V.League 2023 và dấu ấn của những ngoại binh "hàng hiệu"
Được ví như một nửa sức mạnh của đội bóng, ngoại binh tiếp tục chứng tỏ tầm quan trọng từ 2 vòng đầu tiên. Trong khi "Tây hàng hiệu" cho thấy khoản đầu tư vào họ nhanh chóng mang về thành quả thì những ngoại binh chất lượng kém có thể bị thanh lý ngay lập tức để nhường chỗ cho người mới.
"Đắt xắt ra miếng"
Ngay trong ngày ra mắt V.League, CLB Công an Hà Nội đã cho thấy họ không chỉ có dàn nội binh hùng hậu, mà "Tây" cũng mạnh không kém. Cả 5 bàn thắng của đội bóng Thủ đô đều được ghi bởi những ngoại binh. Người thi đấu đáng chú ý nhất không ai khác ngoài Juvhel Tsoumou, cầu thủ sở hữu bản CV đẹp nhất V.League thời điểm hiện tại.
Là sản phẩm của lò đào tạo trẻ CLB Eintracht Frankfurt, Tsoumou từng có thời gian thi đấu ở Bundesliga. Anh cũng khoác áo các đội tuyển trẻ Đức. Cầu thủ này đã trải qua 15 năm trôi dạt từ châu Âu đến châu Á nhưng đẳng cấp của anh vẫn còn đó. Cú hattrick ngay trong ngày đầu tiên là minh chứng cho sự khác biệt của Tsoumou.
Bên cạnh Tsoumou, 2 ngoại binh Jhon Cley và Gustavo Henrique cũng thi đấu ấn tượng không kém trên hàng công của Công an Hà Nội. Họ đều là những cầu thủ trưởng thành từ bóng đá Brazil, chinh chiến cho những đội bóng hàng đầu như Vasco da Gama và Botafogo trong quá khứ. Đẳng cấp của họ dường như ở một tầm cao hơn hẳn V.League.
Một điều thú vị khác về ba cầu thủ nói trên là họ được CLB chiêu mộ trong cảnh chân ướt chân ráo đến V.League. Điều này hoàn toàn khác biệt với thói quen của các đội bóng Việt Nam, khi họ thường sử dụng xoay vòng những cầu thủ nước ngoài đã thi đấu tại đây. Nhưng với trình độ vượt trội, Tsoumou, Cley hay Gustavo có vẻ đã cho thấy đội bóng đã đúng khi đặt niềm tin vào họ.
Một trong những đội bóng tuyển chọn ngoại binh theo kiểu mẫu chính là Bình Dương. Trước thềm mùa giải mới, đội bóng đất Thủ đã nhanh tay chiêu mộ Rimario và Moses sau khi bộ đôi này hết hạn hợp đồng với Hải Phòng. Cả hai đều là những ngoại binh có chất lượng hàng đầu V.League nhiều năm qua, và họ sớm cho thấy Bình Dương đã có một thương vụ đầu tư thông minh.
Nếu không có Rimario, Bình Dương hẳn đã nhận 2 trận thua ngay đầu mùa giải. Chân sút này không chỉ là người ghi bàn tốt nhất, anh cũng là người duy nhất lập công cho đội với 3 bàn thắng. Sở hữu tốc độ, sức mạnh cùng kỹ năng dứt điểm toàn diện, Rimario đang hướng đến năm thứ 2 liên tiếp chinh phục danh hiệu Vua phá lưới V.League.
Ở chiều ngược lại, việc Rimario và Moses ra đi khiến CLB Hải Phòng chật vật tìm ngoại binh mới thế chỗ. Bản thân HLV Chu Đình Nghiêm cũng thừa nhận rất khó chiêu mộ được tân binh đủ khỏa lấp vị trí bộ đôi này để lại. Người duy nhất ông Nghiêm tin dùng lúc này là Joseph Mpande, cầu thủ đa năng đội bóng thành phố Cảng.
Khác với những ngoại binh V.League thường chỉ chơi 6 tháng đến 1 năm rồi tìm bến đỗ mới, Mpande đã khác áo Hải Phòng đến mùa giải thứ 5. Đó là khoảng thời gian không yên ả khi Mpande từng kiện CLB chậm thanh toán lương, cũng như có thời gian mắc kẹt ở quê nhà vì COVID-19. Nhưng cuối cùng, đôi bên vẫn đồng hành vì cả hai cần có nhau.
Một số đội bóng khác như Hà Nội FC, hay Bình Định, Nam Định vẫn cho thấy chất lượng ổn định của nhóm ngoại binh. Một điểm chung có thể nhận thấy ở những CLB có "Tây" tốt là dòng tiền ổn định. Với nguồn đầu tư được đảm bảo, họ có thể đàm phán chiêu mộ cầu thủ tốt để hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong từng mùa giải.
"Hàng chợ" không còn chỗ
Ngay sau thất bại toàn diện ở trận tranh Siêu Cúp Quốc gia, CLB Hải Phòng đã thanh lý hợp đồng với Emmanuel Okutu. Cầu thủ này thi đấu ở vị trí tiền đạo nhưng thi đấu hoàn toàn lạc nhịp với đồng đội. Người thay thế anh là Carlos Fernandez, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Real Betis và đã ghi bàn ngay trận ra mắt đội bóng mới.
Những cầu thủ "hàng chợ" như Okutu không quá hiếm gặp trong môi trường bóng đá Việt Nam. Họ vốn chỉ là những cầu thủ có chất lượng bình thường, đến V.League với mơ ước đổi đời. Họ thậm chí được gọi bằng cái tên khá mỉa mai là "ngoại binh Tây Bùi Viện", một cách ám chỉ nhóm cầu thủ không tên tuổi.
Bằng nhiều cách khác nhau, một số ngoại binh "hàng chợ" vẫn có thể tìm được suất thi đấu ở V.League. Điểm đến của họ là những đội bóng thuộc nửa dưới bảng xếp hạng. Họ không có nguồn tiền ổn định và có thói quen thay thế "Tây" theo chu kỳ 6 tháng một lần, thậm chí ngắn hơn nếu chỉ ký rồi thanh lý theo dạng thử việc giữa mùa giải.
Trên thực tế, dường như chẳng có đội bóng nào ở V.League muốn chiêu mộ ngoại binh "hàng chợ" nếu vẫn đặt mục tiêu thi đấu ở hạng cao nhất. Với những CLB vừa trải qua biến động mạnh về mặt thượng tầng như CLB TP Hồ Chí Minh, đây là việc bất khả kháng. HLV Vũ Tiến Thành phải cay đắng thừa nhận những ngoại binh như Alexandre Bruce chưa đủ trình độ chơi bóng ở V.League, dù đây là cầu thủ được Lee Nguyễn giới thiệu.
Bên cạnh Bruce, Michael Green và Jonathan Campbell cũng chơi không tốt hơn anh chút nào. Họ dường như chỉ được chiêu mộ vì CLB không tìm được ai khá hơn. Tình trạng này cũng diễn ra ở những đội bóng như Khánh Hòa, Đà Nẵng và Hà Tĩnh. Họ vẫn phải chinh chiến vì những mục tiêu được đặt ra dù không có trong tay những lựa chọn như ý.
Ngoại binh V..League được tuyển mộ trên các trang tìm việc quốc tế?
Ông Jernej Kamensek, một người đại diện có nhiều năm làm việc tại Việt Nam vừa chia sẻ về một thông tin khiến nhiều khán giả giật mình. Theo đó, nhiều "cò" đăng bài tuyển mộ cầu thủ đến V.League trên các trang tìm việc như LinkedIn. Họ đưa ra những yêu cầu cơ bản về chiều cao, lý lịch, đồng thời kèm mức đãi ngộ hấp dẫn.
Một trong những vị trí được "cò" chào mời hậu hĩnh nhất là tiền vệ tấn công hoặc tiền đạo lùi. "Chúng tôi cần cầu thủ tự do, cao không dưới 1m85. Đãi ngộ các đội bóng V.League chi trả cho vị trí này bao gồm lương sau thuế lên tới 30.000 USD/tháng, được cấp nhà riêng và thưởng theo thành tích thi đấu", một "cò" đăng trên LinkedIn.
"Phần lớn những người môi giới cầu thủ như vậy đều là kẻ lừa đảo hoặc không phải dân trong ngành. Họ thậm chí chưa bao giờ xem bóng đá. Việc tin vào những kẻ như thế khiến chất lượng ngoại binh ở V.League từng có thời gian sa sút thảm hại", ông Kamensek nói.