Guồng quay SEA Games 32
Hiện tại, các đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 32 đều đã khẩn trương trở lại guồng tập luyện nhằm giúp thể thao Việt Nam đạt thành tích tốt nhất ở sân chơi này. Trong khi đó, công tác tổ chức SEA Games 32 cũng đang cho thấy những chuyển động không ngừng.
Rút môn, thể thao Việt Nam thêm bất lợi
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Việt Nam, Hội nghị trưởng đoàn lần thứ nhất của SEA Games 32 đã diễn ra tại Campuchia. Một số nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội nghị trưởng đoàn lần thứ nhất của SEA Games 32 là môn Thể hình bị loại khỏi chương trình thi đấu và Kun Khmer (môn võ được thông báo là tương tự như Muay Thai) đưa vào chương trình thi đấu chính thức.
Trong số này, môn Thể hình bị loại vì giới chức môn này không tuân thủ quy định phòng, chống doping của WADA (Tổ chức phòng, chống doping quốc tế). Điều đó đồng nghĩa chương trình thi đấu của SEA Games 32 chỉ còn 37 môn, phân môn. Đáng chú ý, Thể hình cũng được xem là môn thế mạnh của thể thao Việt Nam. Gần đây nhất, ở SEA Games 31, dù không có lực lượng mạnh nhất nhưng đội tuyển thể hình Việt Nam vẫn giành được 5 HCV.
Với môn võ Kun Khmer, đại diện Ủy ban Olympic Campuchia cho biết sẽ có 7 quốc gia tham dự môn này tại SEA Games 32 gồm Campuchia (chủ nhà), Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Dù vậy, sau hội nghị này, lại có những vấn đề mới liên quan đến việc Kun Khmer được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 32. Mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Muay nghiệp dư thế giới Sakchai Tapsuwan đã chính thức gửi thông báo đến 11 quốc gia thành viên Liên đoàn tại Đông Nam Á trong đó khẳng định, bất kỳ thành viên nào tham gia Kun Khmer tại SEA Games 32 ở Campuchia thì sẽ bị cấm tham gia giải vô địch Muay thế giới, môn Muay ở Đại hội Thể thao trong nhà châu Á cũng như Đại hội Võ thuật châu Á. Sự việc này bắt đầu từ những tranh cãi về nguồn gốc của hai môn võ Muay Thai - Kun Khmer là khởi nguồn từ Campuchia hay Thái Lan.
Hiện tại Muay Thai đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công nhận là một môn thể thao võ thuật và đang trong quá trình xem xét để đưa vào thi đấu tại các kỳ Olympic trong thời gian tới. Rõ ràng, câu chuyện về Kun Khmer và Muay Thai đang khiến SEA Games 32 thu hút thêm sự chú ý.
Không tạo áp lực không cần thiết
Cũng sau Hội nghị trưởng đoàn các nước dự SEA Games 32, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đăng kí danh sách sơ bộ dự SEA Games 32. Với đặc thù về các môn thi đấu ở SEA Games 32, trong đó có nhiều môn không trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD, Việt Nam không đăng ký tham dự đủ 37 môn, nhóm môn chính thức tại Đại hội. Tuy nhiên, thể thao Việt Nam vẫn góp mặt ở các môn trong hệ thống thi đấu Olympic và ASIAD, đang phát triển tại Việt Nam, được tổ chức tại SEA Games lần này.
Thực tế, danh sách đăng ký chính thức của các đoàn sẽ được chốt lại vào ngày 5-3 sau khi Ban tổ chức chính thức chốt lại số nội dung thi đấu của từng môn, phân môn. Đến lúc đó, thể thao Việt Nam sẽ rõ cơ hội hơn ở SEA Games 32. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, có thể khẳng định rằng thể thao Việt Nam sẽ khó tranh chấp ngôi đầu toàn đoàn tại SEA Games 32, đặc biệt là sau khi môn Thể hình bị rút khỏi chương trình thi đấu.
Trước đó là hàng loạt môn thế mạnh khác của thể thao Việt Nam cũng không có tên trong chương trình thi đấu như bắn súng, bắn cung, rowing, canoeing. Ngay trong lần gặp báo chí gần đây, đại diện ngành Thể thao cũng chỉ đề cập mục tiêu vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu toàn đoàn ở SEA Games 32. Đó là cách tiếp cận phù hợp với thực tế của SEA Games khi chương trình thi đấu chưa bao giờ ổn định, xuyên suốt.
Không kể, ngay tại SEA Games 32, nhiều môn thế mạnh của Việt Nam, trong đó có đội tuyển vật, dù có trong danh sách đăng ký thi đấu nhưng lại bị khống chế về số VĐV tham dự. Nên ngay từ bây giờ, đội tuyển vật đã xác định không thể lặp lại thành tích 17 HCV tại SEA Games 31 ở kỳ SEA Games tới. Cũng vì thế, rất cần những động thái từ ngành Thể thao để các tuyển thủ tham dự SEA Games 32 không phải nhận những áp lực không cần thiết. Thực tế, các tuyển thủ của các đội tuyển giờ đã miệt mài tập luyện với quyết tâm cao nhất để hướng đến những tấm huy chương SEA Games.
Thậm chí, việc không vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games 32 cũng cần được đặt ra dù phải đợi đến sau ngày 5/3 (thời điểm chốt về đăng ký tham dự SEA Games 32) mới có thể nắm bắt tình hình rõ hơn. Quan trọng nhất vẫn là thành tích của đội tuyển các môn trong chương trình thi đấu Olympic và ASIAD sẽ như thế nào nhất là khi trong năm 2023, thể thao Việt Nam còn dự ASIAD tại Trung Quốc và các vòng loại giành vé dự Olympic 2024.
Danh sách 37 môn, phân môn tại SEA Games 32
Sau khi Ban tổ chức SEA Games 32 rút thể hình khỏi chương trình thi đấu, SEA Games 32 còn 37 môn, phân môn. Trong đó có điền kinh; các môn thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bóng nước và lặn); cầu lông; bóng rổ (5 × 5 và 3 × 3); billiards; boxing; cờ (cờ vua và cờ tướng); xe đạp (xe đạp đường trường và xe đạp địa hình); cricket; khiêu vũ thể thao; thể thao điện tử; đấu kiếm; bóng sàn; bóng đá (nam và nữ); golf; thể dục (aerobic và thể dục dụng cụ); khúc côn cầu (trong nhà và ngoài trời); môtô nước; judo; karate; võ thuật tổng hợp (bokator, arnis, jujitsu, kickboxing, vovinam, võ Khmer); vượt chướng ngại vật; pencak silat; bi sắt; sailing; cầu mây; soft tennis; bóng bàn; taekwondo; quần vợt; đua thuyền truyền thống; ba môn phối hợp; bóng chuyền (trong nhà và bãi biển); cử tạ; vật; wushu; teqball. Hai môn điền kinh và thể thao dưới nước là những môn có số nội dung nhiều nhất tại SEA Games 32. Với thể thao dưới nước, bơi có 39 nội dung trong khi nhảy cầu dự kiến có 4 nội dung, lặn (24 nội dung), bóng nước (2 nội dung). Trong khi đó, điền kinh có 47 nội dung. (Minh Khuê)