4 lý do không nên đổi tên CMND thành thẻ căn cước
>> CMND, mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước: "3 trong 1"
Dự án Luật Căn cước công dân được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đã được UBTV Quốc hội cho ý kiến, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Qua việc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và nhân dân, ý kiến của Chính phủ và UBTV Quốc hội, về cơ bản nhất trí với các nội dung cơ bản được quy định trong dự thảo luật, đồng thời bổ sung một số vấn đề có liên quan. Riêng thuật ngữ “chứng minh nhân dân” được sử dụng trong dự luật, bên cạnh các ý kiến tán thành thì quá trình thảo luận, lấy ý kiến cũng có một số quan điểm cho rằng cần đổi tên CMND thành “thẻ căn cước công dân”.
Lập luận bảo vệ quan điểm đổi tên là thuật ngữ “thẻ căn cước” được áp dụng nhiều nơi trên thế giới, đồng thời để đảm bảo tính thống nhất với tên gọi của dự luật là Luật Căn cước công dân. Bộ Tư pháp cũng đồng quan điểm nói trên, cho rằng cần đổi tên sang “thẻ căn cước”.
Chúng tôi cho rằng cần giữ nguyên tên gọi “giấy chứng minh nhân dân” mà không cần phải đổi thành “thẻ căn cước công dân” vì các lý do chính sau đây:
Công an làm thủ tục cấp CMND cho đồng bào vùng cao. |
Tên gọi đã ổn định từ lâu
Tên gọi CMND đã có từ lâu và tên gọi này đã quen thuộc với người dân, cơ quan quản lý. Thời Pháp thuộc gọi là thẻ căn cước, giấy thông hành hoặc giấy chứng minh trong phạm vi toàn Đông Dương. Đến năm 1946, theo Sắc lệnh số 175-b ngày 6/9/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thẻ công dân được sử dụng thay cho thẻ căn cước. Thẻ công dân chứng nhận về nhân thân và những đặc điểm riêng của mỗi công dân, bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp... do Ủy ban hành chính xã, thị xã hoặc thành phố, nơi nguyên quán hoặc trú quán của công dân cấp cho công dân Việt Nam tuổi từ 18 trở lên. Từ năm 1957, thẻ công dân được thay bằng giấy chứng minh, người dân quen gọi “chứng minh nhân dân”. Còn tại miền Nam Việt Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa vẫn gọi thẻ căn cước (được sử dụng phổ biến đến cuối tháng 4 năm 1975).
Từ khi thống nhất đất nước sau chiến tranh, năm 1976, giấy CMND được sử dụng thống nhất trong cả nước. Từ năm 1999, được thay bằng chứng minh nhân dân theo quy định của Chính phủ. Trong mấy chục năm qua, các văn bản pháp lý của Nhà nước cũng sử dụng thuật ngữ CMND (Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về CMND, Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về CMND...).
Soi xét lịch sử thế thì thấy, tuy có những giai đoạn gọi là căn cước hay thẻ công dân nhưng nhìn chung, thuật ngữ CMND đã được sử dụng rộng rãi từ lâu, đặc biệt kể từ sau năm 1975, thuật ngữ này sử dụng thống nhất trên toàn quốc. Một thuật ngữ được sử dụng có chiều dài như vậy, mặc nhiên nó định hình trong tư duy của người Việt, ai cũng hiểu mà không phải giải thích ngữ nghĩa của từ này là gì, là thế nào. Đó là điều chúng ta cần kế thừa, trước khi tính đến việc thay đổi nào đó sẽ gặp rắc rối ngay từ tên gọi.
Điều này cũng giống như khi chúng ta thảo luận về Hiến pháp 1992 sửa đổi, có ý kiến đề nghị sử dụng lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Sau khi cân nhắc, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, tên gọi “Cộng hòa XHCN Việt Nam” đã được sử dụng thống nhất từ sau 1975, đã quen thuộc với mọi người dân nên không cần thiết phải đổi, dễ gây xáo trộn.
Việc thay đổi sẽ gây xáo trộn và rất tốn kém
Do chúng ta thống nhất dùng thuật ngữ CMND đã nhiều thập kỷ nên hầu hết các giấy tờ của cá nhân, tổ chức có liên quan đều sử dụng thuật ngữ này cũng như các thông số ghi trên CMND. Nếu thay đổi sẽ dẫn tới có cùng lúc hai tên gọi: vừa thẻ căn cước, vừa CMND, gây ra rắc rối, mâu thuẫn giữa chính các giấy tờ của công dân. Chẳng hạn, giấy tờ nhà đất của người dân trước tới nay ghi CMND của người sử dụng, chuyển nhượng, nay lại “thò” thêm từ thẻ căn cước gây rắc rối, còn nếu phải chỉnh sửa cũng rất phiền nhiễu.
Tính đến hết năm 2013, toàn quốc đã làm thủ tục và cấp được hơn 68 triệu CMND, đạt 96,6% so với tổng số người trong diện cấp, trong đó, cấp mới hơn 34 triệu, đổi hơn 18 triệu, cấp lại 16 triệu. Các CMND này đang ổn định, nếu thay đổi tên gọi thì lần lượt chúng ta phải đổi lại, cấp lại hơn 68 triệu CMND nói trên. Điều này gây xáo trộn rất lớn và khoản kinh phí bỏ ra không hề nhỏ. Còn nếu vừa tồn tại giấy CMND, lại vừa “đẻ” thêm tên gọi thẻ căn cước tất gây ra sự phức tạp không đáng có và làm lúng túng ngay trong cơ quan quản lý tới người dân. Hơn nữa, hiện Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện đề án CMND mẫu mới với 12 chữ số và những cải tiến về chất liệu, hệ thống thông tin điện tử... Đề án này vẫn thống nhất gọi CMND như lâu nay.
Tên CMND có rườm rà, rắc rối đến mức phải đổi không?
Trước đây, ta gọi thẻ công dân, rồi được bổ sung như trên. Với 4 từ, thuật ngữ này không quá dài, cũng không quá ngắn, nó vừa đủ cả ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp. Dự luật đưa ra định nghĩa: “CMND là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam”. Như vậy, dù gọi thẻ căn cước hay CMND thì bản chất là một.
Đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, 20/24 phiếu ghi ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý lấy tên gọi "CMND"; chỉ có 4/24 phiếu ghi ý kiến thành viên Chính phủ đề nghị đổi tên CMND thành "Thẻ căn cước công dân". Đa số phiếu ghi ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý với tên gọi CMND và cho rằng, về bản chất, CMND chính là thẻ căn cước công dân. Tên gọi CMND đã được sử dụng rộng rãi từ lâu và trở nên quen thuộc đối với tất cả mọi công dân Việt Nam.
Hiện nay, các giao dịch của công dân và hoạt động quản lý của mọi cơ quan, tổ chức và các biểu mẫu, giấy tờ hành chính cũng như các giấy tờ cấp cho công dân đều sử dụng thuật ngữ CMND, nếu đổi thành "Thẻ căn cước công dân" sẽ phải thay đổi nhiều quy định có liên quan và các biểu mẫu, giấy tờ hành chính hiện nay, gây tốn kém không cần thiết cho ngân sách Nhà nước và xáo trộn trong các giao dịch của công dân... Ngoài ra, tại các cuộc hội thảo, lấy ý kiến, đa số cũng đề nghị giữ nguyên tên gọi CMND. Như vậy, ý kiến đề nghị đổi chỉ thuộc số ít.
Việc giữ nguyên một thuật ngữ nào đó hay đổi tên, đổi tên như thế nào, mỗi quan điểm đều có cách tiếp cận và lập luận riêng. Những ý kiến khác nhau cũng là bình thường trong thảo luận các dự luật, thể hiện cách nhìn đa chiều về một vấn đề, ngay như tên gọi nhiều dự luật của các cơ quan hữu quan khi soạn thảo, trình Quốc hội cũng còn những ý kiến khác nhau. Vấn đề là trong sự đa dạng với những luồng quan điểm khác nhau đó, chúng ta cần chắt lọc, lựa chọn ra phương án khả dĩ nhất, đảm bảo tính khoa học (lý luận và thực tiễn). Đặc biệt là sự phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn nước ta, có tính đến các yếu tố xu thế mở cửa, hội nhập, các yếu tố khác về kinh phí, tâm lý, quan niệm của người dân.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh nhất trí như dự thảo Luật về cấp và quản lý CMND, vì đây là hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh - trật tự, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội và giao dịch của người dân, thực chất đây là việc luật hóa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã được thực hiện ổn định, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, tạo cơ sở pháp lý cao hơn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và thực hiện đổi mới trong hoạt động này.
CMND là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Để bảo đảm đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số CMND được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân