Khi bản quyền truyền hình là phao cứu sinh của V.League
Trung bình một mùa giải, khoản thu của một CLB tại V.League dao động từ 1,9 đến 2,7 triệu USD. Nhưng cũng trong năm đó, khoản chi của một CLB dao động từ 2,7 đến 3 triệu USD. Có nghĩa, mỗi năm, một CLB lỗ ít nhất gần 1 triệu USD. Đó cũng là lý do mà các CLB khát khao có bản quyền truyền hình. Bởi đó là phao cứu sinh giúp họ giảm đi một khoản hao hụt tài chính mỗi năm.
Thu không đủ chi
Từ nhiều năm, câu cửa miệng của các ông bầu bóng đá tại Việt Nam luôn là làm vì đam mê, bởi chắc chắn là khó có chuyện hòa vốn chứ đừng nói là lãi. Quan điểm này càng trở nên có cơ sở khi cuối tuần trước, trong cuộc Hội thảo liên quan đến thương hiệu đội tuyển Việt Nam tại Trụ sở LĐBĐ Việt Nam, một nội dung liên quan đến tài chính của V.League đã được đưa ra như một cơ sở về việc khai thác thương quyền và phát triển thương mại tại cấp độ CLB và giải chuyên nghiệp.
Trong báo cáo, chỉ tính trong năm 2019, khoản thu trung bình mỗi năm của một CLB tại V.League dao động từ 1,9 đến 2,7 triệu USD. Trong đó, nguồn thu đến từ các nhà tài trợ chiếm một nửa doanh thu. Ngoài ra, ngân sách của địa phương rơi vào khoảng 370.000 USD/năm. Một số các khoản thu khác vốn được xem là chủ lực phát triển bóng đá chuyên nghiệp lại rất thấp. Theo đó, khoản thu từ bán vé khoảng 27.000 USD/CLB/năm; phí chuyển nhượng khoảng 53.000 - 70.000 USD; khoản thu từ hỗ trợ của VFF, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) khoảng 45.000 USD; bán hàng vật phẩm khoảng 140.000 USD… Đáng nói hơn, trong khoản thu này đến từ các CLB, tiền từ Bản quyền truyền hình không được đề cập đến.
Cũng trong báo cáo này, khoản thu của CLB không “gánh” nổi khoản chi cao hơn nhiều. Cũng trong năm 2019, một CLB tại V.League chi từ 2,7 đến 3 triệu USD. Trong đó chi lương - thưởng cho cầu thủ chiếm khoảng 2/3 tổng chi nói trên. Ngoài ra, chi trả lương cho HLV khoảng 250.000 USD; trả lương cho nhân viên văn phòng: 140.000 USD; chi phí hành chính khoảng hơn 200.000 USD; chuyển nhượng cầu thủ khoảng 87.000 - 100.000 USD; chi phí quảng cáo khoảng hơn 30.000 USD; thuê/sửa chữa sân khoảng 30.000 USD và các khoản chi khác. Như vậy, nếu tính trung bình, mỗi CLB sẽ lỗ ít nhất khoảng hơn 751.000 USD/năm.
Bản quyền truyền hình và khai thác giá trị CLB cần được đẩy mạnh
Từ báo cáo chi tiết từng hạng mục, thu chi, có thể thấy vấn đề lớn trong công tác tài chính ở V.League. Nên nhớ rằng, năm 2019 cũng là năm thứ 19 mà bóng đá Việt Nam vận hành giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các CLB vẫn chưa nhận được nguồn thu nào từ bản quyền truyền hình. Còn nhớ hồi cuối năm ngoài, lãnh đạo của VPF từng thừa nhận, hợp đồng bản quyền truyền hình hiện tại ở V.League (bao gồm cả năm 2019 mà theo báo cáo đưa ra) có giá trị tương ứng với mười mấy tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị đó lại ít quy đổi ra tiền mặt. Vì vậy, việc chia quyền lợi cho các CLB còn rất khiêm tốn.
Trước thực trạng này, chính các CLB tại V.League nói riêng và giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung đã lên tiếng để hy vọng nguồn thu béo bở này cần được hiện diện một cách rõ ràng hơn và đem lại quyền lợi nhiều hơn cho các đội bóng cấu thành giải đấu.
Ông Vũ Tiến Thành - Giám đốc điều hành CLB Phố Hiến cho rằng, bản quyền truyền hình là một góc độ quan trọng trong tài chính nếu đội bóng thật sự muốn tự chủ trong duy trì hoạt động dài hạn. Chung quan điểm với ông Vũ Tiến Thành, Tổng giám đốc Trương Mạnh Linh của SLNA cũng bày tỏ hy vọng rằng đội bóng xứ Nghệ có thể thêm doanh thu từ bản quyền truyền hình. Ông cũng đề xuất VFF và VPF có ý kiến với các nhà đài nhằm tăng giá trị của bản quyền truyền hình V.League, qua đó tăng thêm động lực phát triển cho đội bóng ở những mùa giải tới đây.
Phản hồi lại ý kiến của đại diện lãnh đạo các CLB thuộc giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, lãnh đạo VPF khẳng định đang cố gắng đàm phán để có gói bản quyền truyền hình tốt hơn kể từ V.League 2023. Theo đó, một công ty sẵn sàng đề nghị sở hữu bản quyền truyền hình V.League kể từ mùa 2023 với giá trị gấp gần 20 lần so với hiện tại.
Ước tính, nếu đề nghị này được quy đổi thành hợp đồng rõ ràng, một CLB tại V.League có thể thu về khoảng 10 tỷ đồng, tương đương với 500.000 USD. Tuy nhiên, đối chiếu với khoản lỗ đã được thống kê trong năm 2019 thì con số này vẫn chưa đủ khỏa lấp cho sự chênh lệch thu chi của các đội bóng tại V.League.
Vậy nên ngoài bản quyền truyền hình, giá trị thương hiệu của mỗi đội bóng cũng cần phải được khai thác triệt để hơn. Rõ ràng, khoản thu từ bán vé chỉ 27.000 USD/năm, chuyển nhượng khoảng 50-70.000 USD/năm hay 140.000 USD/năm từ bán vật phẩm là quá ít ỏi so với một đội bóng chuyên nghiệp hiện tại. Đây cũng là bài toán mà chính các đội bóng và V.League phải đặt ra. Sự chuyên nghiệp trong hình ảnh, vận hành từ cá nhân các CLB cũng như tổng thể giải đấu sẽ tạo nên sự phát triển trong cung cầu thị trường bóng đá. Kể từ đó, các CLB sẽ đẩy mạnh hơn doanh thu từ chuyển nhượng cũng như khai thác tốt hơn nữa các giá trị thương mại từ nội hàm đội bóng.
Có như thế, những Hà Nội FC, Viettel, Hải Phòng, HAGL… mới có thể thực sự vươn tầm khỏi ranh giới Việt Nam, để sẵn sàng cạnh tranh với các đội hàng đầu Đông Nam Á cũng như nghĩ đến vị thế châu Á trong tương lai gần.
HAGL định hướng mục tiêu “khủng” trong 5 năm tới
Theo ông Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc Điều hành HAGL: “Trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2021 đến 2026, HAGL phấn đấu đoạt 2 danh hiệu vô địch quốc gia (V.League),1 danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia, thi đấu thành công tại AFC Champions League. Học viện bóng đá trẻ HAGL sẽ hoàn thành 2 khóa huấn luyện chu kỳ 7 năm, phấn đấu đóng góp cho đội U23 và ĐTQG Việt Nam từ 10 đến 12 tuyển thủ”.
Ngoài ra, HAGL cũng đặt ra các tiêu chí như: Lấy việc đào tạo bóng đá trẻ, xây dựng lực lượng kế thừa là trọng tâm; Triết lý bóng đá của CLB xuyên suốt từ đội 1 đến các đội trẻ là phối hợp ngắn, ban bật đẹp mắt, ứng xử văn hóa, fairplay với cầu thủ đối phương, tôn trọng quyết định của trọng tài, tôn trọng khán giả, thân thiện với tất cả mọi người. Ngoài ra, HAGL tiếp tục công tác tuyển sinh đầu vào Học viện bóng đá HAGL với yêu cầu khắt khe hơn. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, Học viện bóng đá HAGL sẽ quan tâm đến thể hình, với mong muốn sau 7 năm đào tạo cùng chế độ dinh dưỡng tốt, chắc chắn chiều cao các em cũng tăng trưởng vượt bậc so với các khóa trước đây để có thể tranh chấp sòng phẳng, không bị thua thiệt với các đội bóng châu lục và thế giới.