Ai kê khai tài sản sai thì phải mất chức
- Bà Quỳnh Anh vẫn phải kê khai tài sản nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật
- Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói gì về kê khai tài sản cá nhân?
- Bộ Chính trị quy định kiểm tra tài sản khoảng 1.000 cán bộ lãnh đạo
*Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Kiểm tra với cán bộ cấp cao sẽ có tính nêu gương
Tôi cho rằng khi Bộ chính trị quyết định đối tượng kiểm tra giám sát như thế thể hiện quyết tâm của Đảng ta, không có loại trừ nào với người kê khai tài sản. Chức vụ càng cao thì càng phải làm gương trước. Việc tập trung kiểm tra với cán bộ cấp cao làm gương, rồi tiến hành với các đối tượng khác thì sẽ đồng bộ. Thực hiện như thế là trên trước, dưới sau.
Đại biểu Nguyễn Thái Học |
Tôi nghĩ đúng là với người có chức vụ càng cao thì quá trình kiểm tra, giám sát có khó khăn, cũng nhạy cảm, nhưng quyết tâm thì chúng ta làm được, vì đây là một trong những vấn đề thể hiện Đảng chúng ta có trong sạch vững mạnh hay không, Chính phủ có liêm chính vì dân không. Phải bắt đầu từ những việc cụ thể, gắn liền với bản thân của mỗi đồng chí lãnh đạo.
Lâu nay anh nói thế nào tôi chưa biết, nhưng với nghĩa vụ kê khai và công khai tài sản thì anh có trung thực không, có làm đúng như Đảng yêu cầu hay không? Đây không chỉ là nghĩa vụ của cán bộ, công chức nói chung mà thể hiện sự gương mẫu, nêu gương của đồng chí lãnh đạo.
Có thể có đồng chí lãnh đạo có nhiều tài sản, nhưng tài sản đó kê khai trung thực, nguồn tài sản có được hợp pháp, dân giám sát một cách khách quan công bằng thì phải tôn trọng, ghi nhận và khi công khai minh bạch như thế thì nhân dân đồng tình. Nếu như có nhiều tài sản mà kê khai không có gì, thể hiện không trung thực trong công khai thì phải kiểm tra, giám sát để chỉ ra địa chỉ đó ở đâu và xem xét.
* Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Kê khai tài sản còn “kín” nên không có hiệu quả
Kê khai tài sản là vấn đề Đảng, nhà nước đã có tổng kết và nhiều nghiên cứu rồi. Có nhiều nguyên nhân khiến việc này được thực hiện không hiệu quả, nhưng nguyên nhân đầu tiên là người kê khai không trung thực. Thậm chí, việc tẩu tán tài sản cũng đã xảy ra, đã phát hiện nhiều trường hợp và có những đồng chí đã bị miễn nhiệm chức vụ và kỷ luật vì không trung thực.
Thứ hai là việc kê khai từ trước đến nay không đưa vào quá trình giám sát, tức là chúng ta kê khai và cất nó đi. Thứ ba là không minh bạch, không để cho những người khác có thể kiểm soát được mà chỉ (công khai) ở trong phạm vi nhỏ. Nó còn kín cho nên không có hiệu quả.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng |
Đó tuy là những nguyên nhân nhỏ, nhưng lại tác động rất lớn đến tính hiệu quả của việc kê khai. Chính vì vậy, thực tế kê khai là có, nhưng không mang lại nhiều hiệu quả. Đến khi một đồng chí nào đó bị phát giác mới lôi bản kê khai ra, lúc đó mới phát hiện ra. Lúc chúng ta xem xét thì tài sản đó đã đi rất nhiều vòng rồi, qua nhiều chủ rồi cho nên tôi thấy nó không hiệu quả lắm.
Đặc biệt là thái độ xử lý chưa cương quyết lắm đối với những trường hợp này. Anh kê khai sai anh phải mất chức. Tại sao như vậy? Vì anh đã sử dụng bản kê khai này làm điều kiện tối thiểu để được bổ nhiệm, bầu cử, cho nên anh kê khai không trung thực thì anh phải bị xử lý, bị loại ra khỏi cuộc chơi này. Tôi nghĩ cần phải cương quyết.
Bản thân cử tri và nhiều người cũng kỳ vọng và đặt niềm tin rất là lớn vào công việc sắp tới phải làm. Tuy nhiên, người ta cũng băn khoăn liệu có xử lý một cách rốt ráo không? Liệu những người đứng ra trực tiếp làm có đủ năng lực và đủ độ tin cậy không? Và liệu người dân có được kiểm soát, được xem xét, thông tin về kết quả kiểm tra, giám sát hay không?
Chỗ này tôi đề nghị các cơ quan chức năng cũng nghiên cứu ý kiến của nhân dân, cử tri và ĐBQH để chúng ta quy định và tiến hành công việc này cho thực sự có hiệu quả, mang lại niềm tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ.