Giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động ở đồng bằng sông Cửu Long
Xuất khẩu lúa gạo chiếm đến 90%, xuất khẩu thủy hải sản chiếm đến 60 - 70%..., đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu đã trở thành vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ngày càng nghiêm trọng.
Người lao động (NLĐ) có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để tìm việc. Thiếu lao động tại chỗ không chỉ làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương gặp khó khăn mà cũng chính là trở ngại lớn cho các nhà đầu tư…
Tại diễn đàn “Mekong Connect 2021” vừa tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nhận định, là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước, đóng góp cho nền kinh tế, nhưng ĐBSCL lại đang chịu thiệt thòi nhiều nhất cả về đầu tư, cả về nguồn nhân lực.
Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học ở Tây Nam bộ rất thấp. Việc thiếu lao động trẻ, lao động có trình độ cao là rất phổ biến. Bài toán đặt ra là làm sao đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, không chỉ cho ngành nông nghiệp.
Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Công ty Talentnet cho rằng có 3 chiến lược đối với nguồn nhân lực ở ĐBSCL. Thứ nhất, đó là chiến lược thu hút nhân tài bằng cách phải có dự án trọng điểm. Thứ hai là việc đào tạo nguồn nhân lực của các trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với DN. Trước khi đào tạo cần phải hỏi nhu cầu DN, để DN “đặt hàng”.
Chiến lược này là trong DN có trường học, trong trường học có DN, học năm thứ nhất sinh viên đã vừa học vừa thực hành, chứ không phải đợi học xong rồi mới thực hành. Thứ ba là chiến lược mượn chuyên gia từ các địa phương khác, thậm chí là ở nước ngoài.
Việc đào tạo hay đào tạo lại nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Phải tìm ở 13 tỉnh ĐBSCL có bao nhiêu DN 1.000 tỷ. Khi đã tìm được, xác định đó là những DN trọng điểm để tìm hiểu nhu cầu nguồn nhân lực và chiến lược, tầm nhìn tương lai của họ ra sao, từ đó giải bài toán nguồn nhân lực cho họ.
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Công ty Vinamit, nếu ĐBSCL cứ đi theo cách cũ thì sẽ thụt lùi. Vậy đổi mới, theo hướng công nghệ sinh học, phải tạo ra tinh thần đổi mới từ đội ngũ kỹ sư, nông học mới. “Nên đào tạo nguồn nhân lực từ bây giờ theo định hướng rõ ràng như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ có một tương lai khác”, ông Viên nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kỹ năng sản xuất, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi của người dân ĐBSCL rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay ngành nông nghiệp đang đối mặt với “ba biến”: biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, xu thế tiêu dùng. Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cần phải có sự thay đổi để phù hợp với “ba biến” này. Một yếu tố rất quan trọng khiến NLĐ ở ĐBSCL tìm đến các địa phương khác để làm việc, đó là giá nhân công, lương bổng cho NLĐ còn thấp, không đủ sức hấp dẫn NLĐ ở lại địa phương làm việc.
PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh dẫn chứng: “Nhiều học trò của tôi học xong không muốn về quê. Nghĩ về nguồn nhân lực thì phải nghĩ về vấn đề lương bổng”.
Cũng theo PGS.TS Đàm Sao Mai, có nhiều bạn khởi nghiệp ở các tỉnh muốn đưa sản phẩm của tỉnh mình ra thị trường nhưng rất khó vì chưa được đào tạo bài bản. Vì vậy, phải làm sao để thu hút người trẻ học xong về quê và vừa phải làm sao có những đào tạo cơ bản cho những bạn khởi nghiệp ở địa phương.
Ths. Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, ĐH Kinh tế cho biết, khi hoạch định phát triển phân hiệu Vĩnh Long, trường cũng đã căn cứ vào 3 nền tảng: Thứ nhất tư duy lại doanh nhân nông dân; Thứ hai là các khoảng trống đào tạo, đào tạo tại chỗ; Thứ ba là xem xét lại phát triển mối quan hệ giữa DN và nhà trường, dạy là phải áp dụng được trong thực tế. Hiện phân hiệu Vĩnh Long cố gắng làm sao để kết nối DN và nhà trường để nhân lực đào tạo ra đáp ứng được nhu cầu của DN.