Kỳ vọng qua một hội thảo thể thao thành tích cao
Dự kiến Hội thảo định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 được tổ chức vào tuần tới tại Hà Nội. Có những kỳ vọng nhất định từ hội thảo này nhưng chắc chắn, một hội thảo không thay đổi ngay bộ mặt của thể thao thành tích cao Việt Nam.
Từ ASIAD 19 ra hội thảo
Tại ASIAD 19 vừa qua, Đoàn thể thao Việt Nam giành 3 HCV, hoàn thành chỉ tiêu HCV tại Đại hội thể thao lớn nhất châu lục. Đối với những người làm chuyên môn, dù thành tích không quá ấn tượng nhưng rõ ràng đã hoàn thành mục tiêu đặt ra trước ngày lên đường (giành tối thiểu 2 HCV tại ASIAD 19). Lời xin lỗi của lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam về thành tích mà Đoàn thể thao Việt Nam giành được ở ASIAD 19 xem ra hơi thừa về mặt truyền thông dù cũng cho thấy sự cầu thị, mong muốn làm tốt hơn.
Tất nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, kết quả thi đấu sau một cuộc đấu lớn mà ở đây là ASIAD 19 cũng làm rõ nhiều vấn đề cần khắc phục của thể thao Việt Nam. Trong những việc cần làm sau ASIAD 19, việc tổ chức một hội thảo về thể thao thành tích cao đến năm 2030 đã được đặt ra. Đây được xem là một bước đi để xới xáo, thu hút sự quan tâm của nhiều bên liên quan đến thể thao thành tích cao Việt Nam, vốn luôn bộc lộ sự thiếu ổn định ở sân chơi Olympic cũng như ASIAD.
Cũng phải kể thêm, những hội thảo tương tự ít được ngành Thể thao tổ chức. Trong khi đó, ở nhiều ngành khác, đó là việc thường xuyên và nhờ đó tạo hiệu ứng tích cực. Việc ít có sự kiện, nơi có những ý kiến trao qua đổi lại, cũng khiến hiệu ứng truyền thông, sự quan tâm, đầu tư đến thể thao thành tích cao bị hạn chế. Ngành Thể thao cũng rất sốt sắng trong tổ chức hội thảo này nhưng vì nhiều lý do, cũng phải đến tuần sau mới có thể tổ chức sự kiện. Thời điểm diễn ra sự kiện cũng trong bối cảnh các VĐV Việt Nam đang miệt mài tìm thêm suất dự Olympic 2024, qua đó có thể hoàn thành mục tiêu giành 15 vé tham dự. Gần đây nhất, đội cử tạ mới kết thúc vòng đấu tại Qatar để tích điểm dự Olympic 2024 khi không có đô cử nào vào nhóm 3 VĐV dẫn đầu ở hạng cân thi đấu. Người giành thành tích tốt nhất là Phạm Thị Hồng Thanh với hạng 10 ở hạng 71 kg nữ, qua đó vẫn trong nhóm 15 lực sĩ hàng đầu thế giới ở hạng cân trên. Sau thành tích này, tấm vé dự Olympic 2024 vẫn chưa đến với đội cử tạ Việt Nam, đồng nghĩa với việc thể thao Việt Nam vẫn chỉ có 3 tấm vé chính thức dự Olympic 2024 ở môn bơi (Nguyễn Huy Hoàng, đạt kết quả từ thi đấu ASIAD 19), xe đạp (Nguyễn Thị Thật, đạt kết quả từ giải vô địch châu Á 2023), bắn súng (Trịnh Thu Vinh, đạt kết quả từ thi đấu vô địch thế giới 2023). Lý giải về câu chuyện này cũng sẽ là vấn đề được quan tâm trong hội thảo tới.
Quan trọng nhất vẫn là cách đón nhận, xử lý
Chắc chắn, tại Hội thảo định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 sắp tới, những vấn đề về thực trạng thể thao thành tích cao Việt Nam sẽ được chú ý. Trong đó, sự đầu tư cho thể thao thành tích cao hiện nay đương nhiên là vấn đề nóng. Bởi với cách đầu tư hiện nay, sẽ khó duy trì được sự ổn định về thành tích tại các sân chơi lớn như Olympic, ASIAD. Và cũng từ đó để thấy việc thể thao Việt Nam vừa giành 1 HCV, 1 HCB ở Olympic 2016 thì ngày kỳ Olympic sau đó lại rơi vào cảnh trắng tay cũng không bất thường. Trong đó, những môn thế mạnh như bắn súng, cử tạ… không thể duy trì được thành tích thường xuyên, liên tục ở những sân chơi này.
Một phần của câu chuyện này cũng bắt nguồn từ sự đầu tư cho thể thao thành tích cao khi hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, hồi phục, rèn thể lực cho VĐV đều đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu hoặc không ra đầu ra đũa. Ngay như ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, trung tâm lớn nhất, được đầu tư tốt nhất trong 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, nhiều đội vẫn phải tập luyện trong những không gian chật chội. Điều đó lý giải vì sao nhiều đội tuyển do Trung tâm quản lý phải được đưa đi tập luyện ở các địa điểm khác tại Hà Nội. Trong khi đó, với quỹ đất ở Trung tâm, hoàn toàn có thể xây mới, nâng cấp hệ thống nhà tập nhiều tầng hơn hiện nay đồng thời xây mới phòng tập thể lực, phòng hồi phục thực sự quy mô.
Ngoài Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, một số đơn vị đầu tàu khác ở cấp địa phương như Hà Nội, Hải Phòng… cũng thiếu hẳn những phòng tập thể lực, phòng hồi phục có thể đáp ứng yêu cầu tập luyện, huấn luyện. Vấn đề nằm ở định hướng đầu tư cho những nơi này để có thể thu hút người giỏi làm việc ở những nơi này, phát huy tối đa công năng phòng tập nói riêng, quỹ đất nói chung. Còn việc sử dụng kinh phí đầu tư cho VĐV trọng điểm cũng đã được đề cập trong nhiều hội nghị của ngành. Thực tế, đó lại là vấn đề mang tính kỹ thuật, hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định từ các bộ phận liên quan ở Cục TDTT. Cho nên, sự đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất cũng như cách thức vận hành liên quan đến hệ thống này tại các Trung tâm huấn luyện tại trung ương, địa phương sẽ cần được bàn thảo nhiều.
Vấn đề còn là sau hội thảo, những ý kiến, kế sách sẽ được đón nhận, xử lý như thế nào nhằm mang đến những điều tốt nhất cho các VĐV thể thao thành tích cao, để thể thao Việt Nam hoàn thành các mục tiêu đến 2030 trong đó dự kiến có 25-30 VĐV vượt qua vòng loại và giành huy chương ở Olympic 2028. Như thế một hội thảo được gửi nhiều tâm huyết mới phát huy tác dụng, để không mang tiếng là tổ chức hội thảo để giải ngân, "ứng phó" với dư luận.
4 phần chính trong hội thảo
Dự kiến, Hội thảo định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 gồm bốn phần chính gồm Báo cáo thực trạng thể thao thành tích cao, nguồn nhân lực VĐV, định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2024 và lựa chọn các môn thể thao trọng điểm; Tham luận của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia TDTT; Trao đổi, tham gia ý kiến dưới góc nhìn của các Liên đoàn thể thao quốc gia, HLV, nhà quản lý, chuyên gia và các đại biểu dự Hội nghị; Chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Minh Khuê)