U23 Việt Nam trượt vé đi Olympic: “Nốt trầm” của bóng đá nước nhà
Sau thất bại của ĐT Futsal Việt Nam, U23 Việt Nam cũng dừng bước ở tứ kết U23 châu Á. Chỉ chưa đầy 24 giờ đồng hồ, bóng đá Việt Nam trượt 2 tấm vé góp mặt ở World Cup.
Tạm biệt lứa thế hệ 2001
U23 châu Á 2024 sẽ là lần cuối của lứa thế hệ cầu thủ sinh năm 2001, 2002. Những Văn Tùng, Phan Tuấn Tài, Quan Văn Chuẩn, Lương Duy Cương, Võ Hoàng Minh Khoa, Nguyễn Ngọc Thắng sẽ chính thức nói lời từ biệt màu áo U23 Việt Nam sau giải đấu trên đất Qatar.
Đi cùng nhau từ 2021 đến nay, một số cầu thủ trong nhóm này từng giành HCV SEA Games, trước khi cùng nhau vào tứ kết U23 châu Á 2022. Nhưng tựu trung lại, họ không có được thành công như kỳ vọng. 90 phút tại Al Janoub, với những dang dở ở tứ kết U23 châu Á 2024, thế hệ này khép lại một cái kết không như mong đợi.
Song cũng đúng thôi, những cầu thủ được nhắc đến kể trên cũng là thiểu số may mắn trụ lại sau những năm tháng đầy khó khăn của bóng đá nước nhà. Chẳng còn ai nhắc đến Đình Duy, Mạnh Quỳnh. Cũng chẳng mấy ai ngó ngàng Văn Đô, Vĩnh Nguyên. Chưa kể câu chuyện Xuân Tạo cũng sớm biến mất trong suy nghĩ của người hâm mộ Việt Nam, ngay khi tiềm năng nơi cầu thủ này mới chớm nở.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến bóng đá Việt Nam nói chung và cơ hội được thi đấu nhiều giải của lứa cầu thủ này nói chung. Khác với thế hệ đàn anh được chinh chiến từ mặt trận này qua mặt trận khác, cũng chẳng giống như các lứa cầu thủ đàn em kế cận bắt đầu được tạo điều kiện “chữa lành” bằng việc tạo điều ra sân tại cấp độ chuyên nghiệp CLB hay ĐT trẻ quốc gia, lứa cầu thủ 2000-2001 thật sự đã mất đi nhiều cơ hội để phát triển bản thân mình.
10 năm trước, lứa 1990-1991 của Văn Quyết bị coi là thế hệ kém may mắn, khi hiện diện giữa lằn ranh của thất bại và thành công. Sau 10 năm, lứa 2000-2001 cũng đang rơi vào lãng quên, trong luồng cảm xúc đan xen giữa vấn vương thế hệ vàng 1995-1999 và kỳ vọng của lứa 2003-2005 sau này.
Chưa hay và không may
Quay trở lại với U23 Việt Nam, giới chuyên môn nhận định “Những chiến binh sao Vàng” may mắn khi rơi vào bảng đấu dễ chịu nhất giải. Thực sự, hai bại tướng của U23 Việt Nam tại giải này là U23 Kuwait và U23 Malaysia thuộc nhóm đội yếu nhất tại VCK U23 châu Á 2024. Vậy nên, không ngạc nhiên khi đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn sớm có vé vào vòng tứ kết. Thậm chí, “Những chiến binh sao Vàng” còn thiết lập một loạt cột mốc ấn tương. Ví dụ như đội U23 Việt Nam đầu tiên vào tứ kết chỉ sau 2 lượt trận tại giải châu Á; hay đội U23 Việt Nam có điểm số cao nhất khi tham dự VCK U23 châu Á trong gần 1 thập kỷ qua.
Nhưng song song với đó, U23 Việt Nam cũng không may mắn. Đội thay HLV ngay trước thời điểm giải đấu chỉ khoảng 3 tuần lễ. Ngay khi tiếp quản chiếc ghế thuyền trưởng của ông Troussier, HLV Hoàng Anh Tuấn liên tiếp đón tin xấu về tổn thất nhân sự khi Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, Nguyễn Thanh Nhàn vắng mặt vì chấn thương. Đến khi toàn đội sẵn sàng bước vào chiến dịch, cái tên được kì vọng lớn nhất trong đội hình U23 Việt Nam là Nguyễn Đình Bắc lại bị đau chỉ sau 6 phút hiện diện tại U23 châu Á .
Những cầu thủ được kỳ vọng cũng không đạt được phong độ cao. Khuất Văn Khang chơi dưới sức, không thể hiện được tầm ảnh hưởng. Văn Tùng gần như không có đất diễn. Hàng phòng ngự lỏng lẻo, thiếu quyết đoán. Sự non nớt của Mạnh Hưng và Ngọc Thắng dẫn đến 2 tấm thẻ đỏ trực tiếp càng khắc sâu vào vấn đề nội tại của U23 Việt Nam.
Ở phương diện lối chơi, với chỉ hơn 10 ngày chuẩn bị, HLV Hoàng Anh Tuấn không thể đủ thời gian để vận hành một U23 Việt Nam thi đấu như mong đợi. Hệ quả, ngay cả khi U23 Việt Nam thắng U23 Kuwait hay Malaysia thì các cầu thủ vẫn cho thấy lối chơi rời rạc, thiếu gắn kết, từ tấn công lẫn phòng ngự
4 tháng đầu năm 2024 là một nỗi buồn sâu thẳm với bóng đá Việt Nam. Đầu năm nay, chúng ta bị loại khỏi Asian Cup 2023. Tháng 3 vừa rồi, U20 nữ Việt Nam không thể tạo nên bất ngờ ở giải châu Á. Ngay sau đó, 2 thất bại liên tiếp trước Indonesia khiến ĐT Việt Nam phải chia tay HLV Troussier đồng thời còn quá ít cơ hội để vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026.
Trong tháng 4 này, ĐT futsal trượt vé dự World Cup. U23 Việt Nam cũng thất bại trong tham vọng giành vé đến Olympic Paris vào mùa hè này. Đồng nghĩa, bóng đá Việt Nam đa phần không còn góp mặt ở bất kì giải đấu quốc tế nào. Mọi chuyện cũng phần lớn xoay quanh mặt trận quốc nội và Đông Nam Á như AFF Cup, SEA Games. Mục tiêu tầm châu lục và thế giới giờ chỉ còn hướng về đội U17 và U20 Việt Nam trong năm 2024 nhiều nỗi buồn. Hẳn nhiên, những gì mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam chờ đợi là liều thuốc “chữa lành” mang tên tân HLV trưởng ĐT Việt Nam. Chỉ có những kết quả tích cực tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 trong tháng 6, cộng thêm kết quả tốt ở đấu trường khu vực và giao hữu quốc tế tới đây mới giúp người hâm mộ Việt Nam và bóng đá nước nhà được hâm nóng trở lại.
Dù thất bại ở VCK U23 châu Á 2024, tuy nhiên lứa U23 hiện tại vẫn còn nhiều cầu thủ tiềm năng đủ tuổi tham dự U23 châu Á 2026. Đáng chú ý, nếu tiếp tục tham dự giải đấu vào 2 năm sau, Khuất Văn Khang và Nguyễn Văn Trường là 2 cầu thủ đầu tiên trong lịch sử giải đấu tham dự 3 kỳ VCK U23 châu Á liên tiếp. Nhìn chung, lực lượng U23 Việt Nam 2 năm sau vẫn được xem là 1 tập thể có tiềm năng, kinh nghiệm dồi dào.
Những cầu thủ U23 hiện tại đủ tuổi tham dự VCK U23 châu Á 2026 có thể kể đến bao gồm: Thủ môn Đoàn Huy Hoàng (2003); Hậu vệ Lê Nguyên Hoàng (2005), Hồ Văn Cường (2003), Nguyễn Hồng Phúc (2003), Nguyễn Mạnh Hưng (2005); Tiền vệ Nguyễn Đức Việt (2004) , Nguyễn Thái Sơn (2003), Nguyễn Đức Phú (2003), Nguyễn Văn Trường (2003), Khuất Văn Khang (2003); Tiền đạo Nguyễn Quốc Việt (2003), Bùi Vĩ Hào (2003), Nguyễn Đình Bắc (2004).
Tất nhiên, các cầu thủ cũng sẽ phải chứng minh được thực lực, duy trì phong độ trong 2 năm tới đây. Việc được sớm cọ xát ở ĐTQG cũng như bắt đầu góp mặt ở đội hình chính CLB chủ quản là yếu tố quan trọng để những tài năng trẻ U23 Việt Nam trưởng thành, trước khi hướng tới việc ít nhất góp mặt tại tứ kết U23 châu Á 2026.