Để tránh chuyện đáng tiếc vì doping

06:22 14/03/2024

Khi những trường hợp dính chất cấm (doping) tại SEA Games 31 năm 2022 vừa kết thúc án phạt thì thể thao Việt Nam lại đón nhận án phạt khác liên quan đến việc sử dụng thuốc liên quan đến doping ở môn thể dục Aerobic. Dù lần này chỉ là một trường hợp nhưng cũng đủ để thấy việc phòng, chống doping không hề đơn giản, luôn cần được chú trọng để tránh chuyện đáng tiếc…

Vô tình cũng phải chịu phạt

Câu chuyện VĐV Trần Hà Vi của đội tuyển Aerobic có mẫu thử dương tính với doping khi tham dự giải Aerobic vô địch châu Á 2023 ở Mông Cổ (từ ngày 15 tới 17/9/2023) đã được người trong nghề biết tới từ sau giải đấu, khi kết quả mẫu thử doping với VĐV này được thông báo. Đáng chú ý, tại giải đấu này, Trần Hà Vi đã giành HCV cá nhân, cũng là một trong những tấm HCV danh giá của giải. Người có trách nhiệm cũng không muốn câu chuyện trở nên ồn ào nên đã giữ bí mật đến mức tối đa. Và chỉ khi Liên đoàn Thể dục thế giới công bố án phạt sau các lần giải trình của VĐV thì mọi người mới biết tới nhiều hơn.

Theo lý giải của người trong cuộc, lý do dẫn đến việc Trần Hà Vi có mẫu thử dương tính với doping là do sử dụng thuốc điều trị về vấn đề sức khỏe nhưng không kiểm tra kỹ thành phần. Ở đây có thể hiểu là VĐV không cố ý sử dụng doping để gia tăng thành tích. Dù vậy, VĐV không báo cáo Ban huấn luyện nên dẫn đến cơ sự. Có lẽ cũng vì vậy nên sau khi xem xét giải trình của Trần Hà Vi với Tổ chức phòng, chống doping quốc tế (WADA) nên mức phạt mới là cấm thi đấu 24 tháng, tới hết ngày 15/11/2025. Đây là mức phạt được đánh giá là vừa phải với một trường hợp sử dụng doping. Bởi nếu xác định VĐV cố ý sử dụng để tăng thành tích thì án phạt sẽ nặng hơn nhiều, trong đó nặng nhất là cấm thi đấu vĩnh viễn.

Một buổi truyền thông về phòng, chống doping cho vận động viên.

Tất nhiên, khi án phạt đã được công bố thì những người xung quanh cũng không cố đi tìm hiểu VĐV đã sử dụng loại thuốc gì, để chữa bệnh hay giảm cân nhằm thanh thoát hơn trong khi thi đấu. Vấn đề ở đây chỉ là việc sử dụng thuốc nhưng không báo cáo Ban huấn luyện. Đây cũng là điều tối kỵ với một VĐV chuyên nghiệp. Trong khi điều này đã được nhắc đi nhắc lại trong các buổi truyền thông về phòng, chống doping ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hay một số địa phương trong thời gian qua.

Việc này cũng có nét giống với trường hợp 5 VĐV đội tuyển điền kinh quốc gia dương tính với doping tại SEA Games 31 dẫn đến bị tước huy chương và cấm thi đấu từ 16 - 18 tháng (đến cuối tháng 11 vừa qua, cả 5 VĐV đều hết hạn bị cấm thi đấu). Trong giải trình với Cơ quan Phòng, chống doping quốc tế (WADA), các VĐV nói rằng đã tự ý sử dụng một loại thực phẩm chức năng trên thị trường để giúp hồi phục, đủ dinh dưỡng trong quá trình tập luyện. Loại thực phẩm chức năng này không thuộc danh mục thực phẩm được các cơ quan y tế ở đất nước sản xuất xác nhận đủ điều kiện sử dụng với VĐV thể thao. Điều này dẫn đến mẫu thử của các VĐV trên dương tính với dop ing. Người trong nghề cũng thông cảm với nhóm VĐV trên khi đều tin rằng họ không cần sử dụng doping cũng đủ giành huy chương tại SEA Games 31. Thế nên, nhóm VĐV mới chỉ bị cấm thi đấu không vượt mốc thời gian 2 năm.

Và trong làng thể thao Việt Nam, cũng có không ít trường hợp khác dương tính với doping cũng chỉ vì tự ý sử dụng thuốc chữa bệnh cũng như thực phẩm chức năng.

Bắt đầu từ ý thức của VĐV

Trong nhiều buổi truyền thông về phòng, chống doping trong thể thao ở Việt Nam thời gian qua, thông điệp được các chuyên gia đưa ra vẫn là luôn cần sự nhận thức, tự giác của VĐV trong sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng cũng như khai báo về việc có sử dụng thuốc chữa bệnh hay không, nếu có là loại gì khi làm thủ tục xét nghiệm doping. Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, từng là thành viên Đoàn thể thao Việt Nam ở ASIAD năm 2010 kể rằng, ở kỳ ASIAD đó từng có một VĐV đội tuyển cờ vua phải đi xét nghiệm doping. VĐV đó lại sử dụng thuốc liên quan đến bệnh mạn tính nên khả năng bị xác định là sử dụng doping rất cao. Đã có không ít lo lắng trong Đoàn khi VĐV trên phải đi thử doping nhưng khi bác sĩ trong Đoàn đã nắm bắt thông tin và báo với bộ phận y tế thì việc này được chấp nhận.

Thực tế, trong làng thể thao Việt Nam hiện nay, nhận thức của nhiều VĐV đối với doping cũng đã nâng lên đáng kể. Cũng vẫn từ câu chuyện của bác sĩ Phạm Mạnh Hùng thì nhiều VĐV wushu Hà Nội tham gia đội tuyển quốc gia trước mỗi giải quốc tế đều hỏi ông về các loại thuốc để chữa bệnh, thuốc bổ mà họ định sử dụng để tránh nguy cơ dương tính với doping. “Họ biết rằng ở giải đấu đó sẽ có nhiều cơ hội giành huy chương nên cần chắc chắn là không dính dáng đến doping để bảo đảm có thể giữ tấm huy chương bên mình khi đạt được thay vì đạt rồi lại bị tước vì dương tính với doping. Mà đi kèm doping thường là tiền thưởng và các chế độ đãi ngộ khác. Thực sự mừng vì đã có nhiều VĐV như vậy”, bác sĩ Phạm Mạnh Hùng nói.

Tuy nhiên, từ trường hợp VĐV đội tuyển Aerobic vừa nhận án phạt vì dương tính với doping cũng đủ cho thấy còn nhiều vấn đề phải xử lý liên tục trong phòng, chống doping ở làng thể thao Việt Nam cho dù lãnh đạo ngành Thể thao khẳng định rằng thể thao Việt Nam luôn nói không và không bao giờ có chủ trương trong việc sử dụng chất bị cấm. Không kể, ngành Thể thao luôn đề cao công tác giáo dục tư tưởng, sự kiểm tra sát sao với các đội tuyển quốc gia trong phòng, chống doping.

Ngay trong năm 2024 này, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam cũng sẽ tổ chức các lớp truyền thông, phòng, chống doping tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; lấy 28 mẫu xét nghiệm doping tại một số giải vô địch quốc gia… Tuy nhiên, xem ra từng ấy vẫn chưa đủ vì phải lấy nhiều hơn mẫu thử doping, có thể gấp 3-4 lần so với mức 28 mẫu ở nhiều giải vô địch quốc gia thì mới tác động nhiều vào ý thức của VĐV bên cạnh việc trông chờ vào sự tự giác đến từ VĐV.

Tất nhiên, ở đây lại có bài toán về nguồn kinh phí xét nghiệm doping khi hầu hết kinh phí được cấp cho ngành Thể thao mỗi năm chi cho việc ăn, ở, tập huấn và thi đấu quốc tế của các đội tuyển quốc gia cũng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Ai cũng hiểu, mỗi lần có VĐV bị xác định sử dụng doping là một lần hình ảnh, uy tín của thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng. Câu chuyện vẫn là phải thực hiện liên tục các giải pháp truyền thông với các HLV, VĐV trong phòng, chống doping để không xảy ra các trường hợp dương tính với doping vì lý do “trời ơi đất hỡi” cũng như các tăng cường thực hiện xét nghiệm doping ngay từ các giải vô địch quốc gia.

Minh Hà

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cảnh báo tới người dân.

Sau một tuần miệt mài tăng giá, kim loại quý bất ngờ quay đầu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới, mất tới 50 USD/ounce.

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文