Đằng sau câu chuyện của tuyển bóng bàn trẻ và thể dục dụng cụ quốc gia

08:11 22/01/2024

Chỉ trong vòng ít tháng, công chúng đã chứng kiến những câu chuyện thiếu tích cực về 2 đội tuyển thể thao quốc gia. Tranh cãi về tiền công, hay chế độ dành cho vận động viên, chỉ là bề nổi của những khoản chi lãng phí mà ngân sách nhà nước phải gánh chịu cho ngành thể thao.

Một góc khác của câu chuyện

Không phải những tuyển thủ bóng đá đang thi đấu tại Asian Cup, Phạm Như Phương mới là vận động viên Việt Nam được nhắc tên nhiều nhất trong những ngày qua. Từ một gương mặt không quá nổi bật của đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia, Như Phương liên tục xuất hiện trước truyền thông với những tranh cãi tại ĐTQG.

Những điều được Như Phương tiết lộ có thể được tóm tắt lại như sau. Thứ nhất, HLV có lỗi khiến cô bị loại khỏi đội tuyển quốc gia. Thứ hai là những khoản bất thường phải nộp cho HLV, bao gồm các loại quỹ đội, cũng như tiền thưởng phải chia. Thứ ba, tuyển TDDC quốc gia có hiện tượng khai khống ngày công để nhận tiền, dù không hề tập luyện.

Ở một góc độ nào đó, Như Phương đã hé lộ một phần mảng tối mà công chúng chưa hề biết về giới thể thao thành tích cao Việt Nam. Giống câu chuyện tại đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, những vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm. Chỉ khi truyền thông và dư luận vào cuộc, mọi chuyện mới được phơi bày.

Tuy nhiên, công chúng cũng cần được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, khách quan hơn về những câu chuyện vừa qua. Như Phương gần đây được ví như một tài năng lớn phải giải nghệ sớm vì phải chịu uất ức tại đội tuyển. Nhưng sự thực có đúng như vậy không, và liệu việc Như Phương nghỉ thi đấu có ảnh hướng đến ĐTQG?

Câu chuyện của Như Phương có nhiều điểm mâu thuẫn.

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta có thể nhìn vào thành tích của vận động viên tại đấu trường quốc tế trong 2 năm gần nhất. Năm 2022, tại SEA Games 31, Như Phương giành 2 HCB, 2 HCĐ. Đây là thành tích tốt, nhưng chưa thể ấn tượng bằng những đàn chị trong quá khứ như Ngân Thương, Hà Thanh.

Khả năng thực tế của Như Phương khi bước ra đấu trường quốc tế được thể hiện rõ tại ASIAD 19 vừa qua. Cô không thi đấu toàn bộ 4 nội dung toàn năng nữ, mà chỉ đăng ký 2 hạng mục cầu thăng bằng và biểu diễn trên sàn. Ở 2 hạng mục đó, điểm số của Như Phương đều đứng ngoài top 20. Trước đó, tại ASIAD 2018, Việt Nam có tới 2 VĐV nằm trong top 20 toàn năng nữ.

Nói cách khác, Như Phương không phải một tài năng xuất sắc của TDDC Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Việc cô không được triệu tập lên đội tuyển, một phần là bởi VĐV này đã xuất ngoại, không tham gia tập luyện trong thời gian dài. Đây là điều có thể khiến nhiều đồng nghiệp của Như Phương cảm thấy đồng tình.

"Trong khoảng thời gian nghỉ Tết Dương lịch, tôi dự định về thăm nhà trong 2-3 ngày. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho năm 2024, HLV nói tôi nên cân nhắc ở lại tập luyện thêm. Tôi đồng ý với điều đó, vì năm tới còn có vòng loại Olympic", một VĐV chia sẻ. Người này cũng cảm thấy kỳ lạ khi một tuyển thủ quốc gia lại dành nhiều ngày để nghỉ, khi các đồng đội vẫn đang tập luyện.

Sớm và muộn, nhỏ và lớn

Trên trang cá nhân của Như Phương, những người vào đọc có thể thấy bài viết cô "ghim" lên đầu trang được đăng 3 tháng trước. Ở đó, VĐV này gửi lời cảm ơn đến 2 HLV Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Hà Thanh, những người đã giúp đỡ, đồng hành cùng cô trong nhiều năm. Đây cũng là 2 HLV vừa bị đình chỉ công việc ở ĐTQG vì liên đới trách nhiệm xung quanh chuyện của Như Phương. Không chỉ có HLV đội TDDC Hà Nội, những HLV tại đội tuyển quốc gia cũng bị Như Phương nhắc tên sau đó. Bằng một cách nào đó, VĐV này đã nhớ được sai phạm của HLV từ 3 năm trước, khi người này đăng ký tập luyện trong ngày nghỉ cho VĐV. Đây là những ngày tập không có thật, bù lại, VĐV phải chuyển lại 50% tiền công cho huấn luyện viên.

Nếu Như Phương biết đây là những khoản thu chi có sai phạm, tại sao cô phải đợi đến 3 năm mới công bố trước công chúng? Tại sao một "đồng phạm" lại bỗng nhiên trở thành "nạn nhân" trong câu chuyện của chính mình? Liệu có đúng là VĐV lúc nào cũng phải chịu thiệt thòi trong những tranh cãi vừa qua?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta có thể nhìn lại câu chuyện về đội tuyển bóng bàn trẻ. Những VĐV kêu đói của đội tuyển bóng bàn trẻ trong thời gian qua, phần lớn đến từ một đơn vị không có thành tích đáng kể tại các giải bóng bàn quốc gia. Đâu là lý do khiến các VĐV không có thành tích và tiềm năng nổi bật nhưng vẫn được triệu tập lên đội tuyển, với thời gian tính bằng năm?

Khi được hỏi về việc này, nhiều HLV, VĐV thường né tránh trả lời trực tiếp. Tuy nhiên, họ đã hé lộ một chi tiết thú vị. Vào thời điểm hiện tại, nhiều đơn vị thể thao lớn thường tìm cách từ chối đưa VĐV của mình lên các đội tuyển trẻ quốc gia. Họ sẵn lòng để VĐV ở lại địa phương, dù chế độ có thể thấp hơn.

"Nếu VĐV tốt hơn khi lên tuyển, chúng tôi sẵn sàng nhả quân thay vì giữ quân như hiện tại. Nhưng trong nhiều năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều VĐV của mình thi đấu kém đi, thậm chí vướng phải nhiều vấn đề ngoài xã hội mỗi khi lên đội tuyển. Bản thân phụ huynh các em, khi biết tin, thậm chí còn muốn con em mình không theo nghiệp thể thao nữa", một HLV tâm sự.

Tuyển thủ trẻ quốc gia nhưng không thi đấu

Trong cuộc họp đầu tiên của Ban chấp hành Liên đoàn Boxing Việt Nam nhiệm kỳ 2, ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký đã hé lộ một thông tin kỳ lạ. Theo danh sách được Liên đoàn Boxing Việt Nam ghi nhận từ Cục Thể dục thể thao, trong năm 2023, có không dưới 3 VĐV được triệu tập lên đội tuyển Boxing trẻ quốc gia nhưng lại không hề thi đấu tại giải trẻ.

Hiện tượng VĐV "ảo" tại một số đội tuyển quốc gia, như môn Boxing, cho thấy một mối nguy tiềm ẩn trong việc lãng phí ngân sách nhà nước cho thể thao. Ở đó, những VĐV không có tiềm năng phát triển lại được triệu tập lên đội tuyển. Ở chiều ngược lại, những VĐV có tố chất, có tiềm năng lại không có điều kiện tập luyện, hay nhận chế độ bồi dưỡng như ý để nâng cao khả năng.

Vì lý do đó, vai trò của những đơn vị xã hội nghề nghiệp, như Liên đoàn thể thao quốc gia, là điều cần thiết. Họ cần có tiếng nói nhiều hơn trong công tác tham mưu, cố vấn cho Cục TDTT, cũng như bộ môn trong việc triệu tập thành viên đội tuyển quốc gia, để chọn ra những người xứng đáng nhất.

An Khánh

Công an huyện Lạng Giang (Bắc Giang) xác định, 7 người thợ xây sử dụng thang máy tự chế dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng đi từ tầng 4 xuống tầng 1, khi đi đến tầng 2 (cách mặt đất khoảng 3m) thì thang máy bị rơi tự do, dẫn đến cả 7 người bị thương.

Công an TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng Đào Văn Chinh, SN 1988, trú tại Tổ 2, khối 9, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc để điều tra làm rõ về các hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, khoảng đêm 18 và ngày 19/5, vùng hội tụ gió trên cao khả năng hoạt động mạnh trở lại. Và từ ngày 19-23/5, miền Bắc sẽ có mưa dông, có nơi mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngày 17/5, ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, trong đợt tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng mới đây của đơn vị, tại các tiểu khu 638S và 642 nằm trên địa bàn xã Hướng Sơn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, đã phát hiện nhiều loại bom đạn sót lại sau chiến tranh vẫn còn nguyên ngòi nổ.

Ngày 17/5, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ Dương Quốc Quân (SN 1997), Dương Triệu Phú (em ruột Quân, SN 2004, cùng ngụ huyện Lấp Vò) và Tiêu Thái Hưng (cậu vợ Quân, SN 1993, ngụ huyện Lai Vung) để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng Internet.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文