Đội tuyển Việt Nam đang chịu sự khắc nghiệt của VAR?
Đội tuyển Việt Nam đã để thua 2 trận đấu đầu tiên ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trong cả hai trận đấu đó, công nghệ VAR đều gây tranh cãi.
Đầu tiên, phải nhắc lại tình huống Duy Mạnh bị thổi phạt đền và nhận thẻ vàng thứ 2 trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia. Đó là tình huống mà bóng đã đập vào người Duy Mạnh và chạm vào tay. Trường hợp này, trọng tài đã xem lại VAR và xác định tay Duy Mạnh đã to bất thường nên việc thổi phạt 11m là hợp lý.
Nhưng việc rút thẻ vàng lại (tức là hình phạt tăng thêm) lại là chuyện khác. Bởi trong trường hợp này, Duy Mạnh đã ngã xuống sân và không làm chủ được động tác tay. Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong trường hợp này. Và cuối cùng, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, bên cạnh yếu tố luật thì quyết định nằm phần lớn vào nhận định của trọng tài chính.
Đến trận đấu gặp Australia, đội tuyển Việt Nam lại bị từ chối một quả phạt đền sau một tình huống tương tự. Phút 27, trong một pha tấn công của đội tuyển Việt Nam, Hồng Duy đã có cú dứt điểm trúng tay của hậu vệ Rhyan Grant bên phía đội bạn. Trọng tài chính điều khiển trận đấu đã được các trọng tài phòng VAR gợi ý xem lại tình huống. Sau khi xem đi xem lại tình huống này, trọng tài đã không cho rằng đó là tình huống đáng thổi 11m. Trong rất nhiều hình ảnh và góc máy truyền hình ghi lại, có thể thấy rằng, cánh tay của Rhyan Grant đã to ra bất thường.
Theo nhận định của Trưởng Ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền: “Nói về tình huống để bóng chạm tay thì có 2 phương án để phân tích. Một là việc chủ động dùng tay chơi bóng, có nghĩa là tay tìm tới bóng để truy cản một tình huống dứt điểm của đối phương. Trường hợp này hậu vệ của Australia đã quay lưng và không chủ động dùng tay chơi bóng, nên sẽ bỏ qua.
Trường hợp thứ 2 là rủi ro. Đó là khi một cầu thủ không cố tình dùng tay chơi bóng nhưng lại để tay phình to so với cơ thể một cách bất thường, dẫn tới để bóng chạm tay. Nếu qua góc máy truyền hình theo hướng từ khung thành Australia chiếu chậm lại cú sút của Hồng Duy có thể thấy rõ ràng tay của hậu vệ Australia đã to ra hơn so với cơ thể để ngăn cản một tình huống có thể thành bàn thắng.
Khi trọng tài tham khảo VAR nghĩa là đã được các trợ lí VAR thông báo có tình huống để bóng chạm tay và cần trọng tài chính tham khảo và có quyết định cuối cùng. Dù vậy trọng tài Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim đã không cho tuyển Việt Nam được hưởng quả phạt 11m, tôi thấy hơi khó hiểu. Không biết có phải là người Việt Nam và ủng hộ đội tuyển Việt Nam hay không, nhưng nếu là tôi ở trường hợp này tôi sẽ cho tuyển Việt Nam được hưởng quả phạt 11m”.
Nếu so sánh lại trường hợp này với tình huống mà Duy Mạnh phải nhận thẻ vàng thứ 2, đó thực sự là vấn đề đáng để suy ngẫm. Huấn luyện viên Park Hang-seo đã đưa ra quan điểm: “Ở trận gặp Saudi Arabia, tôi đã xem lại. Tôi xem nhiều lần quả phạt đền. Quả đó chạm tay và phạt thì tôi thừa nhận. Tôi không phải trọng tài nhưng tôi nghĩ quả đó sút chạm người Duy Mạnh trước khi chạm tay.
Trọng tài xử penalty là đúng nhưng xử phạt tăng nặng và thêm thẻ phạt thì đó là điều chưa hợp lý. Dù quyết định trọng tài không thể thay đổi nhưng tôi không rõ nó có quá khắc nghiệt với chúng ta hay không?
Còn trận này, tình huống Hồng Duy đá trúng tay đối phương, trọng tài đã nhiều lần tham khảo công nghệ VAR, có thể ông ấy nghĩ cầu thủ để bóng chạm tay nhưng không cố ý nên đã không thổi phạt và trọng tài quyết định như thế tôi cũng tôn trọng”.
Vâng, ông Park đã dùng từ “khắc nghiệt” để đặt ra câu hỏi cho tình huống mà chúng ta thua trong trận đấu với Saudi Arabia. Thực tế, nhìn lại cả hai trận đấu vừa qua, đội tuyển Việt Nam đều đã gặp bất lợi từ công nghệ VAR. Đó là vấn đề không chỉ đến từ vấn đề kinh nghiệm, đó cũng xuất phát từ chính nhận định của các trọng tài. Đặc biệt ở câu chuyện nhận định có thẻ hay không có thẻ, cố ý dùng tay hay không cố ý. Các trọng tài VAR có thể đưa ra yêu cầu nhưng quyết định lại nằm ở chính những trọng tài chính điều khiển trận đấu.
Sau những trận đấu của đội tuyển Việt Nam, nhiều người nhắc đến yếu tố “thiện cảm” của các trọng tài đối với đội bóng của chúng ta. Hãy nhìn cách mà ông Park phản ứng trên sân như việc từ chối bắt tay đồng nghiệp của đội Saudi Arabia và cách mà khán giả Việt Nam tấn công các trọng tài trên mạng xã hội. Đó là những điều không nên lặp lại để bóng đá Việt Nam trở thành điều ám ảnh với những vị “Vua áo đen”.
Thành Chung nghỉ dài hạn vì chấn thương
Trung vệ Thành Chung bị chấn thương từ trước đó, nhưng vẫn được thầy Park tung vào sân thi đấu trong trận gặp Australia. Ngày 8/9, Thành Chung đã phải đi chụp phim để kiểm tra lại chấn thương của mình. Theo đó, Thành Chung đã bị rách bắp đến 12cm, đây là một chấn thương khá nặng và khiến anh phải mất nhiều thời gian nghỉ dưỡng để hồi phục hẳn.
Cần nói thêm, trước trận đấu với Saudi Arabia, Thành Chung đã bị rách bắp, nhưng chấn thương của anh chỉ khoảng 3-4cm, nên Chung vẫn có thể vào thi đấu. Tuy nhiên, sau trận gặp Australia, chấn thương cũ chưa lành, Thành Chung đã bị rách thêm chỗ mới ở chân phải và lần này nặng hơn. Chia sẻ với báo chí, Thành Chung cho biết: “Thật sự tôi cũng đã lường trước được điều này khi vào sân thi đấu và tôi chấp nhận, bởi đội tuyển của chúng ta đang thiếu người. Với tôi, một khi Tổ quốc cần thì anh em chúng tôi chả ngại gì cả, cứ vào sân là chiến hết mình thôi!”.
Việc mạo hiểm của Thành Chung đã khiến anh phải thay ra sân ở phút 76 khi không thể tiếp tục thi đấu. Trước đó, trung vệ Đình Trọng cũng đã bị rách bắp và không thể thi đấu ở trận gặp Australia mới đây. Riêng trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng đã chụp phim, nhưng kết quả của anh đã ổn hơn nhiều, khi chấn thương rách cơ háng đang có dấu hiệu hồi phục tốt. Hy vọng trong một tháng nghỉ trước khi bước vào cuộc so kè với tuyển Trung Quốc vào ngày 7/10 tới, các tuyển thủ của chúng ta kịp hồi phục đề bước vào trận đấu với thể trạng sung mãn nhất. (H.H. )