Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

09:36 11/10/2024

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, đời sống người dân nơi đây được cải thiện và nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung toàn tỉnh.

Đời sống người dân được cải thiện nâng cao

Ngọc Thanh là xã miền núi duy nhất của thành phố Phúc Yên- Vĩnh Phúc, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu chiếm 35% dân số toàn xã. Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, UBND xã đã hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả đã giúp gia đình chị Loan ổn định cuộc sống.

Năm 2023, UBND xã phối hợp với các đơn vị, sở, ngành liên quan xây dựng và tiến hành thẩm định 1 mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 1 ha ở thôn Miếu Gỗ; 1 mô hình trồng cây ăn quả quy mô 2 ha ở thôn Đồng Giãng; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đến nay, 100% đường trục chính, trục thôn, liên thôn trên địa bàn xã được cứng hóa giúp việc đi lại, giao lưu buôn bán của người dân thuận tiện. Một số tuyến đường ngõ xóm đã được đổ bê tông; các tuyến đường trục chính đều có đèn đường chiếu sáng.

Các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân. Toàn xã hiện có 7/8 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2 và 4 trường đạt chuẩn mức độ 1. Hiện nay, số hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn xã là hơn 500 hộ; xã đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% số hộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi của xã được sử dụng nước sạch đạt chuẩn.

Đơn cử như hộ gia đình chị Lý Thị Loan, thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên trước đây sống chủ yếu bằng nghề nông, kinh tế ở mức đủ ăn. Được sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ của các tổ chức hội, đoàn thể, gia đình chị mạnh dạn đầu tư xây dựng và phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả. Được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị đã đầu tư gia cố lại chuồng trại chăn nuôi và mua giống bưởi da xanh về trồng tại vườn. Đến nay, trang trại của gia đình chị đã có 10 con lợn rừng, 12 con bò và trồng hơn 100 gốc bưởi. Nhờ đó, thu nhập ổn định, kinh tế gia đình từng bước phát triển, hiện gia đình chị trở thành một trong những hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ một xã miền núi nhiều “không”: Không điện, không đường, không trạm…, song được sự quan tâm, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, những năm gần đây, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo đã thực sự thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Điều dễ nhận thấy nhất khi đến Yên Dương là những ngôi nhà cao tầng, những con đường bê tông kiên cố, những vườn cây xanh mướt, những trang trại trù phú… Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới, chứng tỏ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương ngày một khởi sắc.

Theo thông tin từ UBND xã Yên Dương, hiện, 100% tuyến đường trục xã, cơ bản các tuyến trục thôn trên địa bàn xã đã được cứng hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư, bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt hơn 54 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Đáng chú ý, Yên Dương cũng được chọn là 1 trong 5 xã của huyện Tam Đảo thực hiện thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Đồng Pheo, nơi có 100% đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống.

Theo đó, các hạng mục cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp với điểm nhấn là Khu thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chi bộ, giao lưu văn hóa, thể thao của người dân. Theo bà Trần Thị Gái, thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương, từ khi có nhà văn hóa mới to đẹp, các sinh hoạt cộng đồng về văn hóa, thể thao có điều kiện được tổ chức thường xuyên hơn, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con nhân dân. Từ đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng diện mạo thực sự đáng sống ở ngôi làng này.

Với sự quan tâm, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt hơn 54 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Mô hình chăn nuôi bò sữa của Hợp tác xã Môi trường và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp

Tam Đảo là huyện miền núi của tỉnh, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42% dân số toàn huyện. Huyện có 7/9 xã, thị trấn nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân vay vốn, phát triển kinh tế. Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân trên 642 tỷ đồng, cho gần 9.600 khách hàng vay vốn phát triển kinh tế, trong đó, có gần 3.200 khách hàng là người dân tộc thiểu số.

Từ hộ gia đình khó khăn, năm 2021 nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Trần Thị Thanh Thảo ở thôn Phân Lân Thượng xã Đạo Trù đã đầu tư nuôi bò nái sinh sản, nuôi lợn. Chị Trần Thị Thanh Thảo cho biết: "Sau 3 năm, gia đình tôi hiện đang nuôi 2 nái bò, 5 nái lợn và 30 con lợn bột. Nguồn thu từ chăn nuôi giúp gia đình tôi đã có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, đầu tư cho con cái học hành."

Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người nghèo, người thuộc gia đình chính sách. Riêng trong năm 2023, huyện hỗ trợ đào tạo nghề cho 866 người, trong đó có 356 người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện tổ chức nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, tặng quà, trao học bổng, nhận đỡ đầu học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi và xã hội hóa hỗ trợ vật chất cho các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến cuối năm 2023, huyện Tam Đảo chỉ còn 193 hộ nghèo, trong đó có 120 hộ dân tộc thiểu số, đời sống người dân vùng dân tộc miền núi không ngừng được cải thiện nâng cao.

Đồng bộ giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh; có 11 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và thiểu số và miền núi thuộc 5 huyện, thành phố gồm: Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên và Phúc Yên.

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công… Đồng thời, quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc trên tất cả các mặt, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.

Chỉ tính riêng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 159 trường hợp với tổng dư nợ 15 tỷ đồng; bố trí 2,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; dành 1,6 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; 100% địa phương có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới; 100% thôn dân cư có nhà văn hóa; 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, 100% học sinh mẫu giáo 5 tuổi được đến trường...

Mô hình nuôi thỏ tại xã Yên Dương, huyện Tam Đảo cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đến nay, nhiều chỉ tiêu của chương trình đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình, đề án, dự án được triển khai thực hiện lồng ghép đã góp phần hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; 100% địa phương có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới; 100% thôn dân cư có nhà văn hóa; 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, 100% học sinh mẫu giáo 5 tuổi được đến trường...

Để tiếp tục chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời, bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của chương trình theo ngành, lĩnh vực phụ trách trên cơ sở nắm bắt khó khăn, đề xuất của Ban Dân tộc; tăng cường kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện chương trình, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Đối với các huyện, thành phố có xã đặc thù thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chương trình trên cơ sở nguồn vốn ngân sách được tỉnh phân bổ; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực từ địa phương bảo đảm phát huy hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng.

Năm 2024, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đó là: Mức thu nhập bình quân của người dân tăng trên 1,2 lần so với năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm dưới 1,0%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%; trên 50% số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Diện mạo xã miền núi Quang Sơn, huyện Lập Thạch có nhiều đổi thay.

Để hoàn thành các mục tiêu để ra, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của chương trình theo ngành, lĩnh vực phụ trách trên cơ sở nắm bắt khó khăn, đề xuất của Ban Dân tộc; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện chương trình, đảm bảo kịp thời, đúng quy định, thường xuyên đôn đốc, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình ở các cấp theo định kỳ hằng tháng.

Đối với các huyện, thành phố có xã đặc thù thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chương trình trên cơ sở nguồn vốn ngân sách được tỉnh phân bổ, đồng thời, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực từ địa phương bảo đảm phát huy hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ, lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nhằm tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương thực hiện các nội dung, dự án của chương trình để tăng tính chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình.

Vĩnh Phúc hướng tới nền nông nghiệp xanh

Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tích cực phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Qua đó, không chỉ giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ của HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Lượng

Hiện nay, quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tạo ra một lượng phế, phụ phẩm rất lớn, ước tính lên tới 2 triệu tấn/năm. Trong đó có khoảng 300.000 tấn rơm rạ, 10.000 tấn vỏ trấu, 1,4 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 50.000 tấn chất thải rắn tại các luồng tiêu, trục tiêu… Phần lớn khối lượng phụ phẩm này chứa đựng nhiều dưỡng chất, có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ cho cây trồng; hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất hoặc làm chất đốt…

Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều phụ phẩm nông nghiệp đã và đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tận dụng, trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp hay các lĩnh vực khác. Ðối với chất thải chăn nuôi, nhiều bà con cũng chủ động xử lý bằng sản phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học (biogas) để làm khí đốt tiết kiệm chi phí sinh hoạt và tận dụng triệt để bã thải để tái phục vụ sản xuất nông nghiệp của chính gia đình mình.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp, đơn vị như: Hợp tác xã Tài Yên, Hợp tác xã Môi trường và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng, Hợp tác xã Dịch vụ môi trường xã Tân Phong… cũng đã tận dụng nguồn nguyên liệu tái tạo này để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường. Với các phụ phẩm trong trồng trọt, nhiều trang trại và nông hộ cũng đang tận dụng để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.

HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung (Vĩnh Yên) tuân thủ quy trình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Lượng

Thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 của Chính phủ, đến nay, tỉnh đã triển khai 8 chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn, gồm: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; hỗ trợ sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; triển khai mô hình IPM, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong trồng trọt; thu gom, xử lý vỏ bao bì đựng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; quản lý, bảo vệ rừng, ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 29 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 680 ha; 18 mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu hữu cơ; 5.000 ha sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ. Đồng thời, hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ với quy mô 2.000 con gà tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, 200 con lợn tại xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ với quy mô 1.900 con lợn, hơn 3.000 con gà; hỗ trợ gần 280 tấn chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi, 420 tấn chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ; hỗ trợ thu gom, thiêu hủy hơn 20 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng 28 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhận thức của doanh nghiệp, người nông dân đã có sự chuyển biến tích cực; phụ phẩm trong nông nghiệp đang dần trở thành nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị cao. Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; tăng cường chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Cùng với đó, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; thực hiện lồng ghép cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vào các chính sách, dự án liên kết vùng, các chương trình, kế hoạch liên quan của tỉnh; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn.

Trân Trân

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文