sức để tham dự một giải đấu mà anh không thể tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng.

Tương tự Nishimoto, nhiều tay vợt hàng đầu khác của Nhật Bản là Akane Yamaguchi (đơn nữ số 3 thế giới), Nami Matsuyama và Chiharu Shida (đôi nữ top 5 thế giới), Yuta Watanabe và Aris Higashino (đôi nam nữ số 1 Nhật Bản) đã rút lui khỏi giải đấu. Họ sẽ trở lại ở Malaysia Mở rộng.

Câu chuyện bỏ giải vô địch quốc gia của nhiều tay vợt Nhật Bản cho thấy một sự thật hiển nhiên. Giữa thành tích của địa phương (CLB họ đang đầu quân) và sứ mệnh quốc tế trên vai trò tuyển thủ quốc gia, họ phải ưu tiên cho vế sau. Tuy nhiên, các tay vợt Việt Nam lại chưa sẵn sàng làm điều đó, nếu như đơn vị chủ quản không bật đèn xanh cho họ.

Cầu lông Việt Nam cần có thêm những tay vợt để cạnh tranh với Thùy Linh, Tiến Minh, Đức Phát, Hải Đăng. Nhưng trong bối cảnh không tìm được người đồng hành để vươn ra quốc tế, những tay vợt Việt Nam đã phải chịu thách thức ngay từ khi bắt đầu.

Nhật Bản, Thái Lan và mô hình CLB trên tuyển quốc gia

Xứ sở mặt trời mọc là một trong những quốc gia có mô hình phát triển thể thao được xã hội hóa ở mức cao nhất. Cầu lông, giống như nhiều môn khác, được cấu thành bởi các câu lạc bộ do doanh nghiệp, hoặc nghiệp đoàn tài trợ. Các tay vợt được xem như nhân viên, thậm chí là tài sản quý giá của doanh nghiệp.

Khi Kento Momota bị cấm thi đấu 1 năm do những bê bối ngoài chuyên môn, anh được CLB chủ quản tạo điều kiện để duy trì tập luyện, cũng như trả lương đầy đủ. Điều này giúp tay vợt sinh năm 1994 thoát khỏi cảnh trầm cảm, đồng thời sớm trở lại với phong độ tốt nhất khi thoát án "treo vợt".

Thái Lan là một trong những quốc gia học theo Nhật Bản, khi họ thành lập những CLB cầu lông do doanh nghiệp, hoặc nghiệp đoàn vận hành. Những VĐV xuất sắc nhất, cũng như HLV của họ sẽ được gọi lên đội tuyển quốc gia. Trong trường hợp VĐV dự những giải đấu ngoài kế hoạch của đội tuyển, CLB sẽ cùng VĐV chia sẻ kinh phí.

An Khánh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文