Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến: Theo Bác Hồ về nước kháng chiến

08:03 12/12/2016

Sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với phía Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946 nhằm kéo dài hòa bình. Trước lúc Người trở về Tổ quốc, một số trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp bày tỏ nguyện vọng được theo về cùng Bác để tham gia kháng chiến. 

Bài 3: Theo Bác Hồ về nước kháng chiến

Những người được Bác Hồ lựa chọn gồm Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh. Sau này, một số trí thức lần lượt về nước tham gia kháng chiến như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo… Từ lòng yêu nước và sự ngưỡng mộ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Bác Hồ, họ đã từ bỏ vàng son, bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, góp phần vào những thắng lợi của dân tộc. 

Tiếng gọi non sông

Một buổi sáng cuối thu Hà Nội, tôi đến thăm vợ chồng ông Trần Dũng Trí - Nguyễn Thị Quang. Ông Trí là trưởng nam của nhà trí thức nổi tiếng Trần Đại Nghĩa. Căn phòng khách trong ngôi nhà cổ tại phố Hàng Chuối toát lên sự thanh bạch và giản dị, có trưng bày khá nhiều hiện vật là niềm tự hào của gia đình, đặc biệt là bức ảnh (chụp năm 1960) Bác Hồ và Giáo sư Trần Đại Nghĩa đang trao đổi công việc. Căn nhà này là nơi Giáo sư, Viện sỹ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã sống trên 3 thập kỷ, trước khi chuyển vào TP Hồ Chí Minh năm 1991.

“Ba tôi đặt tên chúng tôi, lấy theo họ Trần được Bác Hồ đặt cho ba tôi khi về nước tham gia kháng chiến” – ông Trí tâm sự về lí do không mang họ theo gốc gác người cha Phạm Quang Lễ. Những ký ức về người cha mẫu mực khiến ông Trí và bà Quang xúc động… Bỗng có tiếng chuông cổng và hai vị khách xuất hiện, là bà Võ Quý Hòa Bình và chồng là ông Thanh. Bà Võ Quý Hòa Bình là trưởng nữ của kỹ sư Võ Quí Huân. Hai vị Trần Đại Nghĩa, Võ Quí Huân cũng là bạn bè thân thiết từ khi còn ở Pháp (trước năm 1946) và đến nay hai gia đình vẫn duy trì mối quan hệ tình cảm sâu nặng.

Vợ chồng ông Trần Dũng Trí, trưởng nam của Giáo sư Trần Đại Nghĩa (thứ nhất, thứ hai từ trái qua) và vợ chồng bà Võ Quí Hòa Bình, trưởng nữ của kỹ sư Võ Quí Huân. (ảnh chụp tháng 10-2016).

Ông Trí kể: “Theo hồi ức của ba tôi, trong thời gian Bác Hồ và các đại biểu nước ta thăm Pháp, ba tôi và chú Võ Quí Huân cùng nhiều anh em rất tích cực tham gia các hoạt động của đoàn, đặc biệt là tổ chức tuần hành, tuyên truyền, vận động dư luận Pháp ủng hộ Việt Nam độc lập. Khi hội nghị Fontainebleau thất bại, Bác cho gọi cha tôi đến và bảo: “Bác sắp về nước, chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Chú đã sẵn sàng chưa?”. Ba tôi trả lời “Thưa Bác, cháu đã sẵn sàng”…

Trong hồi ký “Trở về Tổ quốc kính yêu” (viết tháng 5-1993), Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhớ lại: “Đoàn tùy tùng theo Bác Hồ về nước gồm 6 người: anh Đỗ Đình Thiện – thư ký của Bác, Đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh, kỹ sư luyện kim Võ Quí Huân, bác sỹ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh và tôi, lúc ấy có tên là Phạm Quang Lễ. Anh Thiện và anh Huỳnh đi cùng Bác từ Hà Nội. Còn bốn người chúng tôi xem như Việt kiều về nước…

Những ngày tiếp xúc với Bác Hồ ở Paris, tôi luôn có những cảm giác lạ thường, một tiếng gọi thiêng liêng vừa gần, vừa xa, có cả ảo lẫn thực. Tiếng gọi từ một nơi xa xăm vạn dặm, và cũng rất gần gũi bên tai. Lời của Bác, hình ảnh và linh hồn Tổ quốc kính yêu. Tiếng gọi đó trùng với ước mơ và hoài bão tuổi trẻ của tôi lúc bấy giờ”…

Nhớ về quãng thời gian được cùng Bác trên chiếc Thông báo hạm Dumont d Urville dọc hải trình từ cảng Toulon trở về Tổ quốc, Giáo sư Trần Đại Nghĩa chiêm nghiệm: “Trong những ngày ở cùng Bác trên con tàu, tôi có một cảm giác mới lạ, như đang sống trong một quốc gia thu nhỏ. Bác là nguyên thủ quốc gia, còn sáu tùy tùng là đại diện của ba miền đất nước: anh Đỗ Đình Thiện, anh Vũ Đình Huỳnh, anh Trần Hữu Tước ở Bắc Bộ; anh Võ Quí Huân, anh Võ Đình Quỳnh ở Trung Bộ, và tôi Phạm Quang Lễ ở Nam Bộ”…

Trong số 4 trí thức Việt kiều về nước, duy nhất kỹ sư Võ Quý Huân đã lập gia đình, có một cô con gái tên là Võ Quí Việt Nga. Vợ ông Huân là bà Vo Qui Irenè, gốc Nga. Bà là chuyên gia ngôn ngữ học. Thời điểm ông Võ Quý Huân lên tàu cùng Bác Hồ về nước, bà Irenè đang đi thi Tiến sĩ tại Paris.

Dù đang nuôi cô con gái mới 2 tuổi nhưng trước nghĩa vụ với Tổ quốc, ông Huân đã nén tình riêng, quyết tâm trở về Việt Nam phục vụ đất nước. Bé Võ Quí Việt Nga được gửi cho gia đình một người bạn nuôi. Mối tình và sự chia ly của gia đình ông Võ Quí Huân thời điểm đó là điển hình cho sự hi sinh cao cả vì Tổ quốc, ông mãi mãi không được gặp lại con gái và vợ…

Bác Hồ trao đổi với Giáo sư Trần Đại Nghĩa (ảnh chụp năm 1960).

Những vũ khí “Made in Chiến khu”

Hành trang trở về Tổ quốc của những trí thức Việt kiều ngoài lòng yêu nước, chỉ có sách, tài liệu chế tạo vũ khí, luyện kim. Ngay khi về nước, họ được giao những trọng trách phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Thời điểm đó, việc chế tạo vũ khí, sản xuất gang thép là yêu cầu cấp thiết nhất. Giáo sư Trần Đại Nghĩa được giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới, phụ trách việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí.

Kỹ sư Võ Quí Huân là Giám đốc Sở Khoáng chất kĩ nghệ Trung Bộ, lo việc sản xuất gang thép phục vụ ngành quân giới. Từ đó, những quả lựu đạn, trái mìn và nhiều loại vũ khí “Made in Chiến khu” đã được xuất xưởng đại trà bởi nhà thiết kế Trần Đại Nghĩa và gang thép của kĩ sư Võ Quí Huân, góp phần vào những thắng lợi của của bộ đội trên các mặt trận.

Tuy nhiên, xe tăng, xe bọc thép là loại khí tài lợi hại của quân Pháp, trong lúc bộ đội ta chưa có vũ khí hữu hiệu để tiêu diệt chúng. Quân Pháp rất biết tận dụng ưu thế của các loại khí tài này, cơ động trên các chiến trường, tổ chức những trận càn thọc sâu vào căn cứ kháng chiến, gây cho ta nhiều thiệt hại.

Các loại bom ba càng, chai xăng… đều không đạt hiệu quả cao trong chiến đấu và dễ gây thương vong cho bộ đội. Vì vậy, ngay từ giữa năm 1945, khi được Đội Con Nai của Mỹ tặng một số quả đạn và súng Bazooka chống tăng, Bác Hồ đã chỉ đạo chuyển ngay cho bộ phận Quân giới.

Đảm nhận trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới, Giáo sư Trần Đại Nghĩa và các đồng sự đã không quản ngày đêm mày mò nghiên cứu, quyết tâm chế tạo thành công loại vũ khí này. Họ đã “mổ xẻ” từng chi tiết khẩu Bazooka và đạn của Mỹ để nghiên cứu tìm thuốc nổ và gang thép đang có tại Việt Nam.

Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, khẩu súng Bazooka “Made in Chiến khu” đã bắn thử thành công. Từ tháng 4-1947, bộ đội các chiến trường bắt đầu được trang bị loại vũ khí cực mạnh khiến quân địch kinh hồn bạt vía, bởi không loại khí tài và lô cốt nào có thể chịu nổi sức công phá của Bazooka “Made in Chiến khu”.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhớ lại: “Bộ đội ta không chỉ dùng Bazooka để bắn xe tăng và xe thiết giáp, mà còn dùng cho năm, sáu công việc khác nhau: Bazooka bắn ổ súng máy của địch, bắn lô cốt cố thủ, bắn xe cơ giới, bắn tàu chiến, tàu tuần tiễu đi gần bờ sông và bắn cả tốp bộ binh khi chúng tập trung đông. Nhiều đoàn cơ giới của địch đã bị Bazooka tiêu diệt trên đường số 4”…

Ghi nhận những đóng góp to lớn của các trí thức theo Bác Hồ về nước kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã phong hàm Thiếu tướng cho Giáo sư Trần Đại Nghĩa (đợt đầu tiên năm 1948), danh hiệu Anh hùng lao động (đợt đầu tiên năm 1952) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1 năm 1996). Kỹ sư Võ Quí Huân được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Bác sỹ Trần Hữu Tước được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh… Tên của ba vị trí thức tiêu biểu này cũng được đặt cho nhiều đường phố, trường học trong cả nước.
Trần Duy Hiển

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文