"Giải mã" ý nghĩa tên gọi các giải thể thao thành tích cao
Nếu bạn am hiểu về hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao tại Việt Nam, bạn có thể nắm rõ quy mô, tầm ảnh hưởng, ý nghĩa quan trọng của một giải đấu với các đơn vị tham gia tranh tài chỉ bằng cách nghe tên gọi chính thức của nó.
Cái tên nói lên tất cả
Năm 2024, Việt Nam có 47 môn nằm trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao. Lịch thi đấu do Cục Thể dục Thể thao (trước đây là Tổng cục Thể dục Thể thao) ban hành vào đầu mỗi năm. Phần lớn các giải chỉ bắt đầu diễn ra từ tháng 3/2024, sau khi Tết Nguyên đán khép lại, trừ một số môn như bóng đá, bóng chuyền.
Nếu chia trung bình, mỗi môn thể thao thành tích cao có khoảng 3-4 giải diễn ra hằng năm. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của từng giải với các đội, địa phương tham dự sẽ khác nhau rất nhiều. Huy chương, thành tích của giải đấu quan trọng nhất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh phí, đãi ngộ cho HLV, VĐV và cả bộ môn trong năm tiếp theo.
Vậy làm thế nào để xác định mức độ, tầm vóc quan trọng của một giải thể thao thành tích cao? Cách đơn giản nhất là phân tích từ ngữ, từng chữ trong tên gọi của giải đấu đó. Lấy ví dụ như môn Thể hình, trong năm 2024, giải đấu quan trọng nhất là giải vô địch Thể hình Quốc gia, diễn ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 tại tỉnh Cà Mau.
Những giải đấu có mức độ quan trọng thấp hơn giải vô địch Thể hình Quốc gia là giải vô địch Cúp các CLB, giải vô địch Thể hình trẻ Quốc gia. Nói cách khác, giải đấu quan trọng nhất thường có tên chung chung, ngắn gọn và đơn giản nhất: Giải vô địch Cầu lông Quốc gia, giải vô địch Bóng đá Quốc gia, giải vô địch Bóng bàn Quốc gia.
"Với các môn có mô hình tổ chức 3 giải mỗi năm, giải đấu quan trọng nhất luôn là giải vô địch quốc gia. Xếp dưới giải vô địch quốc gia là giải Cúp các CLB quốc gia, gần đây được đổi tên thành giải Các đội mạnh, Các CLB mạnh ở một số bộ môn. Dưới giải Cúp là các giải trẻ, giải vô địch cấp vùng miền", một HLV cho biết.
Với các địa phương cử VĐV tham dự, thành tích tại một giải vô địch quốc gia là tiêu chí xét chuẩn kiện tướng, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xét duyệt chế độ, số suất VĐV trong đội, kinh phí tập huấn, thi đấu trong nước ở những năm tiếp theo.
Ở một số địa phương, họ còn quy định rõ: Chỉ những giải đấu có chữ "vô địch", địa phương mới trao tiền thưởng huy chương. Đây cũng là lý do khiến Cục TDTT trong những năm gần đây đổi tên giải Cúp các CLB, hoặc giải trẻ để thêm chữ "vô địch" vào tên giải. Bằng cách đó, HLV, VĐV sẽ có thêm một chút tiền chế độ, thông qua thưởng huy chương.
Dồn "lực" vào một điểm
Mức độ quan trọng của một giải đấu, thông qua tên gọi, là phần nổi của một câu chuyện. Trên cơ sở các giải đấu cần ưu tiên về thành tích, huấn luyện viên và bộ môn sẽ đăng ký chỉ tiêu ở mức độ khác nhau. Điều này khá phổ biến với các đơn vị nhỏ, có lượng VĐV, HLV hạn chế cùng chỉ tiêu khiêm tốn so với những đoàn lớn.
"Ở giải Cúp các CLB quốc gia, hay là giải Các đội mạnh, chúng tôi lên kế hoạch đăng ký chỉ tiêu 1 HCV vào đầu năm 2024. Nhưng đến giải Vô địch Quốc gia, chỉ tiêu sẽ nâng lên 2 HCV. Con số này được căn cứ trên lịch trình tập luyện, thi đấu của các VĐV", một HLV cho biết.
Xét về nhân tố chỉ tiêu, những đơn vị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội luôn phải chịu áp lực lớn nhất. Chỉ tiêu bộ môn nhận trước mỗi giải đấu không bao giờ là "1 vàng" hay "2 vàng", "1 bộ huy chương". Lúc này, chỉ tiêu của họ là thứ hạng chung cuộc, thường là "Nhất toàn đoàn" với những bộ môn có truyền thống phát triển.
Với các VĐV và HLV, họ có thể thảnh thơi một chút tại các giải Cúp Quốc gia. Mọi người chỉ thực sự nghiêm túc, cũng như căng thẳng dồn lên cao độ, khi bước vào giải Vô địch Quốc gia. Lúc này, mỗi trận đấu tranh huy chương đồng cũng rất quan trọng với cả bộ môn. Các trận chung kết tranh vàng, bạc còn căng thẳng hơn nữa.
Mức độ quan trọng của các giải đấu thể thao thành tích cao còn được thể hiện ở lực lượng VĐV tham dự. Giải vô địch Boxing Các đội mạnh hằng năm thường diễn ra vào tháng 3 hoặc 4. Trong 2 năm qua, đây là thời điểm ngay trước SEA Games, nên các VĐV đội tuyển quốc gia sẽ không tham dự. Họ chỉ trở lại địa phương ở giải Vô địch Quốc gia cuối năm.
"Chúng tôi không bao giờ nghĩ giải Cúp Quốc gia, hay giải Các đội mạnh có mức độ quan trọng ít hơn giải vô địch. Tuy nhiên, lịch trình thi đấu trong nước cũng phải hỗ trợ lịch thi đấu quốc tế. Việc để các VĐV cần tập trung cao độ cho sân chơi quốc tế, nhưng vẫn phải thi đấu trong nước, sẽ không phù hợp cho hoàn cảnh chung", một HLV chia sẻ.
Bên cạnh tên gọi, tần suất diễn ra các giải đấu cũng cho thấy sự quan trọng với các địa phương. Cứ 4 năm 1 lần, giải Vô địch Quốc gia thường không xuất hiện. Đó là lúc giải nhường chỗ cho Đại hội Thể thao Toàn quốc. Lúc này, "Đại hội" lại quan trọng hơn "Vô địch Quốc gia" rất nhiều và các địa phương lại đẩy sự tập trung lên cao trào.
Tìm cơ hội vượt lên từ giải Cúp Quốc gia, Các đội mạnh
Tương tự sân chơi quốc tế, các giải thể thao trong nước thường có chênh lệch rất lớn về thành tích, thông số của VĐV đương kim vô địch so với phần còn lại. Điều này xuất phát từ khác biệt thể chất bẩm sinh của VĐV. Những nhân tố khác như môi trường tập luyện cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả. Tuy nhiên, một VĐV không thể ở mãi trên đỉnh cao.
"Cách tốt nhất để một VĐV trẻ đạt được bước tiến lớn, đó là vượt mặt một đàn anh, đàn chị tại các giải đấu chính thức", một HLV cho biết. Để hiện thực hóa điều này, HLV sẽ để "gà nòi" họ mới chăm được tranh tài cùng nhà vô địch ở các giải đấu như Cúp Quốc gia hoặc giải Các đội mạnh. Bởi đó là lúc nhà vô địch có thể không đạt phong độ tốt.
Nhìn về những năm trước đây, thể thao Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc vượt lên như vậy. Ví dụ tiêu biểu nhất là trước thềm SEA Games 31 tại Việt Nam, nhà vô địch Kickboxing SEA Games 2019 Phạm Bá Hợi bất ngờ để thua tại Cúp Các CLB Kickboxing quốc gia. Trận thua đó khiến Bá Hợi không thể dự SEA Games trên sân nhà và đi xuống từ đó.