Duy trì tập luyện, không quên phòng dịch COVID-19

07:12 28/08/2021

Trong thời gian giãn cách xã hội hiện nay, nhiều đội tuyển, câu lạc bộ thể thao đành duy trì việc tập luyện tại nhà hoặc tại một địa điểm riêng biệt. Điều này đòi hỏi sự tự giác cao độ của người trong cuộc, bên cạnh nỗ lực của nhà quản lý nhằm chung tay phòng, chống dịch.

Thích nghi với tập luyện khi giãn cách

Tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, ước tính có hơn 2.000 VĐV của hơn 30 bộ môn. Hiện tại, hơn 1.000 VĐV đang ăn, ở tập trung tại các địa điểm của trung tâm. Với các nhà quản lý trung tâm, trong không gian khép kín từ ăn, ở, tập luyện, học tập, hoàn toàn có thể bảo đảm được an toàn trong phòng, chống dịch cho số VĐV này.

Trong khi đó, vì cơ sở vật chất đang được sửa chữa hoặc làm mới nên gần chục bộ môn của trung tâm, trong đó có đấu kiếm, bi sắt, điền kinh… đành duy trì tập luyện tại nhà trong nhiều tháng qua. Cũng có đội, như cầu lông, không vướng lý do sửa chữa cơ sở vật chất, định tập trung trở lại tại trung tâm vào tháng 7 vừa qua, nhưng với yêu cầu giãn cách xã hội ở cấp độ cao hơn trước đó theo phương châm “ai ở đâu ở yên đó” nên các VĐV vẫn phải duy trì tập luyện tại nhà. Đương nhiên, đây là bài toán khó cho các nhà quản lý, HLV vì thực tế chưa bao giờ Hà Nội phải trải qua đợt giãn cách xã hội dài như hiện nay. Cũng vì thế, các HLV cũng phải có giải pháp khác với VĐV so với khi chỉ giãn cách xã hội trong khoảng nửa tháng.

Trưởng bộ môn bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui kể rằng, do cơ sở vật chất của bộ môn đang sửa chữa để phục vụ SEA Games 31 nên từ lâu, các VĐV đã tập luyện tại nhà. Khi Hà Nội còn chưa giãn cách xã hội, thầy trò vẫn hẹn nhau ở bãi đất gần SVĐ Quốc gia Mỹ Đình để tập luyện. Mặt sân đất đương nhiên không thể như sân rải đá của bi sắt nhưng ít ra, việc thầy huấn luyện trực tiếp cho trò cũng mang đến hiệu quả nhất định.Trong khi đó, các VĐV cũng giữ được cảm giác về không gian thi đấu. Tuy nhiên, khi Hà Nội giãn cách xã hội, thầy trò lại trở về tập luyện trực tuyến. Lúc ấy lại phải căn cứ theo diện tích nhà ở của VĐV để tính toán cách tập luyện cho phù hợp.

 Huấn luyện viên môn bi sắt Bùi Anh Tuấn đang huấn luyện trực tuyến về kỹ thuật cho vận động viên Hà Nội. Ảnh: Quang Nguyễn.

Ông Đặng Xuân Vui đã chia sẻ cho người viết hàng loạt clip về cảnh tập luyện tại nhà của VĐV bi sắt. Nhà rộng, có vườn thì VĐV tập luyện với bi ngay ở đó và đấy là điều kiện lý tưởng. Còn trong không gian nhà chật hẹp thì cái giường cũng là sân tập lý tưởng cho VĐV. Ở đó, VĐV chỉ chuyên tập động tác về cổ tay và tung viên bi lên giường đệm. Đấy cũng không phải là sáng kiến mà là giải pháp tình thế đã được nhiều VĐV bi sắt trên thế giới áp dụng.

Theo HLV Bùi Anh Tuấn của đội bi sắt Hà Nội, động tác về cổ tay cực kỳ quan trọng với VĐV bi sắt. Việc dành thời gian tập luyện cho riêng phần này cũng không thừa. Tất nhiên, chỉ tập luyện trong phòng cũng ảnh hưởng đến cảm giác về không gian thi đấu rồi tâm lý thi đấu nhưng tất cả vẫn phải khắc phục dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các thầy.

Trong khi đó, HLV Tô Kim Nghị của đội trẻ cầu lông Hà Nội cho hay, anh và HLV Hà Anh phụ trách nhóm 16 VĐV. Từ đầu tháng 5 đến nay, các VĐV đã tập luyện tại nhà. Hồi giữa tháng 7, cả đội đã chuẩn bị trở lại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội để tập luyện thì Hà Nội lại bước vào đợt giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn, theo Chỉ thị số 16 CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ. Cũng do cầu lông đòi hỏi không gian tập luyện nên các HLV đội trẻ chủ yếu hướng dẫn và giám sát VĐV tập các bài về thể lực.

Việc giám sát qua phần mềm trực tuyến Zoom cũng mang đến nhiều trải nghiệm cho các HLV, trong đó rõ nhất là cách giám sát VĐV tập luyện. Trước đây, với góc quay không đầy đủ, HLV không quan sát được toàn bộ chuỗi động tác của VĐV nhưng sau một số trải nghiệm, tất cả đã biết cách, từ đó bảo đảm VĐV thực hiện đúng yêu cầu. Rồi chính các thầy cũng hiểu biết hơn về công nghệ để ứng dụng vào công việc khác.

Như nhận định của Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng thì do điều kiện khách quan nên nhiều đội của trung tâm phải duy trì tập luyện trực tuyến. Đến lúc này, các HLV, VĐV đều đã thích nghi tốt với việc tập luyện, huấn luyện trực tuyến dù hiệu quả so với huấn luyện, tập luyện trực tiếp vẫn còn hạn chế nhất định.

Chống dịch mọi nơi, mọi lúc

Bên cạnh việc tập luyện thì phòng dịch cũng là việc không thể thiếu với các HLV, VĐV và nhà quản lý vào lúc này. Hiện tại, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia là đội tuyển quốc gia duy nhất đang tập trung ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Ông Bùi Xuân Hà, HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia kể: “Đội gồm 16 thành viên, trong đó có 13 HLV. Từ hơn 2 tháng gần đây, toàn đội đã thực hiện quy trình ăn ở, tập luyện khép kín, không tiếp xúc với người ngoài để bảo đảm quy định phòng, dịch. Các HLV từ khi có lệnh “cấm trại” cũng không về nhà”.

HLV Bùi Xuân Hà kể rằng, khuôn viên của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình rộng rãi nên nếu VĐV tự do đi lại và tiếp xúc với người ngoài có thể mang đến hậu quả khôn lường liên quan đến dịch. Thế nên, các VĐV phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Khu liên hợp cũng như Ban huấn luyện.

Trong khi đó, như nhận định của HLV cầu lông Tô Kim Nghị, trong hoàn cảnh phải tập luyện tại nhà thì yếu tố quyết định vẫn nằm ở sự tự giác của VĐV. Và đương nhiên, sự tự giác ấy phải thể hiện ở ý thức phòng dịch của VĐV khi tất cả đều được quán triệt là không ra khỏi nhà cũng như thực hiện tốt quy định phòng dịch khác. Nhưng sự tự giác ấy cũng phải đến từ chính các thầy - những người truyền sự chuyên nghiệp, ý thức tập luyện nghiêm túc và ý thức phòng dịch tuyệt đối đến VĐV.

Còn Trưởng bộ môn bi sắt Đặng Xuân Vui kể rằng, sự động viên hướng VĐV đến tương lai, nhất là với những VĐV Hà Nội sắp được triệu tập vào đội tuyển quốc gia cũng là cách để giữ lửa luyện tập cho VĐV. Đi cùng với đó là ý thức phòng dịch cao độ để không khiến bản thân, gia đình, cộng đồng cũng như những người thầy của mình phải bận lòng. Trong những cuộc trao đổi gần đây với nhiều VĐV bi sắt Hà Nội, họ cũng đều kể rằng đã được các thầy nhắc đi nhắc lại việc phải giữ ý thức tập luyện bên cạnh ý thức phòng dịch, trong đó tuyệt đối không ra ngoài.

HLV đội tuyển cờ vua quốc gia đang phụ trách nhóm VĐV khu vực phía Bắc Bùi Vinh cũng bảo rằng, dù từ lâu nay cờ vua đã quen với hình thức huấn luyện và thi đấu trực tuyến nhưng việc phòng dịch lại là câu chuyện khác. Ở đó cần sự chung tay của VĐV với cộng đồng bằng việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đi cùng với việc duy trì tập luyện trong nhiều điều kiện khác nhau, dù là tại nhà hay tại địa điểm tập trung, vẫn là điều dễ thấy ở các HLV, VĐV cấp độ quốc gia cũng như địa phương lúc này. Đấy cũng là cách đóng góp thiết thực của các HLV, VĐV vào cuộc chiến chống dịch lúc này.

Cố gắng tiêm vaccine nhiều đến mức có thể

Trong những ngày qua, với sự vào cuộc tích cực cùng phương châm “tiêm vaccine nhiều nhất đến mức có thể” của lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội hàng trăm HLV, VĐV tại trung tâm đã được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Đây cũng là cách chuẩn bị để HLV, VĐV có thể đáp ứng yêu cầu y tế khi tập huấn, thi đấu trong nước cũng như quốc tế sau khi dịch COVID-19 bị khống chế ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Minh Khuê

Minh Hà

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trao Huân chương Chiến công hạng Ba tặng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Đà Nẵng về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với với Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái, tỉnh Hà Giang; Công an huyện Quảng Nam và huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiến hành giải cứu thành công một người phụ nữ ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau 6 năm bị lừa bán.

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文