Số phận V.League 2021: Không có phương án hoàn hảo, chỉ có phương án tốt nhất

07:59 24/08/2021

Hủy V.League 2021 là việc chẳng đặng đừng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh xung quanh việc kết thúc mùa giải sớm, nhưng đó dường như là phương án tốt nhất cho tất cả các bên liên quan trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khó đoán như hiện tại.

Không có phương án hoàn hảo

Không ai có thể trách cứ VPF khi tổ chức này liên tục nâng lên, đặt xuống phương án hủy V.League 2021 hoặc tiếp tục mùa giải này vào tháng 2/2022. Hợp đồng tài trợ đã ký, số phận của các CLB, các cầu thủ chuyên nghiệp và cả nghĩa vụ với đội tuyển quốc gia đều được mang ra tính toán chi tiết.

Phương án hoàn hảo nhất với V.League 2021 là trở lại vào tháng 11 tới, thời điểm đội tuyển Việt Nam tạm nghỉ ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. AFF Cup 2021 là trở ngại, nhưng giải đấu này có diễn ra đúng kế hoạch hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Vấn đề nằm ở chỗ, đợt dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh, thành lớn quá nhanh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không có gì đảm bảo bóng đá nội có thể trở lại vào tháng 11, đặc biệt trong bối cảnh cả nước vẫn oằn mình chống dịch.

Chính vì vậy, việc lùi hẳn V.League mùa giải 2021 sang tháng 2-2022 được xem là phương án tốt nhất trong mắt VPF và cả người hâm mộ. Tuy nhiên, hoãn giải hơn nửa năm lại tạo ra gánh nặng quá lớn mà không phải CLB nào cũng có thể gánh trên vai ở thời điểm này. Thực tế, có 10/14 CLB đã viết đơn xin VPF xem lại quyết định hoãn giải, hoặc hỗ trợ kinh phí cho họ duy trì hoạt động trong thời gian chờ đợi V.League trở lại. V.League 2021 giống như một mảnh chăn nhỏ, VPF một bên, các CLB một bên, đắp chung không ai có thể ấm hết. Kéo bên này, thì hở bên kia. Và phương án sau cùng, đảm bảo công bằng nhất là hai bên cùng… không đắp chăn, cùng chịu lạnh và tự sưởi ấm cho nhau qua mùa đông giá rét sắp tới.

VPF chưa thể tính toán hết các thiệt hại của họ khi V.League 2021 bị hủy, nhưng các CLB thực sự đã và đang thấm đòn vì dịch bệnh. Than Quảng Ninh tiếp tục trở thành tâm điểm của làng bóng đá nội khi một loạt cầu thủ đăng đàn gửi tối hậu thư, dọa kiện CLB nếu không thanh toán tiền lương thưởng còn nợ trước ngày 31/8 tới. Đây là lần thứ hai trong vòng ít tháng, các cầu thủ Than Quảng Ninh phải lên tiếng đòi quyền lợi. Khi giải đấu diễn ra bình thường, Than Quảng Ninh còn không đủ năng lực trả lương, trả tiền lót tay cho cầu thủ, thì họ có cách nào sống qua 6 tháng nằm im bất động và đợi chờ một tương lai không chắc chắn?

Ngoài yếu tố tài chính, sự không chắc chắn là một trong những yếu tố khác khiến các CLB xin hủy giải ngay lập tức. Không có gì đảm bảo V.League 2021 chắc chắn trở lại và kết thúc vào tháng 2/2022 như kế hoạch khi dịch bệnh diễn ra phức tạp. Nếu khi đó, giải đấu tiếp tục bị hoãn, hoặc đi đến lựa chọn cuối cùng là bị hủy như hiện tại, các CLB sẽ mất trắng kinh phí 6 tháng duy trì hoạt động.

Dừng giải ở thời điểm này vì thế là lựa chọn hợp lý, cho các CLB và VPF, sẽ phải chấp nhận chịu thiệt nhiều hơn một chút để các thành viên có thể tồn tại, hướng đến tương lai.

Tuy nhiên, số phận của cả nghìn cầu thủ từ V.League đến giải hạng Nhất Quốc gia sẽ ra sao vẫn là chuyện VPF và các CLB phải bàn tới. Giải đấu có thể hủy, kinh phí hoạt động có thể tiết kiệm, nhưng họ không thể bỏ mặc cầu thủ như đem con bỏ chợ.

 Hải Huy và các cầu thủ Than Quảng Ninh vẫn bị nợ lương, đối mặt tương lai bất định.

Đi tìm giải pháp cho cầu thủ

Trong phần kinh phí của các CLB, một khoản lớn nằm ở việc kéo dài hợp đồng với các cầu thủ, trong đó đặc biệt là các ngoại binh. Hiện tại, các CLB đã lần lượt chia tay các ngôi sao hết hợp đồng. Đó là phần tất yếu của các cuộc chơi. Với các ngoại binh này, tìm kiếm một CLB mới hoặc trở lại V.League vào năm tới không phải chuyện bất khả thi.

Với các ngôi sao lớn của bóng đá nội, hủy V.League 2021 cũng không thành vấn đề. Vẫn có rất nhiều CLB sẵn sàng chi đậm để mời họ về ngay từ thời điểm này. Nhưng phần đông cầu thủ thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lại không may mắn như vậy. Họ cũng chỉ hưởng lương như các lao động bình thường, với mức thu nhập bình quân 15 đến 20 triệu đồng/1 tháng. Họ là trụ cột gia đình và khi giải đấu bị hủy, hợp đồng bị cắt ngắn, lương bị giảm, cuộc sống của họ là vấn đề lớn mà VPF cùng các CLB phải quan tâm.

Nói cách khác, VPF và các CLB là đại diện các doanh nghiệp, cầu thủ là người lao động đặc biệt. Các doanh nghiệp cần có nghĩa vụ với người lao động đặc biệt của họ trong hoàn cảnh khó khăn này, nhất là khi chưa có doanh nghiệp nào đứng trên bờ vực phá sản, hay phải giải thể. Tất cả đều nói đến việc dừng giải để giúp CLB giảm thiệt hại, nhưng chưa ai nói đến việc giúp cầu thủ sống qua đại dịch ra sao.

Bóng đá Việt Nam cần phải tránh đi vào vết xe đổ của Indonesia và Thái Lan. Bóng đá Indonesia đóng băng suốt 17 tháng qua và hệ thống cầu thủ của họ gần như sụp đổ. Phần lớn cầu thủ chuyên nghiệp của xứ vạn đảo đã phải chuyển đổi sang ngành nghề khác để kiếm sống và chắc chắn không thể lấy lại phong độ sau khi rời xa sân cỏ quá lâu.

Thái Lan cũng chật vật giữa bài toán hủy giải hay tiếp tục và hoãn mùa giải trước đến 7 tháng, để rồi mùa giải mới hiện tại phải để trong chế độ chờ vô thời hạn. Rất nhiều cầu thủ Thái Lan thậm chí phải về quê chăn bò, làm nông, bán hoa quả để trang trải cuộc sống. Sẽ là bi kịch với bóng đá Việt Nam nếu điều đó xảy ra trong bối cảnh đội tuyển của chúng ta đang thành công trên đấu trường quốc tế và hướng đến các mục tiêu lớn trong tương lai.

Hải Huy lên tiếng “cầu cứu”

Ngay sau khi có thông tin VFF đồng ý hủy mùa giải V.League 2021, tiền vệ Nguyễn Hải Huy của Than Quảng Ninh là một trong những cầu thủ đầu tiên lên tiếng “cầu cứu” cho chính anh và các đồng nghiệp. Hải Huy chia sẻ: “Tôi rất buồn khi biết tin V.League 2021 bị hủy. Giải dừng rồi, chúng tôi biết sống như thế nào? Chúng tôi ăn tập bóng đá từ trẻ và có mỗi nghề này để kiếm thu nhập. Ai cũng nghĩ cầu thủ sướng, có lương thưởng cao, nhưng đâu phải vậy”.

“Đội đang nợ tôi 4 tháng lương và nhiều khoản thưởng lót tay khác, không biết khi nào mới được nhận. Nhiều cầu thủ hết hợp đồng hoặc bị thanh lý hợp đồng nhân dịp này, họ sẽ trở thành thất nghiệp. Từ nay đến mùa giải mới, không biết khi nào khởi tranh, nhiều cầu thủ không có CLB, không có thu nhập. Nếu chỉ hoãn giải như trước, chúng tôi vẫn được tập luyện duy trì phong độ. Bên cạnh đó, các cầu thủ cũng có trợ cấp đủ sống”.

An Khánh

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文