Đấu kiếm Việt Nam hụt bước với Olympic

07:25 09/05/2024

Hành trình tìm kiếm vé dự Olympic Paris 2024 của đội đấu kiếm Việt Nam đã dừng lại vào cuối tháng 4 vừa qua sau vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Không có tuyển thủ Việt Nam giành vé tham dự Olympic 2024 từ vòng tranh vé này đồng nghĩa đấu kiếm Việt Nam thêm một lần hụt bước, lỡ hẹn với đấu trường Olympic.

Từ giành nhiều vé nhất đến không có gì

8 năm trước, cũng vào tháng 4, ở sân bay quốc tế Nội Bài, các nhà quản lý của Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT), Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội hồ hởi có mặt để đón đoàn VĐV đấu kiếm trở về từ Trung Quốc sau vòng loại Olympic Rio 2016 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm đó, có 3 tuyển thủ Việt Nam đã vượt qua vòng loại để giành vé gồm Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa.

Trong số này, Nguyễn Thị Như Hoa trở thành bất ngờ lớn nhất khi bà mẹ 2 con, khi đó đã 32 tuổi, bất ngờ giành vé dự Olympic trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn. Đến thời điểm đó, việc có 3 tuyển thủ giành vé dự một kỳ Olympic cũng đã được xem là kỳ tích của đấu kiếm Việt Nam. Trước đó, đấu kiếm Việt Nam mới chỉ có một lần góp mặt ở Olympic là vào năm 2012 với tấm vé của Nguyễn Tiến Nhật.

Cũng sau vòng loại Olympic 2016 đó, đấu kiếm Việt Nam Nam nhận tiếp tin vui khi kiếm thủ Đỗ Thị Anh được trao vé tham dự. Như thế, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam có tới 4 kiếm thủ dự Olympic 2016 và đây cũng là đội tuyển của thể thao Việt Nam giành nhiều vé trực tiếp dự một kỳ Olympic nhất cho đến thời điểm đó. Và đến lúc này, cũng chưa đội tuyển nào, kể cả chính đội tuyển đấu kiếm Việt Nam lặp lại được kỳ tích trên. Với riêng thể thao Hà Nội, việc có tới 4 kiếm thủ giành vé dự một kỳ Olympic đương nhiên cũng là cột mốc quan trọng. Tất cả đến từ việc đầu tư mạnh tay và thực hiện thủ tục hành chính đi thi đấu nước ngoài thuận tiện, linh hoạt hơn so với giai đoạn sau này.

Bởi hành trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến niềm hy vọng số 1 Vũ Thành An đành bỏ lỡ quá nhiều giải đấu tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới. Điều này khiến Vũ Thành An không thể giành vé dự Olympic Tokyo 2020.

Cho đến trước vòng tranh vé dự Olympic 2024, các nhà quản lý đã xác định sẽ phải trông cả vào nguồn kinh phí được cấp cho bộ môn đấu kiếm của Cục TDTT cũng như các đơn vị chủ quản các VĐV. Tính toán là vậy nhưng thực tế lại khác. Nguồn kinh phí dành cho bộ môn đấu kiếm của Cục TDTT cũng chỉ đáp ứng nhu cầu thi đấu quốc tế ở một số giải quốc tế.

Còn các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh – 2 điểm sáng nhất của đấu kiếm Việt Nam sẽ chung tay. Tuy vậy, nếu đấu kiếm TP Hồ Chí Minh nhận được sự đầu tư khi những VĐV trọng điểm được cử đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài thì tình cảnh của đấu kiếm Hà Nội lại không như kỳ vọng của người trong cuộc. Thủ tục hành chính để VĐV đi thi đấu quốc tế bằng nguồn kinh phí địa phương vốn nhiều khâu bước, tốn thời gian đã khiến một số cuộc thi đấu quốc tế của VĐV đấu kiếm Hà Nội không thể diễn ra.

Trong khi người trong cuộc đều hiểu, nếu muốn tranh vé thông qua giành vị trí trên bảng xếp hạng thế giới thì phải thi đấu nhiều giải quốc tế. Việc này cũng phù hợp với xu thế chung của thể thao thế giới và cũng giúp VĐV có cảm giác thi đấu tốt nhất kể cả khi phải thi đấu ở vòng loại Olympic khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kinh phí cho bộ môn đấu kiếm của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội hoàn toàn có thể đáp ứng với 1-2 trường hợp cụ thể nhưng để có thể ra nước ngoài thi đấu lại luôn là vấn đề đau đầu với người làm chuyên môn.

Ngay như ở vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á- Thái Bình Dương vừa qua, bộ môn đấu kiếm Hà Nội cũng tính toán để 3 VĐV tham dự bằng nguồn kinh phí địa phương. Tuy nhiên, đến giờ chót, thủ tục hành chính để 3 VĐV này đi thi đấu cũng không kịp hoàn tất dẫn đến VĐV lỡ dở cơ hội thi đấu trong khi khoản lệ phí thi đấu đã nộp cho Ban tổ chức giải để bảo đảm điều kiện thi đấu cũng không biết phải thanh toán thế nào…

Cũng phải nói thêm, cho đến vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam hầu như không thi đấu quốc tế. Giải gần nhất cho đến trước vòng loại này chính là ASIAD 19 (tháng 10-2023). Với việc ít thi đấu quốc tế và chỉ tập luyện trong nước như vậy, việc đội tuyển đấu kiếm không giành vé dự Olympic là đương nhiên. Nếu việc không giành vé dự Olympic Tokyo 2020 còn có thể lý giải do dịch COVID-19 thì việc lỡ hẹn với Olympic 2024 không còn lý do để lý giải. Đơn giản là đầu tư như thế nào thì nhận lại kết quả như thế đó.

Kiếm thủ Vũ Thành An không thể có lần thứ hai tham dự Olympic.

Làm lại cách nào?

Thực tế, sau vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói trên, đấu kiếm Việt Nam cũng sẽ phải bắt tay vào những mục tiêu tương lai mà không có một số tay vợt nổi tiếng nhưng đã lớn tuổi, trong đó có Vũ Thành An, biểu tượng một thời của thể thao cũng như đấu kiếm Việt Nam.

Vấn đề giờ nằm ở cách tiếp cận của các nhà quản lý cũng như sự linh hoạt ở các đơn vị chủ quản. Bởi xét cho cùng, với đấu kiếm Việt Nam hiện nay, muốn đầu tư cho VĐV để họ có thể khẳng định được mình ở sân chơi quốc tế vẫn phải trông vào nguồn kinh phí từ Cục TDTT cũng như đơn vị chủ quản ở cấp địa phương của VĐV. Trong đó, vai trò của các đơn vị chủ quản VĐV thực sự quan trọng. Ngay như ở vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, kiếm thủ Nguyễn Phước Đến đã vào đến bán kết.

Dù không giành vé dự Olympic 2024 nhưng đây cũng là thành quả sau chuyến tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc của kiếm thủ này bằng nguồn kinh phí từ ngành thể thao TP Hồ Chí Minh. Còn các kỳ thủ khác của Hà Nội ở đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại trên lại không may mắn như vậy nên cũng không thể vào đến vòng bán kết như Phước Đến.

Thế nên, bên cạnh việc gây dựng nhiều hơn số đơn vị phát triển đấu kiếm hiện nay (mới có khoảng 8-10 đơn vị) thì việc đầu tư cho các VĐV trọng điểm bằng nguồn kinh phí từ Cục TDTT cũng như đơn vị chủ quản ở địa phương của VĐV thực sự quan trọng. Riêng ở cấp địa phương như Hà Nội, cũng cần bảo đảm để VĐV không lỡ cơ hội thi đấu vì lý do lãng xẹt là không kịp hoàn tất thủ tục dù ai cũng biết nhanh, chậm tùy người thực hiện, xử lý cũng như cần rút gọn khâu bước đến mức tối thiểu.

Xa hơn, phong trào tập luyện đấu kiếm đang phát triển mạnh, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là điều kiện tốt để sớm thành lập Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam. Từ đó, có thể huy động được nhiều hơn sự tham gia đầu tư cho đội tuyển quốc gia từ nguồn xã hội hóa. Rồi việc mời các gia đình cùng tham gia đầu tư cho con của mình thi đấu quốc tế cũng là điều cần được tính đến để có nhiều lựa chọn trong việc đầu tư cho VĐV. Đây là việc đã, đang được thực hiện tốt ở một số môn, trong đó có cờ vua và đáng để tham khảo.

Rõ ràng, sau một lần hụt bước cũng là cơ hội để có thể bước đi chắc chắn hơn. Vấn đề vẫn phụ thuộc vào các nhà quản lý để môn thể thao này không bị tụt hậu.

Đông Nam Á đã có 3 vé dự Olympic 2024 môn đấu kiếm

Tại vòng loại Olympic 2024 của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đấu kiếm khu vực Đông Nam Á giành được 2 vé chính thức dự, trong đó đội Philippines giành 1 vé ở nội dung kiếm liễu nữ, Singapore giành 1 vé nội dung kiếm ba cạnh nữ. Đến hiện tại, các nước ở Đông Nam Á đã có 3 vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 thuộc về Singapore (2 vé), Philippines (1 vé).

Minh Khuê

Minh Hà

Ngày 19/12, đoàn công tác Bộ Công an do đồng chí Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến tặng hoa, chúc mừng lễ Giáng sinh an lành, hạnh phúc, năm mới an khang, thịnh vượng các chức sắc, tín đồ Công giáo và Tin lành, nhân dịp Lễ Giáng sinh và đón chào năm mới 2025.

Chiều 19/12, đoàn công tác Báo CAND do Đại tá Trần Duy Hiển, Phó Tổng Biên tập dẫn đầu, đã đến thăm và chúc mừng Báo QĐND nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)…

Hồi 18h30 ngày 17/12, tại khu vực biên giới thuộc bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, Công an huyện Sông Mã chủ trì, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương phối hợp đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn.

Với 19/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, 16/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.

Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định và xác minh, làm rõ danh tính các nạn nhân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp các sở, ban, ngành TP tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy.

Mấy năm gần đây, đồ ăn vặt gắn mác "hàng Trung Quốc nội địa" tràn lan thị trường và thu hút người tiêu dùng bởi giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn đó là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, khi nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm này không được kiểm định chặt chẽ.

Các tổ công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại châu Phi dù có số lượng chưa lớn, lại tác chiến phân tán tại các địa bàn nhưng luôn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Họ tăng cường công tác truyền thông, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình.

Sau nhiều nỗ lực tích cực xuyên suốt ngày đêm thu dọn hiện trường sạt lở trên đèo Khánh Lê, đến 2h30' sáng nay 19/12, vị trí sạt lở cuối cùng tại lý trình km 43+200 đến km 43+500 trên tuyến quốc lộ 27C kết nối Nha Trang - Đà Lạt đã chính thức thông xe một làn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文