Sứ mệnh mới của ông Park Chung-gun

08:45 18/08/2022

HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Park Chung-gun đang trong những ngày thích nghi với vai trò mới. Tấm vé tham dự Olympic Paris năm 2024 đang là mục tiêu và thử thách với một trong những chuyên gia nước ngoài đặt nhiều dấu ấn nhất lên làng thể thao Việt Nam.

Cái duyên của thầy Park

Cho đến lúc này, làng thể thao Việt Nam vẫn đang đậm dấu ấn của 2 vị HLV người Hàn Quốc cùng mang họ Park. Ở môn bóng là HLV Park Hang-seo đã tạo nên hàng loạt cột mốc cho các đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23. Và ở môn bắn súng, đương nhiên là HLV Park Chung-gun.

Chính báo chí Hàn Quốc cũng đã chỉ ra rằng, trước ông Park Hang-seo, chính ông Park Chung-gun mới là HLV Hàn Quốc đầu tiên đặt dấu ấn không thể quên lên làng thể thao Việt Nam. Trong đó rõ nhất là thành tích giành 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio (Brazil) năm 2016.

HLV Park Chung-gun (trái) nhận được nhiều kỳ vọng.

Cơ duyên với bắn súng của ông Park Chung-gun với đội tuyển bắn súng Việt Nam bắt đầu từ năm 2006. Khi đó, bắn súng Việt Nam bắt đầu tìm hướng đi mới trong tập huấn đội tuyển quốc gia. Trước đó, đội chủ yếu tập huấn nước ngoài tại Trung Quốc với các chuyến đi ngắn ngày. Việc này cũng không giải quyết được hết những vấn đề chuyên môn gặp phải khi chỉ tập trong nước quanh năm suốt tháng ở trường bắn lạc hậu, thiếu sự cạnh tranh, học hỏi.

Vì vậy, hướng đi tập huấn tại Hàn Quốc được mở ra với sự hỗ trợ từ Liên đoàn Bắn súng Hàn Quốc. Thế là đội tuyển bắn súng Việt Nam mới có điều kiện tập huấn tại Hàn Quốc từ năm 2006. Tại đây, Liên đoàn Bắn súng Hàn Quốc đã cử ông Park Chung-gun tới hỗ trợ đội tuyển bắn súng Việt Nam. Để rồi từ đó bắt đầu một mối duyên giữa bắn súng Việt Nam và vị HLV người Hàn Quốc này. Những HLV, VĐV Việt Nam khi sang tập huấn tại Hàn Quốc và nhận sự hỗ trợ từ chuyên môn, dinh dưỡng… từ ông Park Chung-gun ngay lúc đó đã có cảm tình với vị HLV xứ kim chi.

Mối duyên của ông Park Chung-gun càng thêm đậm khi ông nhận lời tới làm việc tại Việt Nam vào năm 2014. Sau này, nhiều lần ông đã khẳng định, đó là quyết định khó khăn trong đời. Bởi ở Hàn Quốc ông đang có công việc và thu nhập ổn định, lại gần gia đình.

Chỉ có điều, nếu sang Việt Nam, ông sẽ được làm việc ở đội tuyển quốc gia với những xạ thủ đang khẳng định được trình độ trong làng bắn súng thế giới và được hướng đến mục tiêu tranh chấp huy chương ở những đấu trường lớn của bắn súng thế giới, châu lục. Về mặt nghề nghiệp, đó là cơ hội và cũng là thách thức. Nghĩ và cân nhắc rất nhiều, ông tới Việt Nam làm việc.

Đó là quyết định đúng của ông khi những gì diễn ra sau đó đã mang lại thành công, thậm chí còn khó tin với chính ông. Trong đó, rõ nhất là tấm HCV lịch sử bên cạnh 1 HCB khác của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio năm 2016. Nếu ở Hàn Quốc, chưa chắc ông đã có cơ hội tham gia vào hành trình giành những danh hiệu danh giá như vậy.

Tất nhiên, mọi sự không đến tự nhiên. Để làm được điều đó là cả hành trình dài truyền kinh nghiệm chuyên môn, điều chỉnh tâm lý và đặc biệt là xây dựng niềm tin có thể vô địch Olympic cho VĐV. Cũng vì vậy mới có câu chuyện ông Park Chung-gun luôn nhấn mạnh câu nói "I can do it" (Tôi có thể làm được) với những xạ thủ hàng đầu Việt Nam do ông trực tiếp huấn luyện như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường. Tất cả cũng để họ tin vào khả năng, vào sự thành công ở những nấc thang danh hiệu thế giới.

Và cũng không quá lời khi cho rằng, thành công của bắn súng Việt Nam ở Olympic Rio năm 2016 mang nặng dấu ấn của ông Park Chung-gun dù sau đó, ông luôn xuất hiện một cách kín đáo với sự khiêm nhường trong mỗi lễ mừng công đội tuyển… Thực tế đến lúc này, ông Park Chung-gun vẫn đang là HLV Hàn Quốc thành công nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam.

Sau thành công lịch sử của bắn súng Việt Nam ở Olympic Rio năm 2016, ông Park Chung-gun được biết đến nhiều hơn trong làng bắn súng thế giới. Nhiều lời mời từ nước khác với mức lương khoảng 15.000 - 20.000 USD/tháng, cao gấp 3-4 lần so với khi ông làm việc tại Việt Nam đã được gửi tới ông. Nhưng cuối cùng, ông vẫn gắn bó với đội tuyển trong vai trò chuyên gia của đội súng ngắn. Sau đó, mức lương của ông tại Việt Nam cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên nhưng chắc chắn không thể bằng so với những đề nghị trên. Quan trọng hơn cả là ông vẫn muốn cống hiến cho bắn súng Việt Nam.

Thêm trách nhiệm

Việc ông Park Chung-gun được đưa lên làm HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam từ đầu tháng 6 vừa qua cũng được xem là bất ngờ với nhiều người.

Nhiều năm trước đó, người ta đã quá quen việc HLV trưởng được trao cho HLV Nguyễn Thị Nhung, người cũng đặt dấu ấn mạnh mẽ vào thành công của đội tuyển, trong đó có việc mời ông Park Chung-gun sang Việt Nam làm việc.

Thế nhưng khi HLV Nguyễn Thị Nhung rút lui khỏi đội tuyển nên phương án ông Park Chung-gun được tính đến. Đơn giản, ông cũng quá hiểu cách vận hành ở đội tuyển, đã ở Việt Nam đủ lâu để có thể tạo nên vai trò cầu nối giữa Ban huấn luyện với các VĐV. Như thế, ông Park Chung-gun cũng trở thành HLV trưởng gốc nước ngoài đầu tiên của đội tuyển bắn súng Việt Nam.

Điều thuận lợi cho ông Park Chung-gun khi đảm nhận vai trò HLV trưởng đội tuyển chính là việc các học trò trước đây như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường cùng làm HLV tại đội tuyển. Kinh nghiệm, uy tín và sự hiểu biết tường tận phương pháp huấn luyện của họ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho vị HLV người Hàn Quốc thực hiện mục tiêu.

Những ngày này, khi đội tuyển đang tập trung ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, ông Park Chung-gun cũng thực sự bận rộn hơn hẳn. Như ông kể rằng, khối lượng công việc nhiều hơn hẳn so với trước khi phải bao quát chung các nội dung của đội tuyển. Chính ông cũng phải tham gia nhiều hơn vào huấn luyện trực tiếp cả ở những nội dung khác thay vì nội dung súng ngắn như trước. Nhưng như ông nhìn nhận thì đó là việc bình thường. Khi đã chấp nhận công việc thì phải theo và làm trọn vẹn. Tất cả cũng để nhằm giữ vị thế cho bắn súng Việt Nam sau thành công vang dội từ 6 năm trước.

Vị thế ấy đang bị ảnh hưởng sau khi không có xạ thủ Việt Nam giành vé trực tiếp dự Olympic Tokyo 2020 mà phải tham dự theo suất đặc cách.

Thế nên, chính ông Park Chung-gun cũng xác định rõ điều đó và mong muốn trước mắt sẽ cùng các học trò giành vé trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024. Chắc chắn, hành trình ấy sẽ không dễ dàng khi trong tay ông là những xạ thủ vẫn đang cần trui rèn, tích lũy kinh nghiệm. 

Ở năm thứ 9 tại Việt Nam, vị HLV người Hàn Quốc Park Chung-gun đang trải qua những thử thách quan trọng trong sự nghiệp cầm quân. Rõ ràng thách thức nhiều hơn trước nhưng cũng đầy thú vị, đáng để theo đuổi.

Yêu ẩm thực Việt Nam

Ông Park Chung-gun từng chia sẻ, Việt Nam là nơi giúp ông khám phá, hiểu nhiều hơn về các giá trị khác trong cuộc sống. Ông cũng đặc biệt ấn tượng với ẩm thực Việt Nam. Thậm chí, ông từng muốn mở cửa hàng bún chả. (Minh Khuê)

Minh Hà

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文